Krispy Kreme không chỉ là một thương hiệu đã ăn sâu vào văn hóa nước Mỹ, mà nó còn là là biểu tượng cho tinh thần khởi nghiệp của người dân Hoa Kỳ.
Bắt đầu từ năm 1933, gia đình nhà Rudolph đã quyết tâm mua lại công thức làm bánh donut từ men nở của một đầu bếp người Pháp tại New Orleans. Xuyên suốt hai cuộc đại khủng hoảng kinh tế, Vernon Rudolph vẫn tiếp tục lèo lái thương hiệu Krispy Kreme vượt qua vô số khó khăn để “hạ gục” không ít đối thủ trên thị trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, Krispy Kreme đã tồn tại hơn 86 năm, trở thành một thương hiệu “gạo cội” trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Con số trên còn ấn tượng hơn nếu so với tuổi đời trung bình chỉ 33 năm của các tập đoàn S&P 500. Và đến năm 2026, các thương hiệu lớn tại Mỹ được dự báo chỉ hoạt động trung bình dưới 14 năm.
Theo nhiều chuyên gia, Krispy Kreme “sống sót” đến thời điểm hiện tại là nhờ vào tinh thần khởi nghiệp của nhà sáng lập cũng như khả năng thay đổi linh hoạt để phù hợp với thị hiếu mỗi thời kỳ.
Táo bạo và không ngại rủi ro
Trong cuộc đại suy thoái những năm 1920 – 1930, gia đình nhà Rudolph vẫn cần mẫn hoạt động với chi phí tối thiểu, chủ yếu sử dụng những nguồn lực sẵn có để bù lại với ngân sách ngày một “teo tóp” của khách hàng.
Nhờ chiến thuật “lấy công làm lời”, gia đình Rudolph là một trong những chủ doanh nghiệp hiếm hoi phát triển được trong thời kỳ “đen tối” này, mở rộng nhiều cửa hàng khắp khu vực phía Nam nước Mỹ.
Đến mùa hè năm năm 1937, “cậu ấm” Vernon Rudolph quyết tâm sở hữu cửa hàng của riêng mình vì không đồng tình với mô hình hiện tại của gia đình. Vernon cùng hai người bạn hùn hạp được 200 USD tiền vốn để mở cửa hàng Krispy Kreme đầu tiên ở Bắc Carolina.
Họ nhanh chóng “đốt” số tiền kia vào cơ sở hạ tầng và tiền thuê, buộc phải “ghi nợ” để mua thêm máy móc và nguyên liệu để bắt đầu vận hành.
Cửa hàng Krispy Kreme vào lúc đó vừa là lò sản xuất, vừa là kho hàng để phân phối bánh cho các đối tác bán sỉ khác nhau. Từ nửa đêm đến 4 giờ sáng, những mẫu donut mới liên tục ra lò, tỏa mùi hương khắp nơi và nhanh chóng thu hút sự chú ý của những lao động đi làm sớm.
Không thể cưỡng nổi hương vị thơm ngon vào sáng sớm, nhiều người đành gõ cửa lò bánh kia để mong sở hữu được chiếc bánh nóng hổi. Nhanh chóng chớp lấy thời cơ, Vernon đập hẳn một góc tường của lò bánh để bắt đầu bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Marketing thông minh
Krispy Kreme chưa bao giờ đầu tư mạnh vào truyền thông mà chỉ dựa vào sự chủ động giới thiệu của khách hàng sẵn có. Thay vì đổ tiền cho các hãng quảng cáo, Krispy Kreme đã tự tổ chức các chương trình phát bánh miễn phí vào những sự kiện đặc biệt, không những tạo được tiếng vang truyền thông mà còn khiến khách hàng thêm “mê mẩn”, sẵn sàng bỏ tiền ra mua vào lần sau.
