FPT tuyên bố chiến lược tập trung vào hình thành Tổ hợp số 5.0, Automotive, AI, Công nghệ bán dẫn – Chip và Tăng tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm, giải pháp công nghệ.
Sáng ngày 12/10/2023, tập đoàn FPT đã tổ chức lễ công bố FPT Techday 2023 với chủ đề Kiến tạo hạnh phúc dự kiến sẽ diễn ra vào 24 – 25/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, năm nay là năm FPT kỷ niệm 35 năm thành lập, Tập đoàn công bố chiến lược mới tập trung vào các hướng: Hình thành Tổ hợp số 5.0, Automotive (phần mềm dùng để sản xuất, điều khiển, thiết kế, phát triển và vận hành hệ thống thông tin hỗ trợ sản xuất của các loại ô tô hiện nay), AI, Công nghệ bán dẫn – Chip và Tăng tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm, giải pháp công nghệ.
Cụ thể, Tổ hợp số 5.0 – DC5 (Digital Conglomerate 5.0) là tổ hợp dùng công nghệ, đặc biệt là dùng dữ liệu để xây dựng các sản phẩm, giải pháp quan tâm đến sức khỏe, học tập, việc làm… đầu tiên là đến 100 triệu người dân Việt Nam.
Theo ông Khoa, đây là tổ hợp kiến tạo hạnh phúc, dùng công nghệ phục vụ con người tốt hơn. Trong cuộc sống hàng ngày công nghệ nằm xung quanh chúng ta và tác động đến nhiều mặt của đời sống. Tổ hợp số 5.0 sẽ tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái chăm sóc trọn vòng đời của con người.
Đặc biệt, ông Khoa cho biết FPT sẽ tập trung vào lĩnh vực Automotive.
“Tương lai của thế giới là ô tô điện, FPT hợp tác với 6 hãng xe trên thế giới, làm hệ điều hành với các hệ thống phần mềm. Tiếc là chưa làm cho VinFast” – Ông Khoa nói. Tuy nhiên, FPT cũng đã cung cấp nhiều giải pháp, dịch vụ phần mềm cho nhà máy ô tô VinFast.
Theo CEO của FPT, việc này đem lại cho FPT nói riêng và Việt Nam nói chung cơ hội vô cùng lớn.
Đồng thời, FPT tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa vào thiết kế chip. Tập đoàn đã nhận nhiệm vụ với Chính phủ đào tạo 10.000 người trong lĩnh vực bán dẫn, đã thành lập khoa bán dẫn ở ĐH FPT và đang nỗ lực để có được lực lượng tham gia vào lĩnh vực bán dẫn nhiều hơn. Chương trình đại học mất 4 năm đào tạo, FPT xây dựng những chương trình đào tạo đặc biệt để có thể nhanh chóng chuyển dịch lực lượng CNTT sang làm chip.
Theo Huyền Trang–Theo Nhịp sống thị trường