Có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Một quốc gia muốn hùng mạnh thì cần phải có nhiều hiền tài đứng ra giúp dân giúp nước. Vậy làm sao để chọn được hiền tài?
Trong cuốn “Gia Cát Lượng văn tập – Tiện nghi thập lục sách – Cử thố” viết: “Trì quốc chi đạo, vụ tại cử hiền”. Còn nói: “Quốc chi hữu phụ, như ốc chi hữu trụ, trụ bất khả tế, phụ bất khả nhược, trụ tế tắc hại, phụ nhược tắc khuynh”. Ý nói rằng hiền tài là cái gốc trị quốc, nhân tài cùng việc trị quốc có quan hệ giống như căn nhà và cột trụ vậy. Nếu không có nhân tài thì quốc gia giống như không có trụ cột và dễ bị sụp đổ.
Người hiền tài có biểu hiện như thế nào?
Gia Cát Lượng đưa ra một tiêu chuẩn trọng yếu để đánh giá hiền tài chính là “Trực sĩ”. Ông cho rằng người hiền tài không chỉ có học thức uyên bác mà còn có tinh thần cầu tiến, không trốn tránh tội lỗi, trung trinh và có phẩm đức cao quý chân thành.
Ông còn viết: “Phù trụ dĩ trực mộc vi kiên. Phụ dĩ trực sĩ vi hiền. Trực mộc xuất ư lâm. Trực sĩ xuất ư chúng hạ”. Tạm dịch là, nếu chọn cây làm cột trụ chính thì phải lấy cây thẳng (trực mộc) thì mới có sức chống đỡ cho ngôi nhà vững chắc. Trong việc chống đỡ đất nước cũng như thế, để ngăn không cho quốc gia suy vong cần phải tìm người hiền tài có thấm lòng ngay thẳng (trực sĩ).
Năm Kiến Hưng thứ 5 (năm 227), trước khi Gia Cát Lượng dẫn quân bắc phạt Trung Nguyên đã dâng thư “Xuất sư biểu” lên Hậu chủ Lưu Thiện, hy vọng hậu chủ có thể trọng dụng Quách Du Chi, Phí Y, Đổng Doãn, Hướng Sủng, Trần Chấn, Trương Duệ, Tưởng Uyển… Ông còn nói những người này đều là người trung thành liều chết và mong muốn hậu chủ tin dùng. Gia Cát Lượng nắm rất rõ nhược điểm của Lưu Thiện, ông còn nói những lời thấm thía: “Thân cận hiền thần, xa rời tiểu nhân, đây là nguyên nhân khiến Tiên Hán hưng thịnh. Thân cận tiểu nhân, xa rời hiền thần, đây là nguyên nhân khiến Hậu Hán suy bại”. Từ đó có thể thấy, Gia Cát Lượng vô cùng coi trọng nhân tài.
Bởi vì tấu biểu này thể hiện rõ lòng trung thành của Gia Cát Lượng đối với nhà Thục Hán, hơn nữa lời lẽ lại khẩn thiết chu đáo, chân thành nên người đời sau vô cùng tôn sùng ông.
Quân chủ cần đi sâu vào dân gian để cầu hiền tài
Gia Cát Lượng biết rõ muốn có được người tài thật sự là việc không dễ dàng. Là bậc quân vương cần đi sâu vào dân chúng, nơi hiền tài ẩn thân mới có thể tìm thấy họ. Giống như Thương Thang Vương có được người thợ xây Phó Thuyết và Chu Văn Vương tìm được ông lão câu cá Khương Tử Nha vậy. Minh quân thì không bám cứng vào một khuôn mẫu đề bạt người tài.
Vì thế khi đưa ra việc tuyển nhân tài, cần làm đến mức: Treo thưởng để đợi công, thiết lập chức vị đợi người tài, không mở rộng quá nhiều chức quan, bốn phương đợi người giúp yên ổn (“Huyền thưởng dĩ đãi công, thiết vị dĩ đãi sĩ, bất khoáng thứ quan, ích tứ môn dĩ hưng trì vụ, huyền huân dĩ sính u ẩn”). Bởi vì trời phú cho mỗi người có tố chất và năng lực khác nhau. Có người giỏi làm việc lớn, có người lại thực thi rất tốt những việc nhỏ, có người giỏi đưa ra sách lược, có người lại giỏi dẫn quân đánh giặc, chiến thắng chỉ trong chốc lát. Vương Sung người thời nhà Hán có nói: “Nhân tài có cao có thấp, không thể tất cả đều giống nhau”.
