Theo tờ Wall Street Journal, Samsung là một ví dụ điển hình về việc di dời thành công các bộ phận lớn trong bộ máy sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.
Samsung dịch chuyển thành công ra khỏi Trung Quốc
“Giảm rủi ro” là một thuật ngữ thông dụng mới nhằm mô tả chiến lược của các chính phủ phương Tây đối với Trung Quốc. Ý tưởng cơ bản là: Giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất, đặc biệt là đối với các mặt hàng công nghệ chủ chốt.
Được thúc đẩy bởi cả nhu cầu địa chính trị và thương mại, xu hướng này có vẻ sẽ phổ cập hơn nữa trong tương lai. Các nhả sản xuất đã bắt đầu tích cực tìm kiếm những lựa chọn khác thay thế. Tuy nhiên, việc chuyển dịch một phần khỏi cơ sở sản xuất tại Trung Quốc nhìn chung khá khó khăn.
Theo tờ Wall Street Journal, Samsung là một ví dụ điển hình về việc di dời thành công các bộ phận lớn trong bộ máy sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.
Trên thực tế, Samsung vẫn có các hoạt động quan trọng tại Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh chip nhớ. Tuy nhiên, nếu xét theo quy mô nhân viên thì Samsung đã dịch chuyển dần ra khỏi Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo Phát triển bền vững năm 2014, Samsung có hơn 60.000 nhân viên tại Trung Quốc trong năm 2013, nhưng con số đó đã giảm xuống dưới 18.000 nhân viên vào năm 2021. Bên cạnh đó, Samsung đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng của hãng tại Trung Quốc trong năm 2019.
Việc nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới thành công rời bỏ Trung Quốc có thể khiến các công ty khác lạc quan hơn trong xu hướng “giảm rủi ro”. Tuy nhiên, thành công của Samsung có liên quan tới các yếu tố thị trường mà Apple khó có thể “sao chép” được.
Ví dụ, thị phần điện thoại thông minh của Samsung tại Trung Quốc đã bị lấn lướt từ giữa nhưng năm 2010 do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty nội địa Trung Quốc như Xiaomi – hãng này đã cho ra đời các mẫu điện thoại thông minh Android với giá cả phải chăng hơn.
Mặt khác, Samsung hiện là thương hiệu bán chạy nhất ở Ấn Độ và Đông Nam Á, tức là nếu chuyển sản xuất về Ấn Độ hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác, hãng có thể sản xuất và bán một lượng lớn sản phẩm của mình ở cùng một nơi. Trong khi đó, Apple – với mức giá cao – sẽ gặp khó khăn với điều này, đặc biệt là tại thị trường Ấn Độ – nơi cân nhắc nhiều về giá cả.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà cả Apple và Samsung phải đối mặt, đó là ngay cả khi đã di dời bộ phận lắp ráp sản phẩm cuối cùng ra khỏi Trung Quốc, họ vẫn phải phụ thuộc vào nhiều nhà cung cấp tại đây.
Trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 năm 2020, Samsung cũng phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung khi các linh kiện từ Trung Quốc đột ngột khan hiếm.
Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược toàn cầu của Samsung
Cũng theo WSJ, trong xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Samsung giờ đây đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, theo Sputnik, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất, công xưởng lớn nhất của Samsung trên thế giới. Có đến 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại quốc gia này.
Hãng tin Nga cho hay, Samsung đang “làm ăn rất tốt” ở Việt Nam. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Samsung cho thấy, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.
Trước đó, năm 2020, các nhà máy của Samsung tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khổng lồ với doanh thu đạt khoảng 67 tỷ USD, lợi nhuận 4 tỷ USD.
“Hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm di động thông minh được sản xuất tại các nhà máy Samsung tại Việt Nam đang được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới” – Samsung Việt Nam cho hay.
Hiện tại, hãng cũng đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt đông Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội.
Ngày 20/4 vừa qua, tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và Lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba của Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tập đoàn Samsung đang tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh, coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, mang tính chiến lược toàn cầu, phát triển toàn diện hơn nữa cả về sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chủ lực ra các thị trường thế giới.
Theo Nhật Minh-Theo thethaovanhoa