Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cần phải sống hồ đồ một chút, mắt nhắm mắt mở, như vậy là bỏ qua cho bản thân cũng là bỏ qua cho người khác mà được ung dung tự tại. Nhưng có những việc nhất định phải thanh tỉnh, không được hồ đồ.
1. Việc dục vọng không thể hồ đồ
Con người ai cũng có thất tình lục dục. Dục vọng ham muốn của con người bao gồm rất nhiều phương diện khác nhau, có thể chia thành dục vọng về danh, lợi, sắc dục, quyền thế, tình cảm, hưởng thụ vật chất, ăn uống… Một người nếu không biết cách tiết chế dục vọng của bản thân mình, không có chừng có mực thì cả đời người ấy cũng chỉ là quá trình tìm kiếm sự thỏa mãn những tư dục không ngừng sinh ra mà thôi.
Khi dục vọng của một người càng lớn thì áp lực mà họ phải chịu sẽ càng nhiều, dục vọng càng mạnh thì tâm người ấy càng dễ bị ràng buộc chặt hơn. Khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng thì người ta sẽ không thể thoát ra được. Khi ấy, dục vọng sẽ ăn mòn ý chí, làm sa đọa lương tri và hậu quả là biến người ấy thành nô lệ của dục vọng.
Khống chế được dục vọng không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng khi đứng trước bất kỳ sự tình gì một người có thể kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình thì đó là bước đầu để thanh tỉnh trước dục vọng. Ở vào thời khắc mấu chốt, nếu người ấy nhận thức được sự tình nào nên làm, sự tình nào không nên làm thì người ấy đã có thể khống chế được dục vọng của mình rồi.
2. Việc thiện ác không thể hồ đồ
Cổ ngữ có câu: “Con đê ngàn dặm sụp bởi tổ kiến.” Trong cuộc đời, mỗi một ý niệm, hành vi đều vô cùng quan trọng, việc thiện có thể thành tựu đời người nhưng việc ác cũng có thể hủy hoại cuộc đời trong chớp mắt.
Trong cuộc sống hiện thực, một sai lầm hay một khuyết điểm nhỏ cũng chính là một việc ác nhỏ, nếu không kịp thời sửa chữa thì sẽ dần dần trở thành sai lầm lớn không cách nào cứu vãn lại được. Vì vậy, đừng nói chiếc đinh không quan trọng, đừng nói chiếc móng sắt không cần quan tâm. Trong cuộc đời, những sai lầm nho nhỏ là không thể dung túng được, bởi nó có thể là bước đầu của hậu họa về sau.
Việc nhỏ đã là như vậy, việc lớn lại càng cần chú ý hơn. Làm người thì cần hướng đến cái thiện mà cố gắng, làm việc có thủy có chung, xem trọng trách nhiệm của mình, vô tư không vụ lợi, không để yêu ghét che mờ thiện ác, không khiến lợi ích phủ khuất lương tri, coi trọng những giá trị phổ quát. Với việc còn thiếu sót thì cần chung tay làm cho tốt đẹp, với tội ác thì cần lên tiếng bảo vệ kẻ thế cô. Đặc biệt những chuyện liên quan đến sinh mệnh con người thì nhất thiết cần cho thấy thái độ chính nghĩa.
Trong “Nhị thập tứ sử” có câu rằng: “Người làm việc thiện, việc tốt thì Trời sẽ lấy phúc lộc báo đáp họ, kẻ làm việc xấu thì Trời sẽ lấy tai ương báo ứng họ”. Người lương thiện chứa lòng từ bi luôn suy nghĩ vì người khác, phẩm chất cao thượng của họ khiến cho người và Thần đều khâm phục, vòng xoay nhân quả sẽ đưa hết thảy phúc đức đến với họ, hết thảy tai họa rời xa họ. Ngược lại, khi một người làm việc ác hại người thì người ấy cuối cùng cũng nhận phải điều tương tự. Bởi vậy đời người đối với việc thiện ác là không thể hồ đồ.
3. Việc kết hôn không thể hồ đồ
Hôn nhân là việc đại sự của đời người, mà gia đình cũng có ảnh hưởng tới xã hội. Người xưa vô cùng xem trọng việc chọn vợ gả chồng. Họ cho rằng việc lấy vợ lấy chồng phải coi trọng phẩm đức. Bởi vì chỉ những người cha người mẹ có phẩm hạnh đạo đức tốt, có trí tuệ mới có thể tề gia, duy trì được một gia đình bền chặt hòa thuận và dạy bảo con cái trở thành người tốt.
Về lựa chọn vợ, người xưa có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục.” Câu này có ý đề cao chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, khích lệ sự cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ của bản thân, không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài. Người phụ nữ như vậy mới có thể trở thành người vợ thực sự hiền đức.
Về người chồng, cổ nhân quan niệm rằng người đàn ông nắm vai trò là người chủ gia đình, phải có trách nhiệm xây dựng một gia đình đầm ấm, hài hòa, phải có khả năng dẫn dắt vợ đi theo con đường chính đạo, hiếu kính với người bề trên. Người chồng là trụ cột gia đình, nếu có thể hiểu rõ đạo lý, có chí khí, có gan gánh vác trách nhiệm, dẫn dắt được vợ con mà không bỏ mặc gia đình thì gia đình mới thuận hòa. Nếu trong gia đình, người chồng không hoàn thành tốt vai trò vị trí của mình thì trong nhà khó khăn mọi bề.
4. Việc phỉ báng không thể hồ đồ
Cổ nhân có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, hay “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Các bậc thánh nhân, thánh hiền, hay các chư Phật, Bồ Tát xuất sinh trong các thời đại lịch sử đều là đến để giáo hóa dân chúng, vì lợi ích dân chúng mà để lại những lời răn dạy. Dùng lời lẽ phỉ báng, hay xuyên tạc các bậc thánh hiền, người đại đức là cách làm tổn hại chính bản thân mình.
Thời cổ đại, từ bậc Thiên tử, đại thần đến dân thường ai ai cũng đều kính tín Phật, Đạo, Thần. Những người có đạo đức cao, người tu hành chân chính cũng rất được mọi người tôn kính, đặc biệt là những vị cao tăng đức hạnh. Bậc đế vương khi lên ngôi đều phải kế tục truyền thống cúng tế Trời đất, thờ phụng Thần linh. Vào những ngày lễ trọng đại của dân tộc, Hoàng đế các triều đại đều phải hướng về Thần linh bảy tỏ lòng kính ngưỡng. Con người vốn là sinh mệnh vô cùng nhỏ bé trong trời đất, nên đừng vì chút tri thức ít ỏi, đừng vì dục vọng không được thỏa mãn mà hồ đồ, tùy tiện phỉ báng trời đất, Thần linh.
An Hòa (Trithuctre)