Kinh tế số là xu thế và do toàn cầu hóa, áp lực cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân theo.
Kinh tế số đang bùng nổ trên thế giới, được đánh giá là nhân tố hàng đầu thúc đẩy
tăng trưởng và phát triển của mỗi quốc gia. Những năm qua, cách mạng công nghiệp 4.0 đã thâm nhập mọi mặt của đời sống xã hội, ngay từ những phương tiện đi lại qua các ứng dụng đặt xe di động như Grab và Uber; sống trực tuyến nhờ Twitter, Instagram và Facebook đến đặt thức ăn trực tuyến qua Foodpanda hay các ứng dụng nhờ công nghệ đám mây… Các công ty thống trị trên toàn cầu, các tỷ phú mới xuất hiện hầu hết đều gắn với công nghệ số, như Apple, Google, Microsoft, Amazon, Facebook, Tencent, Alibaba…
Tại Việt Nam, theo nhiều dự báo, đến năm 2025, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ chạm mốc 43 tỷ USD.
Chia sẻ với nhận định có phần lạc quan này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) giải thích, kinh tế số, hiểu một cách đơn giản, là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet.
Tại Việt Nam, với dân số trên 100 triệu người với lượng người dùng internet và điện thoại thông minh đông đảo, độ bao phủ của hạ tầng internet và viễn thông tương đối rộng khắp, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã nhận thức được xu hướng phát triển mới mang tính tất yếu của kinh tế số cũng như tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, từ nhận thức cho đến hành động còn khoảng cách rất xa, cần có một chiến lược, chương trình cụ thể về phát triển kinh tế số.
“Muốn phát triển kinh tế số không đơn giản, phải có công nghệ, Việt Nam đã có gì? Chúng ta có nền tảng là lượng người dùng internet, smartphone cao, nhưng đó mới chỉ là từ phía người dùng, quan trọng là các nhà quản lý đã kiến tạo được gì? Phải xác định đưa công nghệ gì vào, phổ cập công nghệ chứ không phải chỉ phổ cập điện thoại di động, internet. Nếu phổ cập điện thoại di động, internet không thôi thì với nhu cầu của mình, người dân có thể tự làm được”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
Thứ hai, Việt Nam đang thiếu vắng các doanh nghiệp công nghệ. Có chăng chỉ là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, tư nhân sớm tiếp cận được công nghệ mới.
Khẳng định người Việt rất thông minh, nhanh nhạy, PGS.TS Nguyễn Văn Nam kể lại câu chuyện cũ khi ông sang Nhật Bản khảo sát vào những năm 1990. Khi ấy, ông gặp gỡ nhiều nhà quản lý, nhà khoa học Nhật Bản và họ cho biết, vào những năm 70 khi tin học, máy tính phát triển ở Nhật Bản, chính kiều bào Việt Nam là những người đầu tiên nhanh nhạy tham gia vào lĩnh vực này và tạo ra được thu nhập cao. Ở thời điểm ông sang Nhật khảo sát, những người thành công đầu tiên đó đã rời Nhật Bản sang Mỹ, châu Âu để có cơ hội phát triển hơn nữa.
“”Vì lẽ đó, cần sớm ban hành chiến lược quốc gia về kinh tế số, xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam””, vị chuyên gia khẳng định.
Nếu chậm chân…
Tiếp tục bày tỏ tâm tư, PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định, sự phát triển của công nghệ số trên thế giới đã đặt ra một vấn đề lớn cho Việt Nam, bởi nếu chậm chân thì chúng ta không có cách nào đuổi kịp được các nước.
“Nếu chúng ta chậm chân thì nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam có nguồn nhân lực, có thị trường sẽ nhảy vào làm, cuối cùng người Việt chỉ đi làm thuê mà thôi.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nhân, doanh nghiệp trẻ, có chí hướng lớn đầu tư vào công nghệ số. Lưu ý rằng, sự hỗ trợ ở đây là hỗ trợ nhiều mặt, không phải chỉ cho tiền. Cần có thể chế cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển một cách thuận lợi”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam chia sẻ quan điểm.
Vị chuyên gia đồng thời lưu ý rằng, xét trên thực tế hiện nay, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam chủ yếu là nhiều doanh nghiệp có tên tuổi của nước ngoài, như Lazada, Shopee hay các sàn có vốn đầu tư nước ngoài như Tiki, Sendo… Tương tự, trong lĩnh vực vận chuyển, những cái tên đang chiếm lĩnh thị trường là Grab, GoViet. Trong các lĩnh vực khác, như cung cấp các dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển, tư vấn và kết nối shopping, ẩm thực, giải trí… các doanh nghiệp lớn của nước ngoài cũng đang chiếm lĩnh.
“Trong nền kinh tế số, lãnh thổ và địa lý trở thành tương đối, doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này tạo ra một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam, mà doanh nghiệp nội thường ở thế yếu”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ và một lần nữa nhấn mạnh về vai trò của Nhà nước trong việc thiết kế chiến lược, đưa ra những kế hoạch cụ thể để xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
“Đây là lĩnh vực mới, chính các ông chủ doanh nghiệp cũng chưa hẳn đã hiểu hết, chỉ biết tầm quan trọng của nó rồi phấn đấu mày mò. Do đó, Nhà nước phải lập ra ban chỉ đạo, có chiến lược, chương trình cụ thể, mỗi năm thiết lập bao nhiêu doanh nghiệp số, có chính sách gì hỗ trợ cho họ hoạt động, hệ thống đào tạo người quản lý, người lao động thế nào… Lúc ấy mới thành công, có những doanh nghiệp đầu đàn. Còn nếu chỉ trông chờ vào người tiêu dùng thì cuối cùng chỉ lợi cho doanh nghiệp nước ngoài”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam kết luận.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ phần mềm, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, Việt Nam có điều kiện để phát triển kinh tế số, quan trọng là phải có được phương án để triển khai cho mạnh mẽ.
“Tất nhiên nếu chúng ta không triển khai thì tự nhiên kinh tế số cũng phát triển vì ảnh hưởng của toàn cầu hóa, Nhà nước có chủ trương triển khai để đẩy tốc độ nhanh phát triển lên hay không mà thôi. Chúng ta không làm không được, các công ty nước ngoài nhanh chân vào Việt Nam họ làm mà chúng ta không làm thì thị trường sẽ bị nước ngoài chiếm lĩnh. Trường hợp Grab là một ví dụ, khi họ vào buộc các hãng taxi của Việt Nam phải áp dụng công nghệ, không cạnh tranh là chết”, PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ nhấn mạnh.
Thành Luân (Dân Việt)