Ngoài ra thì Krispy Kreme luôn hoạt động năng nổ để trở thành một “nhãn hiệu có trách nhiệm” trong khu vực, dẫn đầu các chương trình quyên góp vì cộng đồng, gọi vốn hỗ trợ người khó khăn …
Krispy Kreme còn chủ động cung cấp hộp bánh với giá gốc, cho phép các bên như Hướng đạo sinh bán lại cho người dùng để lấy chênh lệch. Hoạt động này không chỉ củng cố hình ảnh thương hiệu Krispy Kreme mà còn nhanh chóng tạo ra một thế hệ “ghiền donut” mới.
Cách mạng từ trong lò bánh
Vì chỉ tập trung bán mỗi bánh donut, thành công của Krispy Kreme nhanh chóng bị đe dọa bởi hàng loạt thương hiệu khác, từ các tiệm bánh ngọt cho đến các lò bánh mì lớn. Xác định rằng chỉ có chất lượng sản phẩm mới là “vũ khí” bền vững, nhà sáng lập Vernon đã thành lập 3 phòng ban sáng tạo với những kỹ sư và thợ máy lành nghề vào năm 1947 để “công nghiệp hóa” khâu sản xuất của chính mình.
Chiếc máy “Ring-King Junior” từ đó trở thành một phần không thể thiếu trong khu vực làm bánh của Krispy Kreme, không những hiệu quả mà còn tiết kiệm thời gian, không gian và nguyên liệu.
Krispy Kreme cũng là một thương hiệu tiên phong trong “cách mạng 3.0”, tránh khỏi một cuộc khủng hoảng trước khi các đối thủ nhận ra tầm quan trọng của công nghiệp hóa.
Nhưng không chỉ là một chiếc máy hoạt động ở “hậu trường”, Vernon còn yêu cầu các cửa tiệm thay bức tường giữa lò bánh và khu vực bán hàng bằng những tấm kính lớn, từ đó khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy và an tâm về chất lượng bánh với dây chuyển sản xuất “hiện đại” của Krispy Kreme.
Tấm biển đỏ
Khi dây chuyền sản xuất bắt đầu chạy, tất cả cửa hàng Krispy Kreme sẽ bật chiếc đèn neon màu đỏ với dòng chữ “Hot Krispy Kreme Now”. Được đưa vào sử dụng từ năm 1992, chiếc đèn này thông báo với người đi đường hơn 20 năm ròng rằng có rất nhiều mẻ bánh mới ra lò đang sẵn sàng phục vụ.
Khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời vào năm 2007, hàng loạt thương hiệu lớn bước vào “cuộc chạy đua ứng dụng”. Nhưng tất cả những gì họ làm được là một phiên bản rút gọn y chang như website của doanh nghiệp.
Chỉ có Krispy Kreme là thật sự đầu tư với ứng dụng “Hot Light”.
Được kết nối với tất cả cửa tiệm, Hot Light sẽ gửi thông báo đẩy tới khách hàng mỗi khi một cửa hàng Krispy Kreme “sáng đèn”. Ứng dụng này sau đó còn chỉ đường đến cửa tiệm gần nhất với mẻ bánh donut vừa ra lò.
Kết quả
Sáng tạo, cần cù và luôn đề cao chất lượng sản phẩm, Krispy Kreme đã trở thành một thương hiệu được cả nước Mỹ yêu thích.
Hiện nhãn hiệu này đã có hơn 1.116 cửa tiệm khắp 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Krispy Kreme còn trở thành một phần của văn hóa đại chúng khi xuất hiện trong những tác phẩm điện ảnh như “Sex and the City”, “The Sopranos” và gần đây nhất là phiên bản “Power Rangers” làm lại vào năm 2017.
Ngoài ra thì Krispy Kreme còn có những “fan cứng” nổi tiếng như Madonna và Beyoncé, chứng tỏ khả năng duy trì độ “hấp dẫn” của một thương hiệu gần 90 năm tuổi.
Theo Thanh Sang – Trí thức trẻ