Một số người từng đảm nhiệm chức vụ cao, làm ăn lớn hoặc sống một cuộc đời vô cùng hạnh phúc, đã từng nhận được điềm báo từ thần linh. Về sau, họ quả thật đã có số phận đúng như điều được tiên tri trong điềm báo ấy. Khi hậu thế nhìn lại cuộc đời họ, phát hiện ra rằng những lời thần báo cho thấy họ không phải người tầm thường.
Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu câu chuyện về Tể tướng triều Minh – Dương Đình Hòa (1459 – 1529).
Dương Đình Hòa từng phục vụ qua bốn triều vua của nhà Minh: Hiến Tông, Hiếu Tông, Vũ Tông và Thế Tông. Ông là thủ phụ – tức tể tướng – trong thời kỳ đầu trị vì của Vũ Tông và Thế Tông. Làm quan thanh liêm chính trực, tuy “địa vị cao nhất dưới một người, trên vạn người”, nhưng lối sống của ông lại vô cùng giản dị, mộc mạc như người dân thường.
Ông sinh ra ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Lên bốn tuổi đã biết vần luật (thanh điệu thơ văn), bảy tuổi mỗi ngày đọc nhiều sách. Mười hai tuổi thi Hương đã đỗ Cử nhân, danh tiếng vang xa một vùng.
Một ngày khi còn nhỏ, Dương Đình Hòa nằm mộng thấy Thiên môn mở rộng, nhìn xa thấy trên cột trụ bên cạnh cánh cổng trời có viết dòng chữ: “Gặp thời hưng thịnh, công danh rực rỡ.” Có nghĩa là khi nhà Minh trung hưng, thì ông Dương sẽ có địa vị vô cùng hiển hách.
Quả nhiên, sau khi đỗ Cử nhân năm 12 tuổi, đến 19 tuổi ông đỗ Tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Hàn lâm Kiểm thảo. Dưới thời Minh Hiếu Tông, ông trở thành thầy dạy học cho Thái tử Chu Hậu Chiếu (sau là Minh Vũ Tông). Khi Vũ Tông lên ngôi, Dương Đình Hòa lần lượt được bổ nhiệm làm Đông Các Đại học sĩ, Thiếu phó kiêm Thái tử Thiếu phó, rồi lên chức Đại học sĩ của Tấn Thân điện. Năm 1512, ông trở thành thủ phụ triều đình.
Sau khi Vũ Tông băng hà, Dương Đình Hòa lập kế hoạch loại bỏ Bình Lỗ Bá Giang Bân, sau đó phò lập Chu Hậu Thông – em họ của Vũ Tông – lên ngôi, tức Minh Thế Tông (Gia Tĩnh Đế). Khi Thế Tông còn chưa đến kinh đô, Dương Đình Hòa tạm thời nắm giữ chính sự suốt 38 ngày, cải cách những chính sách sai trái của triều Vũ Tông, được triều thần và dân chúng khen ngợi. Hậu thế ca ngợi ông: ““tru đại gian, quyết đại sách, phù nguy định khuynh, công tại xã tắc” (tạm dịch: Trừ kẻ đại gian đại ác, quyết định kế sách lớn, cứu nguy thiên hạ, công lao to lớn với xã tắc). Người ta còn so sánh ông với Chu Bột (thời Tây Hán) và Hàn Kỳ (thời Bắc Tống) – đều là những tể tướng lừng lẫy một thời.

Sau khi Thế Tông lên ngôi, ông được phong thêm chức Tả Trụ Quốc. Tuy nhiên, do bất đồng với hoàng đế trong sự kiện “Đại lễ nghị”, ông bị bãi chức và trở về quê. Năm 1528, ông bị cách chức làm dân thường, và mất vào năm sau, thọ 71 tuổi. Dưới thời Minh Mục Tông, ông được phục chức, truy phong làm Thái bảo, ban thụy hiệu là “Văn Trung”.
Điều thú vị là, trước khi mất, ông lại một lần nữa mơ thấy Thiên môn mở rộng, có hai người cầm cờ dẫn ông rời đi. Không lâu sau giấc mộng ấy, ông qua đời. Qua hai lần mộng thấy Thiên môn mở rộng, có thể thấy rằng Dương Đình Hòa là một người được thiên thượng phái xuống phàm trần, mang theo sứ mệnh đặc biệt để hoàn thành ở thế gian chăng?
Theo Vision Times-Thanh Ngọc biên dịch