Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài năm 2016, theo đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
EU ngày thứ Bảy, 24/4, lên tiếng về việc Trung Quốc gây nguy hiểm cho hòa bình ở Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở vùng biển này, bất chấp Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết.
Trước đó một tuần, EU đã công bố chính sách mới nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Giới chức Philippines ngày 23/4 một lần nữa phản đối việc Bắc Kinh không rút các tàu “đe dọa” được cho là do lực lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển xung quanh bãi đá Ba Đầu – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Căng thẳng trên Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu lớn của Trung Quốc tại bãi đá Ba Đầu, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực,” phát ngôn viên của EU cho biết trong một tuyên bố ngày 24/4.
EU nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ “các hành động đơn phương có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”. Tổ chức này kêu gọi tất cả các bên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế và nhấn mạnh tòa PCA vào năm 2016 đã ra phán quyết vô hiệu hóa hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của EU rằng các tàu của nước này tại đá Ba Đầu đang gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh. Cùng ngày 24, phái đoàn Trung Quốc tại EU nói việc các tàu đánh cá của nước này hoạt động ở đá Ba Đầu và trú ẩn tại đây là “hợp lý và hợp pháp”.
Bắc Kinh ngày càng lo lắng rằng Châu Âu và các quốc gia khác đang chú ý đến lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một “cách tiếp cận phối hợp” đối với Trung Quốc, vốn cho đến nay đã trở thành hiện thực dưới các lệnh cấm vận hàng loạt đối với quốc gia tỷ dân liên quan đến vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước cho biết Washington “đứng về phía đồng minh Philippines” khi đối mặt với lực lượng dân quân biển đông đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong tuyên bố ngày 25/3/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình được xác lập theo Công ước. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của cụm Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi người lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực,” bà Hằng nói.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị