Cái kết của kẻ bắt cá 2 tay thường đẫm nước mắt.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao, việc Elon Musk tận dụng ưu đãi xe điện tại nền kinh tế số 1 thế giới nhưng lại sang chào hàng ở cường quốc Châu Á được cho là động thái “đùa với lửa”.
Bài học Tiktok, Huawei vẫn còn đó, trong khi Tesla còn là một công ty Mỹ, qua đó dễ tổn thương hơn khi nhận các hình phạt từ Washington.
2 bờ Thái Bình Dương
Vào cuối tuần trước, tỷ phú Elon Musk của Tesla đã có chuyến thăm bất ngờ đến Trung Quốc để chào hàng dịch vụ xe điện tự lái của mình.
Vài giờ sau đó, Tesla đã được đưa vào danh sách hơn 70 mẫu ô tô thông qua kiểm tra tuân thủ bảo mật dữ liệu tại Trung Quốc. Hãng Baidu cũng xác nhận hợp tác cung cấp quyền truy cập hệ thống điều hướng, bản đồ và dữ liệu của mình với Tesla.
Động thái này đã dọn đường cho Elon Musk bán công nghệ xe điện tự lái cho 1,6 triệu sản phẩm Tesla đang hoạt động ở Trung Quốc. Cổ phiếu của hãng đã tăng 15% sau khi Elon Musk rời Bắc Kinh, khiến cổ đông thở phào khi mã này đã giảm hơn 40% từ đầu năm 2024, qua đó trở thành cổ phiếu có kết quả tệ nhất trong S&P 500.
Thế nhưng ở bên kia bờ Thái Bình Dương tại trụ sở chính của Tesla bang Texas, mọi chuyện lại đang vô cùng kịch tính. Tối muộn ngày thứ 2 sau chuyến thăm bất ngờ Bắc Kinh của Elon Musk, vị CEO này đã gửi email đến ban giám đốc để sa thải 2 giám đốc cấp cao, trưởng phòng nhân sự và hàng trăm nhân viên thuộc mạng lưới sạc nhanh “Supercharger” của Tesla.
“Hy vọng rằng việc sa thải này cho thấy rõ là chúng ta cần phải hết sức cứng rắn về số lượng nhân viên để cắt giảm chi phí…Trong khi một số giám đốc xem xét vấn đề này nghiêm túc thì hầu hết vẫn chưa chịu chú trọng”, Elon Musk cảnh báo.
Phong cách quản lý không khoan nhượng của ông chủ Tesla vốn chẳng có gì xa lạ khi Elon Musk cũng sa thải gần hết đội ngũ nhân viên cũ của Twitter-X khi mua lại mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD vào năm 2022.
Thế nhưng việc vị tỷ phú xe điện này khắt khe hơn tại thị trường Mỹ để quay sang cầu cứu Trung Quốc trong bối cảnh doanh số suy giảm đã khiến chính quyền Washington không hài lòng.
Xin được nhắc rằng căng thẳng Mỹ-Trung đang tăng cao sau quyết định buộc Tiktok phải bán mình hoặc rời khỏi nền kinh tế số 1 thế giới. Những chỉ trích về an ninh dữ liệu, công nghệ là tâm điểm trong cuộc tranh cãi giữa 2 cường quốc bên bờ Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh như vậy, việc Elon Musk bất ngờ sang thăm Bắc Kinh được cho là cực kỳ nhạy cảm và có thể đem lại những hệ lụy trái chiều.
Mất giá
Tờ Financial Times (FT) nhận định hào quang của Elon Musk đang dần biến mất tại Mỹ khi người tiêu dùng, nhà đầu tư và thậm chí là các quan chức dần mất kiên nhẫn với lời nói cũng như hành động trái chiều của vị tỷ phú này.
Nhiều đại lý bán xe ở Mỹ cho biết người dùng có xu hướng mua xe của đối thủ Tesla nhằm phản đối những phát biểu khiêu khích của Elon Musk trên Twitter-X, cũng như việc CEO này có hành động đi ngược với các cam kết trước đây.
Tồi tệ hơn, việc sa thải gần như toàn bộ đội Supercharger gồm 500 người mà không có thông báo trước hay lời giải thích rõ ràng công khai càng khiến nhiều người bất mãn, còn cổ đông thì nghi vấn về khả năng điều hành của Elon Musk.
Xin được nhắc rằng Tesla có 50.000 trạm sạc trên toàn cầu và 15.000 ở Bắc Mỹ, qua đó trở thành tiêu chuẩn của ngành xe điện, buộc đối thủ phải ký hợp đồng để sử dụng. Thế nhưng động thái sa thải mới đây lại khiến nhiều người đặt câu hỏi chuyện gì đang diễn ra với Tesla?
