Bất kỳ đâu, 2 từ “đầu cơ” luôn mang nghĩa tiêu cực trong một khoảng thời gian dài. Thế nhưng, người Do Thái đã biến sự đầu cơ trở thành một môn nghệ thuật trong kinh doanh, giúp họ đứng vững trước những biến động của thời thế.
Dân tộc Do Thái đã trải qua nhiều hoạn nạn lịch sử nên trong cách nhìn nhận xu thế phát triển, họ luôn có thái độ rất lạc quan và sự gan dạ ít ai bì kịp
Đầu cơ từ những cơn địa chấn lịch sử
Năng lực đầu cơ của người Do Thái liên quan mật thiết đến định mệnh lưu vong. Cuộc sống luôn trong tư thế “chuẩn bị ra đi” đã rèn luyện tư duy và khả năng tận dụng cơ hội của họ.
Silas Aaron Hardoon là một thương gia người Do Thái giàu có ở Thượng Hải. Sự nghiệp kinh doanh của ông phất lên nhờ đất đai và thuốc phiện.
Năm 1883, chiến tranh Pháp – Thanh bùng nổ. Quân đội Pháp tấn công Trung Quốc theo hai đường thủy bộ. Tô giới Thượng Hải, đặc biệt là kiều dân nước ngoài trong tô giới Pháp đều rất hoảng loạn, tranh nhau chạy trốn ra nước ngoài.
Ông chủ của hiệu buôn Sassoon cũng rất bối rối. Sassoon đang phân vân giữa việc đi hay ở và không biết nên làm thế nào. Hardoon khi ấy đang làm quản lý bộ phận bất động sản cho công ty này đã nhìn ra cơ hội hiếm có, bèn hiến kế với ông chủ.
Hardoon chỉ ra rằng tình hình căng thẳng này sẽ không kéo dài lâu. Bộ mặt của thành phố Thượng Hải sẽ nhanh chóng sầm uất trở lại. Hiện giờ mọi người đều rất hoảng loạn nên giá nhà đất sụt giảm mạnh, và đây là cơ hội rất tốt để mua bất động sản với giá rẻ. Hardoon khuyên ông chủ nên mua nhiều đất đai và xây dựng nhiều nhà ở.
Ban đầu, ông chủ Sassoon cũng bán tín bán nghi, nhưng cuối cùng ông quyết định nghe theo lời khuyên của Hardoon. Sau vài tháng, tình hình quả nhiên đúng như Hardoon dự đoán.
Chiến tranh Pháp-Thanh kết thúc và các tô giới vẫn được giữ nguyên hiện trạng pháp lý. Các công ty phương Tây tiếp tục ồ ạt đầu tư khai thác tài nguyên ở Trung Quốc. Điều này không những khiến cho những người của tô giới vội vã “bỏ của chạy lấy người” trước đó phải quay về, mà còn rất nhiều người dân ở các tỉnh như Chiết Giang, Phúc Kiến di cư đến Thượng Hải, làm bùng nổ nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt hàng ngày.
Giá nhà đất do đó tăng vọt, số bất động sản mà công ty Sassoon đã mua đạt lợi nhuận rất cao, lên đến hơn 5 triệu USD thời bấy giờ. Hardoon nhờ tư vấn đúng chiến lược kinh doanh cho công ty và nắm bắt thời cơ nên cũng trở thành triệu phú chỉ trong thời gian ngắn.
Năm 1908, việc buôn bán thuốc phiện của Hardoon cũng có cơ hội đầu cơ. Nguyên nhân là vào ngày 1/1/1908, chính phủ Anh đồng ý ký kết hiệp ước cấm thuốc phiện với chính phủ Thanh triều.
Theo thỏa thuận, số lượng thuốc phiện vận chuyển từ Ấn Độ vào Trung Quốc từ năm 1901-1905 bình quân là 51 nghìn thùng và con số này sẽ giảm xuống chỉ còn 1/10 mỗi năm kể từ năm 1908 và sau 10 năm sẽ chấm dứt hẳn việc nhập thuốc phiện từ nước Anh vào Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cũng siết chặt các quy định cấm thuốc phiện trong nước. Các viên quan ở Thượng Hải dán thông báo khắp nơi và yêu cầu các tiệm thuốc phiện trong thành phố, dù là lớn hay nhỏ cũng đều phải đóng cửa trong vòng 6 tháng. Họ còn yêu cầu lãnh sự các tô giới hợp tác kiểm tra và đóng cửa tiệm thuốc phiện trong tô giới.
