Trong một bước đi chắc chắn sẽ chọc tức Trung Quốc, Đức vừa chính thức tham gia câu lạc bộ địa chính trị “Ấn Độ – Thái Bình Dương” khi đề ra hướng dẫn chính sách mới dài 40 trang.
Tài liệu này đưa Đức trở thành quốc gia thứ hai trong châu Âu, sau Pháp, có chiến lược chính thức đối với khu vực này.
Dù không chọn đứng về phe của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chống lại Trung Quốc, Đức giờ cũng khẳng định rõ ràng lợi ích của mình ở Đông Á với sự cởi mở và sức mạnh lớn hơn.
Hướng dẫn, được công bố hôm 2/9, nói rằng Đức sẽ nỗ lực “thúc đẩy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của châu Âu” để “chủ động đóng góp cho việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Trong chỉ trích rõ ràng nhằm vào chính sách ngoại giao cưỡng ép của Trung Quốc ở khu vực, tài liệu của Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tránh phụ thuộc đơn phương bằng cách đa dạng hóa các quan hệ đối tác”.
Dưới thời ông Trump, Washington thông qua chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” (FOIP), một sự kết hợp giữa ngoại giao quyết liệt và mở rộng triển khai lực lượng quân sự để kiểm soát tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở các vùng biển lân cận và xa hơn nữa.
Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đều hoan nghênh cách tiếp cận mới cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, thể hiện qua việc tăng cường hợp tác quân sự và chiến lược trong khuôn khổ liên minh lỏng lẻo mang tên Bộ tứ.
Anh và Pháp cũng đã khẳng định cam kết của mình đối với việc bảo vệ và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không trên Ấn Độ dương và Thái Bình dương, nơi cả hai đều có những lợi ích lớn về lãnh thổ và chiến lược.
Trong những năm gần đây, hai cường quốc châu Âu này đã thực hiện một số chiến dịch tập trận lớn cùng các đối tác trong Bộ tứ ở Thái Bình dương và Ấn Độ dương, bao gồm cả khu vực biển Đông đang có tranh chấp nóng bỏng.
Về phần mình, Đức đang thúc đẩy một quan điểm thống nhất trong EU, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương ở khu vực thông qua ASEAN.
Trung Quốc rõ ràng đã cảm thấy những thay đổi này.
“Những thay đổi đang nổi lên ở chân trời và quan hệ Trung Quốc – châu Âu không bao giờ như xưa nữa”, một chuyên gia Trung Quốc viết trong bài đăng trên Thời báo Hoàn cầu. Tác giả nhấn mạnh trong bài viết rằng Đức “có thể hy vọng sẽ chứng kiến một số dự án đầu tư và doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc một số nước Đông Nam Á”.
Thông báo mới của Đức được đưa ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm đến 4 thủ đô của châu Âu, nơi ông phải đối diện với những câu hỏi khó từ các chủ nhà.
Trong khi các quan chức Italy và Pháp nêu quan ngại về tình hình Hong Kong và Tân Cương,
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nêu chuyện người đồng cấp Trung Quốc đưa ra tuyên bố đe dọa các quan chức châu Âu gần đây.
Căng thẳng gia tăng sau khi chủ tịch thượng viện CH Séc Milos Vystrcil dẫn một phái đoàn thăm Đài Loan nhằm thúc đẩy hợp tác và kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đáp lại, ông Vương cảnh báo phái đoàn này “sẽ phải trả giá đắt” vì “khiêu khích” và vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” vì Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc”.
Dù dẫn đầu châu Âu về sức mạnh kinh tế, Đức không tham gia nhiều vào các cuộc cạnh tranh địa chiến lược từ sau chiến tranh.
“Đức không dùng sức nặng của mình…trong chính sách an ninh trên khắp thế giới”nhà sử học Adam Tooze nói. Khi bày tỏ quan tâm đến các vấn đề an ninh, Đức chỉ tập trung vào Nga chứ không phải Trung Quốc, ông Tooze đánh giá.
Gần đây nhất vào năm 2018, một thành viên cấp cao của Ủy ban đối ngoại Bundestag (nghị viện Đức), khẳng định: “Mối bận tâm địa chính trị chủ yếu của chúng tôi vẫn là Mátxcơva và vai trò của Nga ở Đông Âu”.
Các lợi ích lớn về kinh tế cũng có vai trò quan trọng vì Đức là nhà xuất khẩu lớn của Trung Quốc, với kim ngạch song phương đạt hơn 200 tỷ euro trong năm 2018. Những người chỉ trích vì thế cho rằng Berlin có quan điểm thận trọng vì không muốn mất lợi ích kinh tế đáng kể với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Đức có vẻ ngày càng khẳng định lập trường nguyên tắc hơn đối với các vấn đề địa chính trị nhạy cảm. Năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong chuyến thăm Trung Quốc rằng “tranh chấp chủ quyền trên biển Đông” cấu thành một “cuộc xung đột nghiêm trọng” nên cần được xử lý theo luật quốc tế.
Bà Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “các tòa án quốc tế” và tòa án trọng tài quốc tế là “một lựa chọn tiến đến giải pháp” cho các tranh chấp trên biển.
Đây được coi là sự ủng hộ ngầm đối với vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan, mà cuối cùng Manila chiến thắng vào năm 2016.
Nhân dịp đó, bà Merkel đưa ra tấm bản đồ từ thế kỷ 18 về Trung Quốc để chất vấn “yêu sách lịch sử” của Trung Quốc đối với cả Đài Loan và biển Đông.
Giữa những căng thẳng gia tăng ở khu vực, Đức được nói là đã tính đến việc điều tàu chiến đến ủng hộ các hoạt động khẳng định tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực.
Với việc đưa ra học thuyết chiến lược mới về Ấn Độ – Thái Bình Dương, Đức có thể sớm trở thành một nhân tố chiến lược chủ động hơn ở Đông Á, các nhà quan sát nhận định.
“Sự thịnh vượng và ảnh hưởng địa chính trị của chúng tôi trong các thập kỷ tới sẽ phụ thuộc vào mức độ chúng tôi hợp tác với các nước ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Đức Maas nói, nhấn mạnh lợi ích của Đức vượt ra khỏi các khu vực sát sườn.
“Hơn bất kỳ nơi nào khác, khu vực đó là nơi quyết định hình dạng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của ngày mai. Chúng tôi muốn giúp định hình trật tự đó để nó sẽ dựa trên luật lệ và hợp tác quốc tế, chứ không phải luật của kẻ mạnh”, ông Maas nói.
Theo Tiền Phong