Chuyên gia Ross Gerber của Gerber Kawasaki, đồng thời cũng là cổ đông Tesla cho biết Supercharger (sạc nhanh) là mảng có thể đem về lợi nhuận nhanh nhất cho Tesla khi tập đoàn này độc quyền trong mảng mạng lưới trạm sạc xe điện.
Bởi vậy việc sa thải hầu hết nhân viên của bộ phận này bị đánh giá là “một bước thụt lùi khủng khiếp”.
“Elon Musk đang sa thải nhiều nhân viên có đóng góp quan trọng trong thành công của Tesla chỉ vì những niềm tin hay tầm nhìn sai lầm thường xuyên biến động của mình. Doanh số Tesla tệ hại là vì có một giám đốc tồi như vậy. Elon Musk chỉ điên cuồng cắt giảm chi phí chứ chẳng hề thực sự giải quyết cốt lõi vấn đề mà công ty đang gặp phải”, ông Gerber chỉ trích.
Vào tháng 4/2024, Elon Musk tuyên bố cắt giảm 14.000 lao động khi doanh thu quý I của Tesla giảm 9%, đồng thời cảnh báo tốc độ tăng trưởng doanh số có thể thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Để giải quyết tình hình bên cạnh động thái sa thải lao động, Elon Musk giới thiệu dự án xe điện giá rẻ trị giá 25.000 USD để rồi sau đó bị phát hiện đang chuyển nguồn lực sang công nghệ taxi điện tự lái.
Đây chính là lý do khiến ông chủ Tesla sang chào hàng Trung Quốc khi thị trường xe điện tự lái đang bùng nổ nơi đây với nhiều hãng ô tô điện địa phương đã chào hàng kỹ thuật mới. Trái lại tại Mỹ, công nghệ tự lái của Tesla đang bị Bộ tư pháp theo dõi vì liên quan đến nhiều vụ tai nạn.
Thế nhưng nhà đầu tư lại lo sợ Tesla sẽ phải hứng chịu cơn giận dữ từ Washington trong thời điểm nhạy cảm hiện nay khi Tiktok vừa mới bị ép phải tách rời Trung Quốc.
Cú sốc cho Ấn Độ?
Việc Elon Musk coi trọng Trung Quốc không có gì khó hiểu. Đây là thị trường lớn nhất của Tesla bên ngoài Mỹ.
Trung Quốc chiếm đến 50% doanh số và 20% công suất của Tesla năm 2023. Nhà máy của hãng này tại Thượng Hải là một trong những nhà máy có sản lượng chủ chốt của hãng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó thị trường xe điện Mỹ đã giảm tốc nhanh chóng. Báo cáo của UBS cho thấy doanh số xe điện tại Mỹ tăng trưởng 60% năm 2022 và đã giảm xuống còn 47% năm 2023. Tỷ lệ này được dự đoán chỉ còn 11% năm 2024.
Tồi tệ hơn, thị phần xe điện của Tesla tại Mỹ đã giảm từ 62% năm ngoái xuống còn 51% hiện nay.
Tuy nhiên bước đi của Elon Musk đến Trung Quốc cũng có nhiều rủi ro khi công nghệ xe điện tự lái của Tesla dùng camera chứ không phải cảm biến như các đối thủ thường dùng.
Điều này khiến sản phẩm của Elon Musk dễ thu thập thông tin cá nhân hơn và trở nên “nguy hiểm” khi tiếp cận các cơ sở nhạy cảm cần bảo mật ở Trung Quốc.
Ngoài ra, việc ông chủ Tesla bất ngờ hoãn thăm Ấn Độ để đến Bắc Kinh rồi mới bay sang Nam Á bị cho là cú sốc với nền kinh tế này.
Ngày 10/4, Elon Musk cho biết sẽ sang thăm Ấn Độ, làm dấy lên hy vọng xây nhà máy Tesla trị giá 3 tỷ USD ở Ấn Độ nhằm hiện thực hóa tham vọng thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng thế giới tại đây.
Thế nhưng kế hoạch chuyến thăm này đã bị hủy bỏ chỉ sau 10 ngày để rồi 9 ngày sau đó, ông chủ Tesla có mặt ở Bắc Kinh.
Mặc dù Elon Musk đã lên máy bay đến Ấn Độ sau chuyến thăm Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế Nam Á đã không còn mặn mà gì với Tesla khi hiểu rằng dự án nhà máy 3 tỷ USD đã “chết”.
*Nguồn: FT-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