Chỉ trong thời gian ngắn, làn sóng cấm thuốc phiện dấy lên mạnh mẽ khắp Trung Quốc, hàng trăm hiệu thuốc phiện đóng cửa.
Không giống như những nhà buôn khác đang cố bán tháo thuốc phiện, Hardoon vẫn thản nhiên trước lệnh cấm. Ông không những cất lại hơn 100 thùng thuốc phiện mà còn dùng hơn 1 vạn lạng bạc của khách hàng cất giữ trong ngân hàng để mua thuốc phiện với giá rẻ.
Không lâu sau, do chính sách cấm thuốc phiện của nhà Thanh bị thi hành cực đoan đã dẫn đến sự phản đối dữ đội từ các nước, nên chính sách đó bị buộc phải đình hoãn.
Nhu cầu thuốc phiện trong tô giới tăng vọt, giá cả cũng leo thang, riêng giá của loại thuốc phiện Ấn Độ được ưa chuộng nhất đắt gần ngang vàng.
Lúc này nguồn thuốc phiện của Hardoon đã thu được lợi nhuận cực lớn, lên đến hàng mấy chục vạn lạng bạc.
Thành công trong hai lần đầu cơ này của Hardoon chủ yếu nhờ vào sự nhạy bén và tỉnh táo trước những cơn địa chấn lịch sử. Ông nắm bắt cơ hội thành công trong những tình thế mà mọi người đều thấy bất lợi.
Đồng tiền nhảy múa trong tay nhà tài phiệt Do Thái
Quá trình làm giàu của ông trùm ngành đá quý Barney Barnato cũng là minh chứng rõ rệt cho sự đầu cơ liên tục.
Barney Barnato là một thương nhân Do Thái xuất thân từ gia đình có truyền thống buôn bán quần áo, vải vóc. Từ nhỏ ông đã theo học tại một trường học miễn phí do gia tộc Rothsschild xây dựng và tài trợ để giúp đỡ trẻ em nghèo.
Barney Barnato biết Nam Phi bấy giờ là nơi dễ làm giàu nên ông xoay sở vốn liếng để sản xuất 40 thùng xì gà và rời London đến Nam Phi lập nghiệp.
Dự định ban đầu của ông là chuẩn bị số xì gà này để bán cho những người đi tìm mỏ. Nhưng sau khi đến nơi, thấy việc mua bán kim cương rất dễ kiếm lời nên Barney Barnato đã dùng số xì gà này đổi lấy một ít kim cương. Chỉ trong vài năm, nhờ mua đi bán lại kim cương mà ông đã trở thành nhà buôn kim cương và khoáng sản.
Năm 1876, ông dùng toàn bộ tài sản của mình để mua lại một số mỏ kim cương nhỏ ở gần khu mỏ mà ông đã sở hữu. Sau khi khai thác, những khu mỏ này mỗi tuần có thể sản xuất khoảng 20 kara kim cương.
Khi công cuộc đầu cơ, buôn bán phát triển, Barney Barnato bắt đầu bước vào thị trường chứng khoán. Năm 1880, ông bắt đầu phát hành một lượng lớn cổ phiếu cho công ty kim cương Barnato của mình.
Chỉ trong thời gian ngắn, số cổ phiếu phát hành đã được mua sạch, vốn hóa thị trường của công ty tăng gấp 3 lần so với dự tính. Sang năm thứ hai, do thị trường chứng khoán Nam Phi chao đảo vì khủng hoảng nên giá cổ phiếu công ty kim cương Barnato sụt giảm.
Tuy nhiên, ông trùm nhân cơ hội đó mua lại gần hết số cổ phiếu của công ty mình đang nằm trong tay các cổ đông. Nhờ đó, dù mang danh nghĩa công ty cổ phần nhưng hầu hết cổ phiếu của công ty lại thuộc về sở hữu của ông, đồng nghĩa lợi tức đều chảy vào túi của ông.
Sau khi thị trường khởi sắc sau đó, nhà tài phiệt Do Thái tiến lên vị trí tỷ phú khi chỉ mới 38 tuổi.
Dân tộc Do Thái đã trải qua nhiều hoạn nạn lịch sử nên trong cách nhìn nhận xu thế phát triển, họ luôn có thái độ rất lạc quan và sự gan dạ ít ai bì kịp.
Ứng Minh – Theo Nhịp Sống Kinh Tế