Trong bộ quần áo rách nát, người ta thấy ông vẫn cặm cụi đọc những cuốn sách của Khổng Tử ở các ga tàu điện ngầm. Không như những người vô gia cư khác, ông còn có thể bàn luận lưu loát về lịch sử và văn học.
Khoảng giữa năm 2019, một đoạn video về người đàn ông vô gia cư, áo quần rách nát đang ngồi đọc những cuốn sách của Khổng Tử ở ga tàu điện ngầm tại Thượng Hải (Trung Quốc) bỗng thu hút sự chú ý của hàng triệu lượt xem chỉ trong 3 ngày.
Không chỉ thích đọc sách, một số người dùng mạng xã hội khi đó còn chia sẻ đoạn video ông thảo luận lưu loát về văn học và triết học. Ngay sau đó, người ta gọi ông với cái tên “Vagrant Shanghai Professor” (tạm dịch: Giáo sư lang thang tại Thượng Hải).
Không lâu sau hàng loạt thông tin cá nhân của ông bắt đầu được lan truyền trên Internet. Phía sau người đàn ông là câu chuyện về niềm đam mê văn chương nhưng bị gia đình ngăn cấm.
“Cha tôi phản đối tôi theo đuổi đam mê văn chương”
Thẩm Nguy sinh ra trong một gia đình tri thức vào năm 1967. Ông được cha mẹ đặt trọn niềm tin về một tương lai xán lạn. Vốn không khá giả, song bố mẹ vẫn cố gắng cho ông theo học những lò luyện thi, hy vọng con trai trở thành nhân tài, đồng thời lên kế hoạch chi tiết cho tương lai.
Thích đọc sách, Thẩm Nguy dần phát hiện ra sở thích của mình. Ông mong muốn trở thành nhà nghiên cứu về văn học trong tương lai. Tuy nhiên, ý tưởng của ông ngay lập tức bị bố phản đối. Thậm chí, bố của Thẩm Nguy còn cấm ông đọc và mua sách liên quan đến văn học.
Không có tiền tiêu vặt, ông bắt đầu nghĩ cách để kiếm tiền mua sách. Thẩm Nguy bắt đầu dùng thời gian rảnh rỗi để đi nhặt phế liệu nhằm lấy tiền mua sách. Mỗi lần mua được một cuốn sách ông như thấy được bảo vật, đọc quên ăn quên ngủ.
Xác định mơ ước của bản thân, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, ông mong muốn được theo học chuyên ngành văn học nhưng lại bị bố ngăn cấm. Cuối cùng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo sự sắp xếp của bố, theo học ngành kiểm toán. Trong suốt những năm tháng học đại học, ông cố gắng duy trì thành tích học tập dẫu không phải đam mê. Sau khi ra trường, Thẩm Nguy làm việc trong vai trò kiểm toán viên theo sự sắp đặt của cha.
Chọn cuộc sống vô gia cư để được theo đuổi đam mê
Trong suốt thời gian trở thành một nhân viên văn phòng, Thẩm Nguy vẫn giữa thói quen nhặt rác. Ông thường nhặt giấy vụn và giấy chỉ in một mặt để tái sử dụng. Trong mắt của Thẩm Nguy, những thứ bị người khác bỏ đi thực tế là báu vật đối với ông.
Ông thường nhặt giấy vụn và chất thành đống ở nhà và nơi làm việc của mình. Điều này khiến các đồng nghiệp tỏ ra không hài lòng. Bị cấp trên phàn nàn, Thẩm Nguy chủ động xin nghỉ việc với lý do bệnh tật. Ông được trợ cấp tiền thất nghiệp khoảng 2.000 NDT/tháng.
Thực tế này có thể khiến nhiều người lo lắng. Song đối với Thẩm Nguy, ông cảm thấy đây là thời điểm được sống tự do theo cách mình thích. Đã có mối quan hệ không tốt với bố mẹ, khi biết tin ông nghỉ việc, gia đình đã không chấp nhận sự lạ lùng này. Để tinh thần được thoải mái, Thẩm Nguy thuê nhà riêng để ở.
Sau đó, ngôi nhà bị phá bỏ vào năm 2001. Ông lại chuyển đến một ngôi nhà cũ gần đó. Tuy nhiên sau nhiều lần khúc mắc với hàng xóm, ông quyết định sống lang thang trên phố. Sau năm 2003, ông hoàn toán cắt đứt liên lạc với gia đình.
Không có nhà, Thẩm Nguy tiếp tục nhặt rác bán lấy tiền để mua sách. Trong bộ quần áo rách rưởi, người ta thấy ông vẫn cặm cụi đọc sách ở ga tàu điện ngầm tại khu vực Thượng Hải. Không như những người vô gia cư khác, nhiều người phát hiện ông có thể bàn luận về văn học và lịch sử một cách lưu loát.
Chỉ sau một video lan truyền trên mạng xã hội ông bỗng trở nên nổi tiếng. Hình ảnh và video về Thẩm Nguy bắt đầu tràn ngập trên các bài báo và nhiều phương tiện truyền thông xã hội tại Trung Quốc. Hàng trăm người bắt đầu tìm kiếm ông để có thể chụp hình cùng. Cư dân mạng đặt cho ông biệt danh “Vagrant Shanghai Professor” (tạm dịch: Giáo sư lang thang tại Thượng Hải).
Mỗi lần ông nói chuyện đều có hàng chục chiếc điện thoại và máy quay phim sẵn sàng để ghi hình. Ngay khi ông Thẩm nói xong một câu trích dẫn, những người vây quanh vỗ tay tán thưởng và chúc mừng ông.
Sau 3 tháng nổi tiếng như “sao”, ông cảm thấy như bị quá tải. “Tôi không đổ lỗi cho ai cả nhưng tôi ghét Internet. Internet không mang lại gì cho tôi ngoài rắc rối” – ông Thẩm nói với các tờ báo Trung Quốc, giai đoạn đỉnh cao nổi tiếng của ông.
Có thời điểm đám đông tập trung quá đông và trở nên ồn ào, cảnh sát Thượng Hải đã phải can thiệp và hộ tống ông đến nơi an toàn.
Theo thời gian, công chúng dần ít chú ý đến ông hơn. Thẩm Nguy cũng dần thay đổi. Ông trở về cuộc sống của người đàn ông bình thường. Ông cạo râu, cắt tóc và anh ăn mặc gọn gàng.
Chia sẻ với 163, Thầm Nguy cho biết trước khi qua đời, bố đã gọi ông lại và xin lỗi. Bởi nếu không phải sự ngăn cấm đó, Thẩm Nguy đã có cuộc sống tốt hơn. Từ đây mối quan hệ giữa ông với gia đình dần được hàn gắn trở lại. Ông cũng được tự do theo đuổi đúng đam mê của bản thân.
Đinh Anh–Thể thao & Văn hoá