3 tháng trước, Chủ tịch Alphanam cho biết doanh nghiệp ông đang khẩn trương thi công 24/24h để chuẩn bị đón “bình minh”. Thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội nhận định.
Slogan 20 năm không đổi của ông chủ Alphanam: “Đơn giản là đi trước một bước!”
3 tháng trước, ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Alphanam – đã đưa ra dự báo thị trường bất động sản “chuẩn bị đón bình minh”.
“Bình minh sắp đến“, ông Hải cho biết. Chia sẻ tại sự kiện “Rẽ sóng đón bình minh” do JCI Thanglong tổ chức, Chủ tịch Alphanam cho biết doanh nghiệp ông có slogan hơn 20 năm nay chưa đổi được – “Đơn giản là đi trước một bước”. Ông cắt nghĩa, “đi trước một bước” tức là nghĩ trước, có tầm nhìn và có định vị.
Với nhận định về “bình minh” trên thị trường bất động sản, ông Hải lý giải đơn giản là thị trường luôn vận hành theo đồ thị cũng có hình sin, xuống sẽ phải lên.
“Rất rõ ràng là nhu cầu nhà ở của con người ngày càng tăng. Vấn đề “bạn là ai” và “chọn cái gì” thôi. Xưa chọn sản phẩm đầu tư, giờ phải chọn các sản phẩm thiết thực. Đó là câu chuyện sản phẩm thôi, chứ lúc nào cũng có cơ hội”.
“Tôi nghĩ giờ đã nhìn thấy rất rõ bình minh sắp đến ngành bất động sản đến nơi rồi. Bạn nào trong lĩnh vực này cần nhanh chóng rẽ sóng ra khơi“, ông Hải nói.
Chủ tịch Alphanam cho biết tập đoàn cũng đang khẩn trương thi công ngày đêm, làm gần như 24/24h trên tất cả công trường 2-3 năm nay để chuẩn bị “đón bình minh”.
Bình minh thực sự đã đến với thị trường bất động sản?
“Thị trường đã có dấu hiệu phục hồi“, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn & Nghiên cứu, Savills Hà Nội – nhận định mới đây.
Theo thống kê từ Savills, trong nửa đầu 2024, số lượng căn bán được đạt hơn 10.000 căn, cao hơn hẳn so với số lượng cả năm 2023. Tỷ lệ hấp thụ cũng tăng cao. Savills nhìn nhận thị trường có dấu hiệu phục hồi trước thông tin ba luật tác động tới thị trường gồm Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ có hiệu lực sớm vào 1/8/2024 thay vì đầu năm 2025.
Bà Phạm Thị Miền – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARs IRE) cho biết, thị trường BĐS vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với một số “hiện tượng” nổi bật như nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt trên 70%; giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao.
Tính riêng Quý 2/2024, VARs IRE tính toán nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt khoảng 27.335 sản phẩm, với khoảng 19.747 sản phẩm chào bán mới – gấp 3 lần quý trước, còn lại là hàng tồn của các giai đoạn mở bán trước đó.
“Sau thời gian tăng trưởng nóng ở quý 1, giá bán phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ tại quý 2 đã có phần bình ổn hơn. Mức bình ổn này được duy trì trên mặt bằng giá mới, cao hơn“, ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc SGO Homes, cho biết.
Đánh giá về các tác động của các bộ Luật liên quan tới BĐS vừa được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, các bộ Luật mới chắc chắn sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường. Bởi lẽ các bộ Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc này.
Để thị trường BĐS Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, PGS. TS Trần Đình Thiên khuyến nghị rất cần một chữ “thông”. Trong đó, đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung”- để cung và cầu BĐS bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”.
Ông Thiên cũng lưu ý các giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS cần được thực hiện một cách đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Trong đó, khơi thông vốn cho thị trường BĐS chính là khâu trọng yếu.
Bảo Bảo-Theo An ninh Tiền tệ