Trong bài bình luận Cứu Đồng bằng sông Cửu Long khỏi nguy cơ bị nhấn chìm, tác giả bài viết là Giáo sư Matt Kondolf (Đại học California) cho biết, nếu tiếp tục phát triển với cách thức như hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị nhấn chìm đến 90% diện tích vào năm 2100.
Cần giải pháp đồng bộ
Cần Thơ là địa phương được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn để thực hiện 3 dự án nâng cấp đô thị với quy mô lớn. Hiện nay, dự án 1 và 2 đã kết thúc với nhiều công trình hoàn thành và hàng trăm khu Lia (khu dân cư thu nhập thấp) được nâng cấp.
Những công trình mang đậm dấu ấn của dự án nâng cấp đô thị tại đây là hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng, đường Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung đơn nguyên 2 và các tuyến hẻm được mở rộng cho xe bốn bánh ra vào. Bên cạnh đó từ nguồn vốn ngân sách, địa phương cũng xây dựng mới tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ nối dài… giúp thay đổi bộ mặt đô thị.
Tuy nhiên, Theo Sở Xây dựng Cần Thơ, trong đợt triều cường các năm trở lại đây, TP. Cần Thơ đã có ít nhất trên 50 tuyến đường bị ngập, có nơi ngập sâu 40 cm, làm cho việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Hiện nay, địa phương đang triển khai nâng cấp mặt đường một số tuyến như đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, nút giao IC3, đường Trần Quang Diệu, nút giao đường Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt…
Không riêng TP. Cần Thơ mà nhiều đô thị khác tại ĐBSCL cũng xuất hiện nhiều điểm, đoạn đường bị ngập, nghẹt khi mưa lớn hay triều cường. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái thì có 3 nguyên nhân chính dẫn đến ngập lụt ở khu vực đô thị, đó là: biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, sụt lún tích lũy nhiều năm và việc đắp đập để sản xuất lúa vụ 3 đã không còn không gian chứa nước, dẫn đến mực nước dâng cao mặc dù đỉnh triều không cao hơn trung bình nhiều năm.
Không riêng các đô thị mà các tuyến đường quốc lộ kết nối các đô thị cũng xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi triều cường. Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị này đang triển khai dự án chống ngập tại 41 điểm trên quốc lộ thuộc khu vực ĐBSCL, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Các dự án gồm 16 điểm ngập trên quốc lộ 1 qua Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang; 15 điểm ngập trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cà Mau; 5 điểm trên quốc lộ 53; 3 điểm trên quốc lộ 57 đoạn qua Vĩnh Long; 2 điểm trên tuyến quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa bàn TP. Cần Thơ.
Chia sẻ tại hội thảo về thu gom nước thải, thoát nước bền vững và giải pháp chống ngập đô thị vùng ĐBSCL diễn ra vào ngày 10/5, tại TP. Cần Thơ, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg về việc Phê duyệt đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030”.
Nhiệm vụ của Đề án hướng tới 5 giải pháp: hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ lụt, ngập úng trong đô thị; hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị; xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn; khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro; phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.
Để hỗ trợ cho các địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Quyết định trên, nhóm tư vấn Chương trình thích ứng với BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long (GIZ- MCRP) hướng dẫn và cùng các địa phương xây dựng đề án “Chống ngập cho đô thị lớn (đô thị tỉnh lỵ hoặc một đô thị lớn trên địa bàn tỉnh) trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030”.
Theo bà Hyunjung Lee, Chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), khu vực ĐBSCL đóng góp lớn cho thế giới về an ninh lương thực và có nhiều khu bảo tồn sinh thái rất quý, do đó mà cả thế giới phải có trách nhiệm với vùng đất này. Vùng ĐBSCL cũng được xem là nơi ảnh hường nặng nề của BĐKH, nước biển dâng, nên rất cần được hỗ trợ.
“Về cơ hội và đầu tư tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng khu vực này đang được ADB rất chú ý và tạo điều kiện tiếp cận bằng cả 3 hình thức, đó là ODA, PPP và vay trực tiếp có bảo lãnh của Chính phủ”, bà Hyunjung Lee cho biết.
Đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong không chỉ ngăn trầm tích mà còn có nguy cơ gây ngập lụt khi gặp phải sự cố vỡ đập. Ảnh Internet
Chung tay vì sự phát triển của ĐBSCL
Ngày 9/5, Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã chia sẻ bài bình luận trên tạp chí Science với tiêu đề “Cứu Đồng bằng sông Cửu Long khỏi nguy cơ bị nhấn chìm”. Tác giả bài viết là Giáo sư Matt Kondolf, Đại học California, Berkeley, với sự đồng tham gia của các nhà nghiên cứu khác, trong đó có ông Marc Goichot, Quản lý chương trình Nước ngọt, WWF Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và ông Jeff Opperman, Trưởng nhóm Nghiên cứu khoa học Chương trình Nước ngọt Toàn cầu, WWF.
Tác giả bài viết đã chỉ ra rằng, nếu tiếp tục phát triển với cách thức như hiện tại, ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm đến 90% diện tích vào năm 2100.
Theo tác giả bài viết trên, phần lớn diện tích của ĐBSCL, chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2m, do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH, trong đó có tác động của nước biển dâng. Thêm vào đó, các hoạt động như khai thác quá mức nước ngầm, khai thác cát không bền vững để xây dựng và mở rộng các thành phố trên khắp Châu Á, cũng như sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đang đe dọa tương lai của vựa lúa phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á này.
“Thật khó tin rằng một vùng đất với diện tích và dân số tương đương với Hà Lan có thể biến mất vào cuối thế kỷ này”, Giáo sư Matt Kondolf từ Đại học California, Berkeley, cảnh báo.
Nhóm nghiên cứu xác định 6 biện pháp khả thi, đã từng được triển khai trên thế giới và có thể gia tăng đáng kể tuổi thọ của vùng ĐBSCL, đó là: Hạn chế việc xây dựng các đập thủy điện, thay thế các dự án thuỷ điện đã được quy hoạch bằng các trang trại điện gió và mặt trời; thiết kế hoặc cải tạo lại các đập thủy điện để hỗ trợ cho trầm tích chảy qua; giảm dần và tiến đến dừng khai thác cát lòng sông; đánh giá lại tính bền vững của nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL; duy trì tính kết nối của các vùng ngập lũ ở đồng bằng thông qua điều chỉnh các công trình hạ tầng nước và thuỷ lợi; đầu tư vào các giải pháp “thuận thiên” để bảo vệ bờ biển trên quy mô lớn dọc theo vùng duyên hải của đồng bằng.
“Nhưng cũng như các đồng bằng sông khác, ĐBSCL chỉ có thể tồn tại nếu nhận được đủ lượng trầm tích từ thượng nguồn và có dòng chảy đủ để đưa lượng phù sa đó tỏa đi khắp bề mặt đồng bằng, giúp lớp đất bề mặt được bồi đắp với tốc độ bằng hoặc nhanh hơn mức nước biển dâng trên toàn cầu. Chỉ khi cả 6 quốc gia trong lưu vực sông Mekong cùng hành động để quản lý nguồn nước và trầm tích tốt hơn, thì mới có thể tránh được hậu quả tàn khốc-ĐBSCL chìm dưới nước biển”, bình luận do nhóm các nhà nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ra ngày 6/5.
Theo An Hoà–Theo NĐT