Nếu bạn không chủ động nâng cao thu nhập của bản thân thì chắc chắn sẽ có một ngày bị bỏ lại phía sau, thậm chí là bị đào thải.
Một nhân viên cũ đã làm việc cho công ty công nghệ có tiếng ở Trung Quốc được vài năm phàn nàn trên Internet rằng anh ta đã gắn bó với vị trí này trong suốt một thời gian dài. Bỗng một ngày anh phát hiện rằng mức lương của mình thấp hơn 10 nghìn NDT so với đồng nghiệp mới vào.
Anh không thể chấp nhận sự bất tương xứng này và ngay lập tức đề nghị từ chức. Lúc này, lãnh đạo công ty đã dùng mọi cách để giữ chân, cuối cùng vấn đề cũng giải được bài toán tăng lương khoảng 50%.
Thực tế cạnh tranh nơi làm việc
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhân viên cũ biết lương thấp hơn nhân viên mới cùng vị trí nhưng đành bất lực, im lặng từ chức để tìm kiếm cơ hội mới. Nguyên nhân khiến anh chàng ở trên được tăng lương chủ yếu là do anh ta có vị trí nhất định trong đơn vị và làm công việc khó thay thế.
Dẫu vậy, đây chỉ là một trường hợp rất nhỏ trong các câu chuyện của dân văn phòng hiện nay. Không ít người dù là nhân viên cũ, làm công việc tương đương với người mới, thậm chí có lợi thế là làm việc lâu hơn nhưng vẫn phải chấp nhận mức lương thấp hơn đồng nghiệp mới đến.
Có người cho rằng, tình trạng này đều bắt nguồn từ việc công ty tăng lương hàng năm vài trăm NDT, tạo cho nhân viên tâm lý “thoải mái” và tạo cảm giác rằng lương vẫn tăng đều, từ đó hình thành tâm lý hài lòng với những gì mình đang nhân được.
Có một trưởng phòng phụ trách bộ phận kinh doanh cũng từng thừa nhận rằng mình đã làm việc trong công ty được 5 năm, kết quả là tình cờ nhìn thấy những nhân viên mới được tuyển dụng có mức lương cao hơn hẳn so với thu nhập của bản thân.
Sau này, anh mới nghĩ ra “đứa trẻ biết khóc mới có sữa ăn”, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong công ty, anh lên tiếng xin tăng lương hết lần này đến lần khác. Thậm chí đã có lúc anh nghĩ đến trường hợp sẽ chuyển đi để có mức thu nhập cao hơn vị trí hiện tại.
Trong trường hợp thông thường, công ty sẽ chủ động tăng lương sau khi bạn đưa ra yêu cầu tăng lương. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi bạn đang nắm giữ một công việc quan trọng và khó có thể thay thế.
Ngược lại đối với những vị trí có nguồn nhân lực dồi dào, dễ dàng tìm được người thay thế thì rất có khả năng nếu bạn xin nghỉ thì sẽ ngay lập tức được chấp thuận. Rõ ràng, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, mọi khía cạnh trong cuộc sống đều tăng tốc một cách chóng mặt. Có những công việc tưởng chừng phải được đào tạo trong một thời gian dài thì đến nay những người mới cũng chỉ cần vài buổi đã có thể làm quen.
Tại sao một số người có thể dễ dàng đàm phán để nâng mức lương của bản thân lên khi phát hiện đồng nghiệp có mức thu nhập cao hơn trong khi một số khác lại phải ngậm ngùi xin từ chức để tìm công việc mới? Đây không phải do may mắn mà liên quan mật thiết đến cách bạn đưa ra vấn đề, tính không thể thay thế và giá trị mà bạn tạo ra.
3 yếu tố cốt lõi cần đến để nâng thu nhập của bản thân
1. Cách đưa ra vấn đề
Xin lãnh đạo tăng lương không thể chỉ nói suông, yêu cầu này thực chất là một kiểu trao đổi. Trước tiên bạn phải có điều kiện để mang ra “giao dịch”. Bạn cần phải để lãnh đạo thấy được thành tích của thân và cảm thấy việc tăng lương là hoàn toàn xứng đáng.
Thứ hai, khi muốn nói chuyện tăng lương, bạn không thể đi thẳng vào chủ đề. Trước đó, bạn cần một câu chuyện để dẫn dắt, đồng thời cũng phải quan tâm đến tâm trạng của đối phương. Đây tưởng chừng như là điều không quan trọng nhưng thực tế lại ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của buổi trao đổi.
2. Chứng minh năng lực cá nhân
Nơi làm việc là nơi cạnh tranh dựa trên quyền lợi, muốn tồn tại được thì phải có năng lực hiếm có. Trong góc nhìn của người lãnh đạo thì bản thân người nhân viên phải tạo được niềm tin, để cấp trên có cảm giác yên tâm khi giao công việc. Việc chứng minh năng lực bản thân sẽ đưa bạn trở thành một ứng cử viên sáng giá không thể thay thế.
Nhìn chung, bất cứ công việc nào cũng có thể tìm được người thay thế nếu có một ai đó rời đi. Nhưng liệu có thể chạm đến trái tim của nhà lãnh đạo và đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà lãnh đạo hay không đòi hỏi sự quan sát và thực hiện nhạy bén của bạn.
3. Giá trị bạn tạo ra
Nơi làm việc không ủng hộ những kẻ lười biếng. Sở dĩ lương của bạn thấp hơn người mới là bởi vì họ tạo ra được nhiều giá trị hơn bạn. Hiện nay thị trường lao động không hề thiếu nhân lực. Đặc biệt những người ở thế hệ trẻ sẽ càng có nhiều kỹ năng và sự sáng tạo. Do đó, nếu cứ duy trì ở một ngưỡng nhất định, đến một ngày giá trị mà bạn tạo ra sẽ bị bỏ lại khi so sánh với những người mới.
Vì vậy, nếu bạn muốn thay đổi cục diện, thì điều cốt lõi nhất là tập trung cải thiện khả năng và giá trị mà bạn có thể tạo ra. Điều này đòi hỏi bạn phải nâng cao kỹ năng và tạo ra giá trị nhiều hơn mỗi ngày, không ngừng rèn luyện và tiếp thu kiến thức mới.
Theo 163-Thùy Anh–Theo Nhịp sống kinh tế