Trí tuệ đằng sau sự bình tĩnh là thứ có thể hóa giải khó khăn, ví dụ như nội dung câu chuyện sau đây.
Học được cách bình tĩnh, đó sẽ là một món tài sản vô cùng quý báu. Sự bình tĩnh sẽ giúp con người hiểu được rằng, một khi phía trước xuất hiện tình trạng hiểm nghèo, mây đen bao phủ, tiều tụy lo lắng đến khổ sở, thì sự bình tĩnh vừa đủ sẽ giúp chúng ta vững bước chân, khôi phục được tổn thất.
Ví dụ như hai câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất
Một viện bảo tàng nọ bị mất trộm. Tổng cộng có 10 văn vật bị mất, may mắn là một chiếc nhẫn kim cương quý vẫn còn. Cảnh sát đã mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng không tìm được manh mối để lần ra số văn vật đã mất.
Người đứng đầu viện bảo tàng luôn giữ thái độ bình tĩnh kể từ sau khi xảy ra vụ trộm, sau đó đã đề nghị đài truyền hình phỏng vấn ông.
Và thế là ti vi đã phát sóng cuộc phỏng vấn giữa phóng viên và người đứng đầu viện bảo tàng.
Phóng viên hỏi: Xin hỏi lần mất trộm này, viện bảo tàng mất tất cả bao nhiêu món văn vật?
Người đứng đầu viện bảo tàng trả lời: Mất tất cả 11 món.
Phóng viên hỏi: Những văn vật này đều rất có giá trị phải không?
Người đứng đầu viện bảo tàng tả lời: Đúng thế, rất có giá trị, đặc biệt là chiếc nhẫn kim cương!
Một thời gian ngắn sau, cảnh sát đã điều tra được manh mối và thuận lợi phá án.
Cơ sở để tìm ra manh mối rất đơn giản: Một vài tên trộm đã đánh nhau và bị cảnh sát bắt, nguyên nhân chúng đánh nhau là bởi chúng đã nghi ngờ lẫn nhau không biết ai đã giấu món văn vật thứ 11 – chiếc nhẫn kim cương.
Câu chuyện thứ hai
Có một thương gia nọ vô cùng giàu có, vì muốn tránh thời buổi rối ren loạn lạc, ông ta đổi toàn bộ tài sản của mình lấy kim cương, sau đó ông ta lại thuê làm một chiếc ô che mưa và để toàn bộ số kim cương vào bên trong chỗ tay cầm của chiếc ô.
Tiếp đến, ông ta cải trang thành dân thường và mang theo chiếc ô, chuẩn bị về quê quy ẩn. Không ngờ trên đường về, một chuyện ngoài dự tính đã xảy ra. Vì mệt quá, ông ta ngủ gật một lúc và khi tỉnh dậy, chiếc ô đã biến mất.
Vị thương gia lăn lộn nhiều năm trên thương trường, ông không để lộ ra một tiếng mà cẩn thận quan sát, phá hiện ra rằng tay nải bên người vẫn còn, liền đoán rằng chiếc ô chắc chắn không phải do một tên trộm chuyên nghiệp lấy mất, có thể đó là một người nào đó qua đường, tiện tay lấy mang đi và có thể ông ta chỉ ở quanh đây.
Nghĩ vậy, vị thương gia liền ở lại đó, mua một ít dụng cụ sửa ô và hành nghề sửa ô kiếm tiền. Xuân qua thu tới, chớp mắt đã hai năm trôi qua, ông ta vẫn chưa tìm thấy chiếc ô của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình sửa ô, ông đã tìm hiểu và biết rằng, nhiều chiếc ô đã hỏng đến mức không đáng để sửa và người ta sẽ mua ô mới.
Vị thương gia liền đổi nghề “đổi ô cũ lấy ô mới” mà không phải thêm tiền. Rất nhiều người tìm đến đổi ô và chẳng bao lâu sau, có một người đàn ông trung niên vội vã mang ô đến.
Vừa thoạt nhìn, ông đã nhận ra đó là chiếc ô của mình, phần tay cầm vẫn nguyên vẹn, không hỏng hóc gì. Không một chút phản ứng bất thường, vị thương gia đưa chiếc ô mới cho người kia. Đợi người kia đi rồi, vị thương gia vào nhà, thu dọn toàn bộ tài sản và dời đi, không để lại dấu vết.
Lời bình
Trong hai câu chuyện trên, người đứng đầu viện bảo tàng và vị thương gia đều im lặng chờ đợi, và sự chời đợi đó chính là trí tuệ phía sau cái gọi là bình tĩnh. Đứng trước những tình huống xảy ra bất ngờ, họ đều học được cách bình tĩnh ứng phó, hóa giải chuyện dữ thành chuyện lành.
Theo Nguyễn Nhung-Theo Trí thức trẻ