Theo người này, thành công của Tổng thống Putin đến từ sự mới lạ: Mọi cử tri đều nhìn thấy “điều gì đó khác biệt” ở ông, nhiều người “tin ông sẽ trả lại thứ gì đó cho nước Nga”.
“TẠI SAO PHẢI CẢN ĐƯỜNG PUTIN?”
Đúng giữa trưa (giờ Moscow) ngày 31/12/1999, khi cả nước Nga đang chuẩn bị bàn tiệc, Kênh truyền hình 1 phát sóng tuyên bố của Tổng thống Boris Yeltsin về việc ông từ chức sớm.
“Tôi rời chức… trước thời hạn, tôi nhận ra rằng mình phải làm điều này, nước Nga phải bước vào thiên nhiên kỷ mới với các chính trị gia mới, các gương mặt mới với những con người mới khôn ngoan, mạnh mẽ đầy sức sống… Và đối với những người đã nắm quyền trong nhiều năm như chúng tôi, chúng tôi phải ra đi”, Tổng thống Yeltsin quyết định bàn giao quyền lực, trao vali hạt nhân cho Thủ tướng Vladimir Putin.
Những bông tuyết vương phủ trên các ngọn tháp và mái vòm của Điện Kremlin khi Yeltsin, đội mũ lông, mặc áo khoác dài, bước ra ngoài vào lúc 14h. Ông bắt tay Putin, leo lên chiếc Mercedes limousine và rời khỏi tòa nhà – nơi ông đã quản lý nước Nga trong gần một thập kỷ. Các cấp dưới đứng trên bậc thềm chào tạm biệt.
Tôi đi đây… Hãy chăm sóc nước Nga!
Thực tế, vào ngày 28/12/1999, như thường lệ, bài phát biểu chúc mừng năm mới trên truyền hình của Tổng thống Nga được ghi hình. Hội trường của Điện Kremlin được trang trí bằng một cây thông Noel, một chiếc đồng hồ lớn bằng vàng và sự xuất hiện một đoàn làm phim.
Yeltsin đọc diễn văn đã chuẩn bị sẵn, máy nhắc chữ vang lên nhưng tổng thống lại đứng dậy và nói một cách không hài lòng: “Giọng tôi có vẻ hơi khàn. Và tôi không thích văn bản này. Chúng ta sẽ viết lại nó“. Nhóm biên soạn bài phát biểu rất ngạc nhiên – mọi thứ dường như vẫn ổn nhưng sau đó ông lại yêu cầu viết lại nó. Ông tạm dừng ghi hình cho đến ngày 31/12.
Rất lâu sau này, trong hồi ký của mình, vị tổng thống đầu tiên của nước Nga kể lại rằng, ông chưa bao giờ giữ bí mật một quyết định quan trọng nào lâu đến vậy, ngay cả với những trợ lý thân cận nhất.
Tổng thống Yeltsin chỉ mời ba người gồm Thủ tướng Vladimir Putin, tân chánh văn phòng Alexander Voloshin và cựu chánh văn phòng Valentin Yumashev đến nhà riêng và thông báo về quyết định từ chức, chuyển giao quyền lực cho Putin.
Về lý do cụ thể chọn ông Putin, tài liệu giải mật từ Thư viện cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton về cuộc trò chuyện vào ngày 8/9/1999 tiết lộ, Tổng thống Yeltsin nói với Clinton rằng ông đã mất nhiều thời gian để nghĩ xem ai có thể trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Nga vào năm 2000.
“Thật không may, lúc đó tôi không tìm được một ứng cử viên nào. Cuối cùng, tôi tình cờ gặp ông ấy, Putin; nghiên cứu tiểu sử, sở thích, những người quen của ông ấy, v.v…. Tôi biết được rằng ông ấy là một người đáng tin cậy và thông thạo những gì thuộc lĩnh vực trách nhiệm của mình. Đồng thời, ông ấy là người rắn rỏi và mạnh mẽ, rất hòa đồng. Và ông ấy có thể dễ dàng thiết lập các mối quan hệ và liên hệ tốt với các đối tác”.
Yeltsin nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng ông ấy sẽ được ủng hộ với tư cách là ứng cử viên [trong cuộc bầu cử tổng thống Nga] vào năm 2000”.
Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại khác với Clinton vào ngày 19/11/1999, Yeltsin xác nhận rằng Putin sẽ là người kế nhiệm ông. “Ông ấy là một nhà dân chủ và hiểu rõ về phương Tây”, Yeltsin nói. Ngược lại, Clinton, vào thời điểm đó đã gặp Thủ tướng Putin tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Auckland, đáp lại rằng ông ấy “rất thông minh”.
Như vậy sau tuyên bố vào trưa 31/12/2023, Thủ tướng Vladimir Putin chính thức trở thành Quyền Tổng thống theo hiến pháp Nga. Hiến pháp cũng yêu cầu các cuộc bầu cử tổng thống sớm phải được tổ chức trong vòng ba tháng.
