Sau vài tháng tranh tài, anh Đỗ Đăng Khoa đến từ Đồng Tháp – chủ dự án Kết nối con người với tự nhiên (thương hiệu Mr Mướp), đã vượt qua 36 đối thủ để giành giải nhất ở cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9. Bên cạnh đó, 2 giải nhì thuộc về chị Hồng Chuyên – dự án Lạp xưởng cá lóc dương và Nguyễn Ngọc Sơn – dự án Sản xuất muối Tây Ninh – kết hợp đặc sản vùng miền.
Đồng Tháp ‘đại thắng’ trong mùa giải năm nay
Không như mọi năm, năm nay Ban giám khảo của Chung kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 – 2023 làm việc hết sức vất vả. 37 thí sinh đại diện cho 37 dự án tham gia dự thi lần này sẽ lần thuyết trình trong 2 ngày. Dự án nào có tổng điểm nhiều nhất sẽ giành các giải lớn nhỏ của cuộc thi.
Cuộc thi này do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA), phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức, cùng sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao…Năm nay, đã có 178 dự án đăng ký tham dự cuộc thi và có 108 dự án được chọn.
Trước đó, sau 3 vòng bán kết ở 3 khu vực là Bến Tre, TP.HCM, Hà Nội, cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh năm 2023 đã tìm ra 37 dự án vào thi chung kết. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn là địa phương có số dự án vào chung kết nhiều nhất, với 4 dự án; Đồng Tháp, Quảng Nam mỗi địa phương 3 dự án; TP.HCM, Trà Vinh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi địa phương 2 dự án, các tỉnh còn lại 1 dự án.
Năm nay, cơ cấu giải thưởng cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh có tổng giá trị lên đến 1.229.000.000 đồng, trong đó 436.000.000 đồng tiền mặt, phân bổ cho 09 giải chính, 30 giải tư vấn hỗ trợ các hoạt động khác.
Với giải sản phẩm hoàn chỉnh đã được thương mại hóa và đã xuất khẩu đi Nhật Bản – Hàn Quốc, cùng sự chuẩn bị chỉn chu khi thuyết trình, dự án Kết nối con người với tự nhiên đã giành giải nhất. Dự án này có 3 nhà sáng lập là Founder Đỗ Đăng Khoa – Co-Founder Đỗ Mạnh Quân và Lê Na. Giải nhất trị giá 150.000.000 đồng, trong đó có 50.000.000 tiền mặt.
Năm 2018, dự án này cũng từng giành được giải nhì tại cuộc thi Khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
Sản phẩm của Mr Mướp hiện đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, đồng thời có thị trường xuất khẩu ổn định từ các đối tác Nhật và Hàn Quốc với bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, chùi rửa nhà bếp, bông tắm. Sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Năm 2022, mỗi tháng thu nhập của Mr Mướp khoảng 100 triệu đồng.
Hai giải nhì trị giá trị giá 80.000.000 đồng/1 giải thuộc về dự án Phát triển lạp xưởng cá lóc của Dương Thị Hồng Chuyên (Đồng Tháp) và Sản xuất muối tây ninh – kết hợp đặc sản vùng miền (Tây Ninh) của Nguyễn Ngọc Sơn – Phạm Thái Hoàng. Kết quả này lần nữa chứng tỏ phong trào khởi nghiệp nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp vẫn rất mạnh mẽ.
3 giải ba trị giá 50.000.000 đồng/1 giải, được trao cho Công ty CP Thực phẩm Xanh Thành Đồng (Đắk Lắk) với Hoàng Khắc Cưng và Trương Thị Thanh Hoa làm chủ dự án; dự án Sản xuất atisô bền vững (Lâm Đồng) của Phạm Hữu Giàu; và K Products – cung cấp sản phẩm đóng gói tiệt trùng công nghệ nhật bản (Vũng Tàu) của 3 Nhà sáng lập Mai Thị Thu Trang – Trần Bảo Khánh – Nguyễn Trung Hiếu.
Những mặt mạnh yếu của thí sinh Khởi nghiệp Xanh 2023
Thay mặt Ban giám khảo, bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, Nguyên thành viên tổ tư vấn Chính phủ (1996 – 2006) có những nhận xét như sau: “Năm nay, thí sinh có 4 điểm mạnh. Thứ nhất, các bạn đã chuẩn bị khá kỹ càng trước khi đi thi, đề cập tới tất cả khía cạnh cần thiết phải đưa ra của một dự án khởi nghiệp. Như ý tưởng khởi sự, tài chính, kênh phân phối… Đây là thành tố được Ban giám khảo đánh giá mức điểm cao nhất và phần lớn thí sinh đều đạt được. Mọi người cũng tự đưa ra mục tiêu và tìm được cách thức để đạt đến mục tiêu.
