Tình cảnh hoang mang, hỗn loạn bao trùm Italy và Đức sau lệnh đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 AstraZeneca.
Quyết định được đưa ra sau khi Đức ghi nhận 7 trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, 3 người trong số đó đã tử vong. Tại Italy, 8 người đã chết và 4 người khác gặp phản ứng phụ nghiêm trọng, theo Nicola Magrini, người đứng đầu cơ quan dược phẩm Aifa.
Tại Đức, nhiều cuộc hẹn tiêm vaccine Covid-19 bị hủy. Những cuộc tranh luận về tính an toàn của vaccine AstraZeneca, vốn đã bị coi là thiếu tin cậy khi giới chức trách cấm sử dụng vaccine này cho những người trên 65 tuổi, bùng nổ.
Gần 1,6 triệu người Đức đã tiêm vaccine AstraZeneca, chiếm 17% tổng số liều vaccine Covid-19 được triển khai tại nước này. Ca mắc Covid-19 mới tại Đức đang tăng lên và số người nhiễm biến thể B.1.1.7 chiếm 60% tổng ca bệnh. Thực tế này gây sức ép lên việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Song chỉ 3,5% dân số được tiêm phòng đầy đủ cho đến nay.
Tại thủ đô Berlin, trung tâm tiêm chủng ở các sân bay cũ Tegel và TempelHOF đã đóng cửa. Những người xếp hàng phải về nhà sau khi các bác sĩ được yêu cầu ngừng tiêm vaccine vào chiều 15/3. Ở các bang North Rhine-Westphalia và Hamburg, tất cả các cuộc hẹn tiêm vaccine AstraZeneca bị hủy bỏ. Những người muốn tiêm liều thứ hai được khuyên nên chờ đợi, trong khi người mới tiêm cần tìm kiếm trợ giúp y tế trong trường hợp gặp phản ứng phụ, bao gồm đau đầu và xuất huyết dưới da.
Các nhà phê bình Đức cảnh báo việc tạm dừng triển khai vaccine có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho chiến dịch tiêm chủng vốn chậm chạp của nước này. Các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc buộc phải đóng cửa vì thông báo của Bộ trưởng Y tế, Jens Spahn, hôm 15/3, sau khi Viện Paul Ehrlich (PEI) đề nghị tạm dừng tiêm chủng
Bộ trưởng Giáo dục Anja Karliczek cho biết động thái này làm xáo trộn kế hoạch tiêm chủng cho giáo viên, vốn được coi là chìa khóa để các trường mẫu giáo và trường học có thể tiếp tục hoạt động. Kế hoạch cho phép bác sĩ đa khoa tiêm phòng vào tháng tới, đóng vai trò quan trọng để đẩy nhanh tiêm chủng, hiện không chắc chắn. Chính phủ cho biết một hội nghị thượng đỉnh về vaccine sẽ diễn ra sau khi có quyết định của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vào ngày 18/3.
Tình trạng khan hiếm vaccine dẫn đến nhiều khả năng vaccine Sputnik V của Nga sẽ chiếm ưu thế trong chương trình tiêm chủng của Đức, theo các chuyên gia. Đã có thỏa thuận sản xuất vaccine Nga tại Italy, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, nhưng phải mất một thời gian nữa sản phẩm này mới được EMA phê duyệt.
Klaus Cichutek, người đứng đầu PEI, bảo vệ đề xuất tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca. “Tôi cho rằng người dân muốn một vaccine an toàn và hiệu quả mà họ có thể tin tưởng”. Song ông nói thêm, dựa trên dữ liệu mới, không có bằng chứng cho thấy vaccine gây nguy cơ hình thành huyết khối.
Tuy nhiên Karl Lauterbach, bác sĩ và là phát ngôn viên y tế của Đảng Dân chủ Xã hội, gọi quyết định này là “sai lầm”, có thể đe dọa nhiều mạng sống hơn. “Chúng tôi biết rằng những biến chứng này rất nghiêm trọng, nhưng chúng rất hiếm khi xảy ra và điều này cần phải được cân nhắc. Danh tiếng của vaccine đã chịu những thiệt hại không thể sửa chữa. Giữa làn sóng dịch thứ ba, việc tạm dừng vaccine sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sẽ rất khó để khôi phục niềm tin vào nó”, ông Lauterbach nhận định.
Một số bác sĩ cảnh báo những người đã tiêm phòng hoặc đang mong chờ vaccine có thể bị tác động tâm lý đáng kể.
Tương tự, người dân Italy cũng tức giận và bối rối sau khi hàng nghìn cuộc hẹn tiêm vaccine AstraZeneca bị hủy đột ngột, gây cản trở cho chương trình tiêm chủng của đất nước trong làn sóng dịch thứ ba. Hôm 15/3, cơ quan dược phẩm Aifa của Italy đã đình chỉ vaccine để chờ phán quyết từ EMA vào ngày 18/3.
Alessio D’Amato, ủy viên hội đồng y tế vùng Lazio, bày tỏ lo lắng và hoang mang, đồng thời cho biết ông không hiểu tại sao Aifa đưa ra phán quyết như vậy. “Tình hình thật gay cấn. Tôi lo ngại người dân sẽ ngờ vực và sợ hãi trước loại vaccine mà Italy đã dành sự quan tâm lớn”.
Hơn một triệu người Italy đã được tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên. Hỗn loạn xảy ra khi mọi người nhận tin vaccine bị đình chỉ đúng thời điểm họ đang xếp hàng chờ đợi. “Tôi thấy thời gian quý báu của mình bị lãng phí”, Davide Rebegiani, một giáo viên xếp hàng tại điểm tiêm chủng gần sân bay Fiumicino của Rome, cho biết. Ngoài ra, nhiều người đã hủy lịch tiêm trong những ngày gần đây vì lo ngại về tính an toàn của vaccine.
Ngày 16/3, Italy ghi nhận 20.396 ca mắc Covid-19 và 502 người chết, mức tử vong cao nhất kể từ cuối tháng 1. Ông Nicola Magrini, tổng giám đốc Aifa, cho biết cơ quan đưa ra quyết định nhằm mục đích chính trị, đồng thời khẳng định vaccine an toàn, có nhiều lợi ích hơn rủi ro. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza hy vọng EMA sẽ bật đèn xanh cho việc tiếp tục triển khai vaccine vào ngày 18/3 .
Tại Pháp, phản ứng đối với quyết định tạm dừng triển khai vaccine AstraZeneca có phần im ắng hơn. Alain Fischer, người đứng đầu chương trình tiêm chủng của Pháp, hy vọng thời gian đình chỉ sẽ sớm kết thúc, nhưng ông cũng cho rằng đây là quyết định hợp lý. “Một số ít trường hợp bất thường, phức tạp đòi hỏi phải ngừng tiêm vaccine và điều tra thêm”, ông cho hay.
Tờ Le Monde trong bài xã luận cho rằng sự thành công của một chiến dịch tiêm chủng liên quan nhiều đến hiệu quả của vaccine cũng như lòng tin của người dân. Song với những điều đang diễn ra, sự tin tưởng vào vaccine AstraZeneca bị lung lay nghiêm trọng.
Mai Dung (VnExpress)