Ngày 26/3/2000, ông Putin chính thức được bầu làm Tổng thống với 52,94% số phiếu bầu.
NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO CẤP PHÓ XUẤT SẮC
Theo lời của cựu chánh văn phòng Tổng thống Valentin Yumashev (8/1996-12/1998), Yeltsin đã từ chức vài tháng trước cuộc bầu cử để tạo cơ hội thuận lợi cho người kế nhiệm. Bước đi này cho phép ông Putin củng cố vị thế của mình trước “chính trị gia quyền lực” Yevgeny Primkov và “thị trưởng tài năng” Yury Luzhkov.
Ông Yumashev cũng là con rể của Tổng thống Yeltsin, được cho là người đóng vai trò quan trọng mở đường cho ông Putin bước lên vũ đài chính trị.4
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Yumashev và Putin vào tháng 3/1997.
“Khi đó tôi đang là chánh văn phòng Tổng thống và cựu chánh văn phòng Anatoly Chubais đã đến gặp tôi. Ông nói rằng có một người rất tốt, mạnh mẽ mà ông đã làm việc cùng ở St Petersburg – đó là Vladimir Vladimirovich Putin.
Chubais kể, [Putin] là cố vấn thứ nhất của [cựu Thị trưởng St.Petersburg] Anatoly Sobchak, đã nắm giữ trách nhiệm rất lớn trong suốt những năm qua bởi Sobchak không thực sự quản lý tất cả các hoạt động kinh tế hàng ngày. Và tất cả đều đè lên vai Putin.
Và trong lần đầu tiên làm quen với Putin, tôi đã hiểu: Đây là người từng làm việc với Sobchak, người hiểu cách vận hành của một nền kinh tế khổng lồ, biết quyền lực vận hành như thế nào”.
Với vai trò chánh văn phòng của Tổng thống Yeltsin, Yumashev đã đưa ông Putin từ St Petersburg vào Điện Kremlin, trở thành cấp phó của mình.
Nhưng khoảng một năm sau, Putin lại có ý định rời đi do áp lực công việc.
“Vladimir Vladimirovich, anh đi đâu vậy? Vladimir Vladimirovich, tôi sẽ không để anh đi”, Yumashev thừa nhận Putin thực sự nổi bật trong số các cấp phó của mình nên không muốn đánh mất “nhân viên” này.
Sau đó, Putin tiếp tục được bổ nhiệm vai trò cấp phó thứ nhất trong văn phòng tổng thống. Tất cả các chuyến đi khắp đất nước của Tổng thống Yeltsin đều do cấp phó thứ nhất – Putin – lên kế hoạch và đồng hành.
Nhờ đó, Putin gây được ấn tượng mạnh mẽ với Yeltsin, dần dần được tín nhiệm vào các vị trí cao hơn như Giám đốc FSB hay Thủ tướng sau này. Phải nói rằng, trước khi đến Điện Kremlin, chưa ai từng nghe nói đến Putin, ngoại trừ những người theo dõi rất kỹ về chính trị hoặc người dân ở St Petersburg.
Rất nhanh chóng sau đó, Putin được cân nhắc trở thành người kế nhiệm ông Yeltsin từ những đề nghị của Yumashev.
“Yeltsin đã cân nhắc một số ứng viên như Boris Nemtsov, Sergei Stepashin và Nikolai Aksenenko. Tôi và ông ấy đã bàn bạc rất nhiều về việc tìm người kế nhiệm. Có lúc tôi đã đề cập đến Putin. Khi đó, Yeltsin hỏi tôi nghĩ gì về ông Putin. Tôi nói rằng, tôi nghĩ ông ấy là một ứng viên xuất sắc và Yeltsin nên cân nhắc”.
“Chỉ 3 ngày trước năm mới, Yeltsin triệu tập ông Putin tới nhà riêng… Yeltsin nói với Putin rằng ông ấy sẽ không tại nhiệm đến tháng 7 năm sau, mà sẽ từ chức vào ngày 31/12”.
Yumashev cũng chính là người đã biên soạn lại bài phát biểu từ chức cho Tổng thống Yeltsin. Vào đúng ngày cuối cùng của năm 1999, Tổng thống Boris Yeltsin đã ghi hình bài diễn văn từ chức tại Điện Kremlin.
Từ đó đến nay, đã hai thập kỷ kể từ khi bước vào Điện Kremlin, ông Putin đã đảm nhận cả cương vị Tổng thống và Thủ tướng Nga.
“Rõ ràng người Nga vẫn tin tưởng ông Putin”, Yumashev, cũng chính là cố vấn dưới thời Tổng thống Putin, nhấn mạnh.
Mới đây, kết quả của cuộc khảo sát do Viện tiếp thị xã hội Nga đưa ra ngày 11/3/2024 cho thấy, 80,2% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên độc lập Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm nay.
Theo Đời sống Pháp luật