Trong cuốn “Nửa đời trước của tôi”, Phổ Nghi đã kể lại một tình huống thú vị khi đi xe buýt về nhà sau một ngày làm việc.
Thời phong kiến ở Trung Quốc có tổng cộng 422 Hoàng đế. Cuộc đời vận vào chữ “cuối cùng”, Phổ Nghi có lẽ là vị Hoàng đế đặc biệt hơn cả. 3 tuổi lên ngôi, 6 tuổi thoái vị. 11 tuổi tiếp tục làm Hoàng đế, chưa được mấy ngày lại bị “mời” ra khỏi Tử Cấm Thành. Cả một đời của ông khiến hậu thế ngậm ngùi chua chát.
Cởi tấm áo bào Hoàng đế, Phổ Nghi trở thành công dân bình thường hòa nhập vào thời đại mới. Lạ lẫm, mới mẻ… Phổ Nghi bắt đầu bước vào trang mới cuộc đời.
Trong cuốn tự truyện “Nửa đời trước của tôi” viết trong giai đoạn về già, Phổ Nghi đã kể lại rất nhiều tình huống thú vị mà ông đã trải nghiệm khi trở thành công dân bình thường.
Câu chuyện bắt đầu khi Phổ Nghi lần đầu tiên trở lại Bắc Kinh. Vì xa quê hương nhiều năm nên Phổ Nghi không có ai để nương tựa ở mảnh đất thủ đô lúc bấy giờ, thậm chí còn không có nhà. Sau này nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ông đã tìm được nhà em gái ruột và ở tạm.
Với sự giúp đỡ của chính quyền, Phổ Nghi đã tìm được một công việc khá tốt để bắt đầu xây dựng cuộc sống tự lập cho mình.
Phổ Nghi lúc đó sống rất đơn giản, hoàn toàn khác xa với sự xa hoa trước kia, nhưng ông rất hài lòng. Phổ Nghi cảm thán trong cuốn sách rằng, ông thích cuộc sống bình dị sau khi về Bắc Kinh hơn khi làm Hoàng đế, sống xa hoa nhưng lúc nào cũng lo lắng không yên.
Cuộc sống của người đi làm là mỗi ngày đều phải vào ca và tan ca, Phổ Nghi cũng không ngoại lệ. Ngày nào ông cũng ra trạm xe buýt sớm để bắt xe đi làm.
Một lần, Phổ Nghi tan làm và đang đợi xe buýt như thường lệ. Hôm đó người chờ ở trạm rất đông, già trẻ đều có. Sau khi lên xe, Phổ Nghi đã gặp một tình huống vô cùng thú vị.
Một số người già đã nhận ra Phổ Nghi từng là Hoàng đế của triều đình nhà Thanh. Họ thì thầm to nhỏ, có người trực tiếp gọi lớn Phổ Nghi là “Hoàng đế”, khiến ông rất khó xử.
Cũng trên chuyến xe buýt hôm ấy, có cụ ông tự nhận là người Mãn Châu, cho rằng gọi Phổ Nghi tiếng “Hoàng đế” cũng không có gì sai.
Phổ Nghi nghe vậy thì cười nói: “Đã qua bao nhiêu năm như thế rồi còn gọi như vậy làm gì!”.
Sau đó, Phổ Nghi đã xuống xe giữa chừng và đi bộ thẳng về nhà. Nhóm người nhìn Phổ Nghi đi mà không hề quay đầu lại, trong lòng tự nhiên có nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Thật ra, sau khi hòa nhập vào thời đại mới, Phổ Nghi không ít lần gặp phải tình huống tương tự. Nhưng mỗi lần, ông đều cảm thấy bối rối, xấu hổ thì ít mà chạnh lòng thì nhiều.
Về phần Phổ Nghi, bày tỏ trong cuốn tự truyện, ông không muốn bản thân còn dính líu đến thời còn trẻ, chuyện đã qua thì hãy để nó chôn vào dĩ vãng. Ông vẫn tôn trọng thân phận và dòng máu của mình, không quên nơi mình sinh ra và lớn lên, nhưng con người là phải bước về phía trước, ngoảnh đầu cũng chỉ trong khoảnh khắc mà thôi.
Ngược lại, ông thích cuộc sống hiện tại hơn, ban ngày đi làm, tối về chăm sóc cây cỏ, vô cùng thoải mái.
Sau đó, Phổ Nghi gặp được một y tá tên Lý Thục Hiền, hai người đã nên duyên vợ chồng và cùng tận hưởng cuộc sống bình dị.
Năm 1967, Phổ Nghi nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 61, kết thúc cuộc đời của người đàn ông mang danh “Hoàng đế cuối cùng” của Trung Quốc.
Theo Trung Hạ-Theo PNS