Khi được hỏi về tiền lương, đừng bao giờ dùng sự ngây thơ của bạn để thử thách sự giả tạo của đối phương. Học thuộc 2 cách trả lời này, không những không làm mất lòng người khác, thậm chí còn có thể giữ kín bí mật của bản thân mình.
Lương thưởng là vấn đề nhạy cảm nhất ở nơi làm việc. Tuy nhiên có những người, rõ ràng biết không nên hỏi vẫn thích “thăm dò” mức lương của người khác để thỏa mãn tính tò mò của mình.
Vậy chúng ta cần làm gì để đối phó với những người như vậy?
Đừng bao giờ dùng sự ngây thơ của bạn thử thách sự giả tạo của người khác
Ở nơi làm việc, nhiều người luôn có suy nghĩ, chân thành sẽ gặp được tri kỷ. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng được như vậy.
Có cô bạn A nọ mới vào công ty làm việc không lâu và quen được một nhân viên cũ ở đó. Hai người cho dù đi ăn cơm hay đi vệ sinh đều dính lấy nhau như hình với bóng, tình cảm vô cùng thân thiết.
Khi cô đồng nghiệp cũ kia hỏi về tiền lương của A, cô bạn A tưởng mức lương ở vị trí này như nhau nên không ngần ngại trả lời: 22 triệu. Trong nháy mắt, mặt cô đồng nghiệp tối sầm lại, nụ cười vừa nãy còn tươi rói bỗng vụt tắt. Từ đó trở đi, cô ta trở nên lạnh nhạt, luôn giữ khoảng cách với A, thậm chí cũng chẳng hỏi han thắm thiết như trước nữa.
Hóa ra cùng làm một vị trí nhưng mức lương của cô ta chỉ được 20 triệu, còn A mới vào mà được tận 22 triệu. Điều này khiến cô ta cảm thấy vô cùng ấm ức và khó chịu, dần xa lánh A, thậm chí còn cố tình tìm cách chơi đểu cô.
Một cậu bạn khác từng kể khổ với tôi:
“Đồng nghiệp của mình hỏi lương mình được bao nhiêu, rồi hứa sẽ tiết lộ mức lương của cậu ta. Nhưng khi mình nói rồi thì cậu ta liền cười rồi bỏ đi mà không nói lời nào. Khi đó mình cảm giác như bị lừa vậy, lần đầu tiên thấy được sự đáng sợ của một con người.”
Ở nơi làm việc, khi được người khác hỏi về tiền lương, đừng bao giờ dùng sự ngây thơ của bạn để thử thách sự giả tạo của đối phương. Hầu hết người từng trải sẽ không bao giờ tiết lộ tiền lương của mình, đồng thời cũng không muốn người khác dò hỏi. Đó là quyền riêng tư của bạn, hãy tôn trọng lẫn nhau, đừng bao giờ bàn luận về vấn đề lương thưởng, cũng đừng dò hỏi chuyện riêng tư của người khác.
Tại sao công ty không muốn nhân viên bàn luận về tiền lương?
Nhiều hợp đồng công ty có thỏa thuận bảo mật, trong đó quy định rõ ràng rằng không được tiết lộ bí mật kinh doanh, tài liệu công ty, thông tin nội bộ, lương thưởng…
Mức lương thể hiện giá trị của một nhân viên đối với công ty họ. Nhiều vị trí giống nhau nhưng sẽ có mức lương khác nhau, nguyên nhân là do nó phụ thuộc vào năng lực và sự cống hiến của mỗi người. Những người tài giỏi mà được việc, mang lại nhiều lợi ích cho công ty, chắc chắn họ sẽ được hưởng mức lương tương đối cao. Ngược lại, những vị trí phụ nhỏ bé sẽ chỉ được có mức lương trung bình mà thôi.
Khi được hỏi về tiền lương, người có EQ cao sẽ biết cách chuyển thế bị động thành chủ động
Cho dù trong công việc hay cuộc sống, bạn khó có thể tránh khỏi những lúc gượng gạo khi bị hỏi về tiền lương. Có người sẽ không muốn tiết lộ, có người lại thẳng thừng kể hết từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, đây không phải cách xử lí thông minh. Có hai cách để xử lí khi gặp trường hợp như vậy:
Cách 1, dùng giải pháp “đi đường quyền” để trả lời
“Đi đường quyền” theo nghĩa đen có thể hiểu là một hành động võ thuật. Khi được ai đó hỏi về mức lương, bạn có thể dùng cách “đi đường quyền” để trả lời. Ví dụ:
Đối phương: “Cậu giỏi như vậy chắc lương cao lắm nhỉ!”
Bạn: “Cũng tàm tạm thôi, chưa đến mức chết đói hihi”.
Đối phương: “Cụ thể là bao nhiêu đấy?”
Bạn: “Không có nhiều đâu, đủ sống qua ngày thôi mà”.
Đối phương: “Thế có được 30 triệu không?”
Bạn: “Chắc cũng tầm đó thôi”.
Trả lời câu hỏi của đối phương một cách mơ hồ, không rõ ràng sẽ khiến anh ta cảm thấy khó chịu và cụt hứng, tự nhiên sẽ không hỏi tiếp nữa.
Cách 2, hỏi ngược lại đối phương
Tuy nhiên có những người rất ngoan cố, phải tìm cho ra bằng được đáp án. Vì vậy, khi người như vậy hỏi bạn, hãy suy xét và tìm cách chuyển sự chú ý về đối phương.
Đối phương: “Lương mỗi tháng của cậu được bao nhiêu thế?”
Bạn: “Ôi ít mà, nói ra sợ cậu chê cười thôi! Vậy lương cậu được bao nhiêu?”
Hoặc có thể trả lời thế này:
Đối phương: “Lương mỗi tháng của cậu được bao nhiêu thế?”
Bạn: “Nói đến lương mới nhớ, khoản khấu trừ an sinh xã hội của mình kiểu gì ấy, chả rõ ràng gì. Không biết có vấn đề gì không nhỉ?”
Cách hỏi ngược lại như vậy cũng chính là thu hút sự chú ý để chuyển chủ đề, khiến đối phương quên mất mục đích ban đầu của mình.
Gặp phải những câu hỏi như vậy, người có EQ thấp thường nói tuột ra hoặc im lặng không nói câu gì. Thái độ như vậy dễ khiến đối phương khó chịu hoặc không hài lòng. Tuy nhiên, nếu bạn áp dụng cách như trên, không những không làm mất lòng người khác, hơn nữa còn có thể giữ kín bí mật của bản thân mình.
Theo Quê Hương–Doanh nghiệp và tiếp thị