Các bạn đã biết chú trọng đến những điều quan trọng trong 1 dự án: hầu hết dự án đều xuất phát từ việc khai thác tài nguyên nơi mình sống; biết chú trọng nhân tố xanh – sinh thái. Đây là những điều đáng quý và phù hợp yêu cầu cuộc thi cũng như xu hướng chung của thời cuộc. Cả thế giới lẫn Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Thứ hai, rất nhiều bạn đã đưa nhân tố công nghệ – sự sáng tạo vào công việc kinh doanh của mình. Ví dụ như áp dụng công nghệ mới cho sản phẩm/dịch vụ, mô thức kinh doanh mới, cách làm dịch vụ mới…. Khởi nghiệp đòi hỏi phải có sự sáng tạo, nếu chúng ta làm giống cha ông trước đây thì rất khó để gọi đó là khởi nghiệp!
Năm nay, các thí sinh cũng chú ý đến vấn đề thị trường, tốt hơn khá rõ so với năm trước. Nhiều Nhà sáng lập đã giới thiệu tường tận – kỹ lưỡng về tệp khách hàng của mình, đo tỷ trọng và đưa ra các số liệu cụ thể về thị trường, đối thủ và bản thân. Thị trường ngày nay cạnh tranh kinh khủng, trong khi có rất nhiều dự án có đối tượng khách hàng là người tiêu dùng cuối.
Một ưu điểm nữa: hầu hết các bạn nhận thức và hiểu biết sâu sắc xu hướng thay đổi của đời sống xã hội – đặc biệt là sau Covid-19, nó thúc bách mình phải thay đổi để phù hợp với những nhu cầu mới. Theo tôi, mặt tích cực của Covid-19 khiến nhiều người thay đổi thói quen tiêu dùng, mọi người muốn tiêu dùng hợp lý và không muốn tiêu sản tài nguyên thiên nhiên nữa”.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, thí sinh năm nay cũng có 3 điểm yếu dễ nhận thấy ở khía cạnh tài chính, hiểu về các khái niệm bền vững và thiếu sự tập trung.
Về vấn đề tài chính: Kinh doanh cuối cùng vẫn là vấn đề tài chính. Nhiều thí sinh nói rằng ‘sản phẩm của em rất tốt và thị trường rất tuyệt vời’, nhưng doanh thu lại thể hiện con số âm. Nhiều thí sinh đưa ra bảng báo cáo tài chính mù mờ, thiếu minh bạch và không đầy đủ; nguyên nhân có thể là do họ bỏ sót phần thu chi nào đó hoặc hiểu sai/tính sai. Vậy nên, chỉ cần Ban giám khảo hỏi 1 câu là ‘gãy’.
Làm kinh doanh mà không biết về tài chính rất là nguy hiểm và nếu những khái niệm về tài chính doanh nghiệp của Nhà sáng lập sai ngay từ đầu có thể gây hậu quả nghiêm trọng sau này.
Về các khái niệm xanh và bền vững: Ban giám khảo đã nhiều lần giật mình vì nhiều bạn chưa thật sự hiểu về các khái niệm tuần hoàn – xanh – bền vững nhưng đã tự cho là dự án mình đã đạt được những quy chuẩn đó. Ví dụ như có chủ dự án tự nhận mình đã làm được ESG, trong khi nhiều doanh nghiệp lớn còn phải đau đầu thiết kế cho ESG.
Nếu bạn không thật sự hiểu đúng những quy chuẩn của các khái niệm tuần hoàn – xanh – bền vững mà đã cho rằng mình đang theo chúng; vậy là bạn đang ngộ nhận, nói mình ‘làm xanh’ nhưng thật ra đang ‘làm nâu’ hoặc ‘làm đen’.
Về sự thiếu tập trung: không ít dự án thiếu tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Chúng ta đừng làm ‘hòa thượng thích đủ thứ’, cái gì cũng muốn làm! DN thành danh cũng phải tập trung vào lĩnh vực chính – thế mạnh của mình chứ không dám lan man. Các bạn trẻ hãy tập trung nguồn lực hiếm hoi của mình để có thể làm tốt lĩnh vực cốt lõi, đừng vội vàng nghĩ đến quá nhiều thứ rồi sau đó không làm nổi cái nào. Có khát vọng là tốt nhưng nếu quá sức thì không tốt.
Quỳnh Như