Tác giả bài viết dưới đây là Zhiqun Zhu, giáo sư ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại ĐH Bucknell University, bang Pennsylvania, Mỹ và là giáo sư cao cấp tại Viện Đông Á trực thuộc ĐH Quốc gia Singapore.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng đã leo thang trong mấy tuần gần đây, mà gần nhất là ông Trump đe dọa sẽ đánh thuế mọi hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc và tuyên bố kế hoạch khẩn cấp quốc gia để loại bỏ Huawei hoàn toàn khỏi thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát ngày càng quan tâm đến tương lai của mối quan hệ song phương có thể nói là rất quan trọng đối với thế giới. Tại sao quan hệ Mỹ Trung xấu đi? Vấn đề nằm ở đâu? Và làm thế nào để hai cường quốc có thể thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay?
Đầu tiên, cần nói rõ rằng sẽ là sai lầm nếu đổ tội cho mình ông Trump đã gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay. Ông Trump đã khiến căng thẳng trầm trọng hơn, nhưng ông không phải là người tạo ra nó.
Kể từ chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972, có một quan điểm mà người Mỹ luôn thống nhất: Một Trung Quốc mở cửa và thịnh vượng sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ. Quan điểm này cũng chính là nền móng cho cách hành xử của Mỹ đối với Trung Quốc suốt từ đó đến nay. Mặc dù có một vài sự kiện như vụ Thiên An Môn năm 1989, vụ Mỹ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 hay vụ máy bay của hai bên va chạm ở đảo Hải Nam năm 2001, quan hệ Mỹ Trung không hề suy suyển.
Trong suốt quãng thời gian này, Mỹ thực sự kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên giống Mỹ sau khi hội nhập sâu hơn vào hệ thống tự do quốc tế mà trong đó Mỹ là đầu tàu dẫn dắt. Tuy nhiên, đến cuối những năm 2010, Trung Quốc nhanh chóng nổi lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng vẫn đi theo chế độ một đảng duy nhất, với mô hình chính trị đối lập hẳn với hệ thống chính trị Mỹ, Mỹ bắt đầu cảm thấy bị đe dọa và thậm chí là thất vọng. Quan điểm mới là Trung Quốc đã trở thành một thách thức lớn, thậm chí là một mối đe dọa.
Bước vào nhiệm kỳ thứ hai, cựu Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu chú tâm giải quyết “thách thức Trung Quốc”. Cách tiếp cận của ông là chiến lược “xoay trục châu Á” và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton chính là “kiến trúc sư” của cách tiếp cận này. Cũng chính vì những lời chỉ trích của bà Hillary về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc mà Chính phủ cũng như nhiều người dân Trung Quốc thích ông Trump thắng cử hơn trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Trump cũng nhận rõ những bất ổn trong mối quan hệ Mỹ Trung và quyết tâm “sửa chữa”, nhưng dường như ông chỉ tập trung hạn hẹp vào cuộc chạy đua về kinh tế và công nghệ mà không hướng đến gốc rễ của vấn đề.
Thứ hai, quan hệ Mỹ – Trung ngày càng chuyển từ thế hợp tác sang đối đầu là do những xung đột sâu sắc xuất phát từ việc cả hai bên đều đang cố gắng điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi trong hệ thống quốc tế.
Người Mỹ ngày càng trở nên cứng rắn với Trung Quốc. Bắt đầu từ bài phát biểu chống Trung Quốc đầy gay gắt của Phó Tổng thống Mike Pence tại Viện Hudson hồi tháng 10 năm ngoái, nhiều quan chức trong chính quyền Trump có thái độ “diều hâu” đối với Trung Quốc. Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo về gián điệp Trung Quốc, trong khi giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Kiron Skinner gọi đây là “cuộc xung đột giữa các nền văn minh”.
Trong các vòng đàm phán thương mại bế tắc gần đây, về cơ bản thì ông Trump đang cố gắng áp đặt những yêu cầu của mình lên Trung Quốc. Đó là điều tối kỵ trong văn hóa Trung Quốc, nơi mà thể diện luôn được đề cao. Bên cạnh đó, với không nhiều hiểu biết về lịch sử Trung Quốc kể từ cuộc chiến thuốc phiện, sự kiện mà cho đến tận ngày nay người dân Trung Quốc vẫn coi là một sự hạ mình không đáng có, có vẻ như ông Trump khó có thể hiểu được tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không dễ chùn bước trước áp lực từ phía Mỹ. Ông Trump sẽ không thể gọi ông Tập là bạn trong khi “kề dao vào lưng” ông ấy.
Sớm hay muộn thì cả hai nước cũng sẽ đạt được 1 thỏa thuận thương mại phục vụ lợi ích của cả hai bên. Tuy nhiên, cuộc đua giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ tiếp diễn. Khi mà cả hai siêu cường đều đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, bức tranh “hai hổ cùng chia một núi” có lẽ là viễn cảnh quá xa xôi.
Thứ ba, thách thức khó nhằn nhất mà Mỹ và Trung Quốc phải đối mặt là quá trình chuyển giao quyền lực của vị trí số 1 thế giới trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ như hiện nay. Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như chiến lược của Mỹ là làm chậm lại quá trình phát triển của Trung Quốc và củng cố sự thống trị của Mỹ. Ông Trump có thể nghĩ rằng mình đang chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, nhưng khi người tiêu dùng Mỹ nhận ra rằng họ mới là người phải chịu gánh nặng thuế quan, sự ủng hộ dành cho ông Trump sẽ vơi đi ít nhiều.
Cả hai nước cần phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế mới mẻ là Trung Quốc đã trở thành đối thủ ngang cơ với Mỹ trên rất nhiều khía cạnh. Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thống trị hệ thống quốc tế, nhưng Trung Quốc sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Trung Quốc thường nghĩ dài, và sẽ có rất nhiều bóng đen phủ lên quan hệ Mỹ Trung.
Liệu Trung Quốc có thể chiếm lấy vị trí số 1 thế giới của Mỹ? Liệu Mỹ có sẵn lòng chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc? Đây đều là những câu hỏi khó trả lời, đặc biệt khi mà lòng tin mà hai bên dành cho nhau đã xuống rất thấp.
Mặc dù Trung Quốc vẫn luôn nói rằng họ không muốn quyền bá chủ, dự án Vành đai con đường đầy tham vọng vươn ra khắp thế giới và bị Mỹ coi là một thách thức trực tiếp đe dọa vị thế của Mỹ, đặc biệt là ở những vùng từ trước đến nay vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ.
Thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn khi mà cuộc chạy đua giữa hai cường quốc ngày càng trở nên khốc liệt. Và khi mâu thuẫn nổ ra, người ngoài bao giờ cũng có cái nhìn sáng suốt hơn so với người trung cuộc. Như Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu mới đây tại Washington, để tránh xung đột thì hai bên nên chấp nhận bản chất của nhau. Khi bảo vệ hiệp định TPP, ông Obama từng nói Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, nên là bên viết ra các luật lệ thương mại. Giờ là lúc Mỹ và Trung Quốc cùng nhau tạo ra các quy tắc không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà là trong tất cả các lĩnh vực, để có thể đảm bảo duy trì một hệ thống quốc tế công bằng và hợp lý, trong đó cả hai siêu cường đều có vai trò dẫn dắt.
Thu Hương – Theo Trí thức trẻ/National Interest