Gia Cát Lượng đã nhận thức rất rõ điểm này, do vậy ông nói rằng cần hiểu rõ năng lực của từng người để sắp đặt người tài đúng vị trí. Do vậy, dựa vào tài năng cao thấp, Gia Cát Lượng chia nhân tài thành 6 bậc, bao gồm tướng nắm giữ mười quân, một trăm quân, một nghìn quân, một vạn quân, mười vạn quân và cao nhất là vị nguyên soái thống lĩnh toàn bộ quân lính của đất nước.
Theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, phàm là tướng soái cao cấp thì tuyệt đối không thể là người lỗ mãng, thô bỉ. Đồng thời người ấy không chỉ có kinh nghiệm tác chiến và kiến thức quân sự uyên thâm mà phải là người toàn tài. Người này phải có: “Kiến thức thưởng phạt nghiêm minh, giỏi cả văn lẫn võ, giỏi thuật cầm quân” và giỏi ở nhiều phương diện khác nữa. Ông còn nói thêm: “Lòng nhân từ yêu khắp thiên hạ, tín nghĩa thuyết phục nước láng giềng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, xem bốn biển là nhà, đây là vị tướng có thể thống trị thiên hạ”.
Ngoài ra, Gia Cát Lượng cho rằng, tài năng của một người không phải hoàn toàn đều do trời phú, mà cần phải được rèn luyện thực tế, nếu chỉ có tri thức sách vở thì chưa đủ. Bản thân Gia Cát Lượng cũng như vậy, giả như ông cứ ở trong rừng núi, không tham gia chiến đấu thực tế và rèn luyện tài năng thì ông cũng chỉ có biệt hiệu là “Ngọa Long” mà thôi. Nếu như vậy thì tài hoa của Gia Cát Lượng cũng sẽ bị tắt lụi trong tiếng thở dài, tham vọng của ông cũng sẽ chìm trong đau khổ.
7 cách nhìn người tài của Gia Cát Lượng
Thông qua thực tế nhiều năm, kết hợp với kinh nghiệm lựa chọn nhân tài của người đi trước, Gia Cát Lượng đã tổng kết ra bảy phương pháp nhìn người.
Ông nói: “Nhận biết một người có 7 cách: Một là dùng thị phi để hỏi đúng sai mà xem chí hướng của một người. Hai là cách người đó tranh biện để đánh giá, lúc cùng đường họ ứng biến thế nào. Ba là xem cách dùng mưu kế để biết kiến thức đối phương. Bốn là đặt ra tình huống nguy khốn để xem dũng khí. Năm là dùng rượu để xem tính nết. Sáu là dùng lợi để xem khả năng liêm chính. Bảy là dùng sự việc để xem chữ tín.”
Lập “Tham thự” để lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người
Đáng lưu ý chính là để người tài có thể phát huy hết năng lực, Gia Cát Lượng đã cho lập cơ quan “Tham thự”. Ông nói: “Thành lập Tham thự, lấy ý kiến quần chúng, càng có lợi ích”. Ông cũng nhấn mạnh thêm, có cơ cấu này rồi thì mọi việc có thể co có thể giãn. Đây chính là cơ quan tham mưu, cố vấn. Mục đích của ông là thông qua cơ quan này có thể thu thập được ý kiến ở các phương diện, phản ánh lên triều đình. Từ đó cân nhắc lợi hại để lựa chọn kế sách và chính sách hợp lý.
Trong “Gia Cát Lượng văn tập – Tiện nghi thập lục sách – Cử thố”, Gia Cát Lượng còn nhấn mạnh: “Con đường điều hành đất nước cần phải nghe nhiều biết rộng, lắng nghe ý kiến từ quần chúng, từ người nhiều mưu đến thường dân áo vải, như vậy thì mọi thứ sẽ ở trong tầm mắt, thanh âm của quần chúng sẽ ở trong tai”. Việc thành lập Tham thự của Gia Cát Lượng quả là một sáng kiến hay.
Nhờ đạo trị quốc và chính sách lựa chọn, trọng dụng người hiền tài của Gia Cát Lượng mà dưới triều đại Thục Hán chí sĩ hiền tài đều “xuất đầu lộ diện” trợ giúp triều đình. Bởi vậy khiến Thục Hán trở thành một trong những triều đại hùng mạnh và có nhiều người tài nhất trong lịch sử.
Theo Secretchina –San San biên dịch