Theo cô Nguyệt Anh thì giới trẻ nên chọn nghề theo điều kiện năng lực và sở trường của bản thân để có khả năng phát huy tốt nhất.
Về trào lưu ‘gap year’ cũng như việc định hướng nghề nghiệp nên làm từ thời điểm nào hợp lý, PV Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh – Hiệu trưởng trường Phổ thông IVS (Hà Nội) để có những lời khuyên đúng đắn nhất cho giới trẻ.
Thưa cô, cô nghĩ sao về trào lưu ‘gap year’ của giới trẻ?
Tôi nghĩ rằng trào lưu này ở đâu cũng có nhưng không nên đua theo. Bằng những kinh nghiệm nhiều năm quản lý cơ sở giáo dục trường công và giờ là ở trường tư, tôi cho rằng công tác định hướng nghề nghiệp cho các em, tức là học cái gì và ra trường làm gì, ở đâu, phải làm sớm.
Hiện nay chương trình giáo dục hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT có quy định một năm có 9 chủ đề, mỗi chủ đề dạy 1 tháng và lớp 12 đi sâu vào lựa chọn ngành nghề hơn.
Vì thế, việc hướng nghiệp phải làm tốt ngay từ lớp 10 bằng cách “mưa dầm thấm lâu”. Còn hiện nay nhiều học sinh thích đi theo trào lưu, thích mạo hiểm nên ngoài hướng nghiệp cho học sinh còn phải làm công tác tư tưởng hướng nghiệp cho cả phụ huynh.
Tức là trong những buổi họp phụ huynh hay nhóm kết nối zalo với phụ huynh học sinh thì với mỗi chủ đề hướng nghiệp mà học sinh được tiếp cận trên lớp, giáo viên có thể gửi cho phụ huynh và phải giúp phụ huynh hiểu rằng bố mẹ thích nghề A nhưng con không thích mà bố mẹ vẫn ép thì giống như mình đặt con vào môi trường không có năng khiếu, năng lực và sẽ dẫn đến hiện tượng ‘gap year’.
Vì thế, hơn ai hết phụ huynh phải nhận thức đúng về lựa chọn nghề nghiệp, không phải chạy theo “mốt” chọn nghề thời thượng, nghề này thì mới hợp với thời đại, nghề kia có người nhà thì dễ xin việc… Điều quan trọng là đặt con vào đó nhưng con không có năng lực thì trước sau gì con cũng sẽ bị đào thải.
Vậy theo cô thì chọn ngành nghề cho con nên theo hướng nào?
Phải chọn theo điều kiện năng lực và sở trường của con. Vì đôi khi con thích nghề này nhưng sở trường của con không có thì không chọn nghề đó được.
Ví như con thích làm giáo viên Mỹ thuật nhưng lại không có khả năng vẽ thì không được; con thích làm tiếp viên hàng không nhưng khả năng ngoại ngữ kém và khả năng giao tiếp hạn chế cũng khó.
Có những người khả năng nghiên cứu thì tốt nhưng giao tiếp không tốt và ngược lại có những người nghiên cứu trung bình nhưng ứng xử giao tiếp lại rất tốt, linh hoạt nên phải dựa theo sở trường mà chọn nghề.
Đặc biệt không chọn theo nghề mình thích mà chọn theo nghề mình có khả năng phát huy tốt nhất.
Để hạn chế tình trạng ‘gap year’, làm sao giới trẻ xác định được nghề nghiệp từ sớm?
Năm nào Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với các trường tổ chức ngày hội tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, ở đó học sinh được lắng nghe, được đặt câu hỏi với chuyên gia. Giáo viên phải theo sát học sinh để thấy năm nay xu hướng các nhóm ngành và xu hướng ngành những năm tới thế nào…
Và sau đó giáo viên tư vấn cho học sinh với những minh chứng về những người cố học theo trào lưu, không theo sở trường rồi ra trường lại đi làm trái ngành rất lãng phí thời gian, công sức.
Cô đánh giá sao về vai trò định hướng nghề nghiệp ở THPT cho học sinh?
Việc này rất quan trọng nhưng nên là từ khối THCS thì sẽ hiệu quả hơn, ví như cho học sinh hiểu và va đập với các nghề nghiệp từ bậc THCS.
Tôi có đứa cháu từ lớp 6 đã hiểu về các nghề nghiệp, con nói là chỉ thích những thứ liên quan đến mỹ thuật như nặn tượng và vẽ.
Tức là ngay lúc nhỏ con đã mường tượng ra nghề nghiệp của mình, và chúng tôi nói rằng cho con tìm hiểu ngành nghề này phải học khá môn nào để ngay lập tức con nâng cao năng lực của mình.
Ở đây tôi muốn nói là ngay từ khối THCS các học sinh cần làm quen mức sơ đẳng như ngành này làm gì, ngành kia làm gì và lên đến bậc THPT thì định hướng sâu sẽ hiệu quả hơn.
Như cháu tôi, khi con thích Mỹ thuật phải vẽ giỏi là đương nhiên nhưng để đỗ vào ngành Mỹ thuật không phải vẽ giỏi là đủ vì còn phải có những tổ hợp môn để lấy điểm vào ngành. Vậy nên ngoài vẽ con phải học thật tốt môn liên quan đến tổ hợp và chúng tôi định hướng cho con.
Vậy theo cô việc giới trẻ trải nghiệm ‘gap year’ có nên không?
Tôi nghĩ rằng việc này không mang lại hiệu quả và không nên làm. Tôi lấy ví dụ có em đi học 1 năm Cao đẳng Thương mại rồi thấy không phù hợp nên bỏ 1 năm để chạy theo ngành mình thực sự thích. Thế nhưng, liệu thi lại có đỗ không hay lại học vớt vát 1 trường nào đó rồi ra trường cũng không làm nổi gì? Vậy nên tôi cho rằng trả giá 1 năm là lãng phí.
Vậy tại sao mình không định hướng nghề nghiệp từ sớm để các em lựa chọn đúng đắn và khi lựa chọn phải chịu trách nhiệm với những gì mình chọn, quan trọng là xác định rõ ràng sở trường và nhu cầu xã hội.
Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!
Theo Hoàng Thanh–Theo Infonet