Có rất nhiều nhân tố quyết định thành bại của con người. Càng trải nghiệm cuộc sống, chúng ta càng phát hiện ra rằng: Đời người như một hành trình gian khổ, có lúc quyết định thành bại không phải là IQ…
Tôi có một người bạn khá thành công trong sự nghiệp, anh là người rất có kỷ luật tự giác.
Anh là một quản lý doanh nghiệp cao cấp tốt nghiệp Harvard. Có một lần ngồi chuyện trò có nói đến kinh nghiệm cuộc đời, anh đã bộc bạch về những trải nghiệm của bản thân.
Gây dựng cuộc sống kỷ luật tự giác: đặt kế hoạch cho bản thân mỗi ngày và nghiêm khắc thực hiện
Khi học đại học, anh ép mình mỗi ngày học thuộc 50 từ mới, không nhớ đủ thì quyết không đi ngủ. Điều đó đã khiến trình độ ngoại ngữ của anh vượt xa các bạn cùng lớp.
Hiện nay khi làm việc, anh yêu cầu bản thân mỗi ngày kiên trì học 1 tiếng đồng hồ, đồng thời viết tổng kết từ 3 góc độ, rèn luyện năng lực tư duy.
Con người hễ có kỷ luật tự giác cao độ, thì mới có đủ năng lực kiểm soát cuộc đời của mình. Không có sự ưu tú xuất sắc nào là vô duyên vô cớ. Đằng sau đó đều là vô số ngày đêm kiên trì gắng sức thì mới đạt được trình độ kỹ nghệ cao siêu.
Kenneth Yen là doanh nhân người Đài Loan, một trong những người giàu nhất thế giới từng nói: “Ngay cả ăn uống bạn cũng không kiểm soát được, vậy bạn có thể kiểm soát được cái gì?”
Trong cuộc sống chúng ta, muốn có một thân hình đẹp thì phải làm được “quản chặt cái miệng, bước dài cái chân”. Nếu thiếu kỷ luật tự giác thì rất khó tưởng tượng chúng ta không thỏa hiệp bởi các yếu tố dụ dỗ xung quanh.
Tôi có một người bạn, từ nhỏ không chú ý đến vấn đề ăn uống và vận động, do đó càng ngày càng béo. Đến khi lên đại học, cao 1m70 nhưng cân nặng 125 kg!
Cho đến khi anh tỏ tình bị cự tuyệt vì bị chê béo, anh mới suy nghĩ quyết tâm giảm béo. Tiếp theo, anh lên mạng tra tìm các tài liệu chi tiết, rồi bắt đầu đặt cho mình kế hoạch giảm cân: ăn kiêng và vận động.
Dù có thèm ăn, có đói mấy cũng kiên trì quản chặt cái miệng lại.
Sau nửa năm, anh giảm được 45 kg.
Sau đó, anh tiếp tục áp dụng tinh thần ‘giảm béo’ này vào các phương diện học tập, đường đời đã bật đèn xanh với anh, cảm thấy thế giới đều rộng mở chào đón.
Con người hễ có kỷ luật tự giác cao độ,
thì mới có đủ năng lực kiểm soát cuộc đời của mình. (Ảnh minh họa)
Ưu tú là dựa vào kỷ luật tự giác luyện thành
Anh bạn kia hiện nay sống rất thoải mái, lại cực kỳ vui vẻ và lạc quan.
Anh nói với tôi: “Mỗi khi trong cuộc sống gặp phải chuyện khó xử, khi bản thân nghĩ muốn thỏa hiệp, thì lại giở cuốn nhật ký giảm béo trước kia ra, nhớ lại năm xưa mình đã kiên trì như thế nào…”.
Khi bạn đủ kiên quyết đối với bản thân, thì thế gian không có việc gì có thể đánh gục bạn được.
Con người chính là cần trong mỗi lần kỷ luật tự giác như thế này mà gây dựng từng tý từng chút nhân tố khiến mình càng ưu tú hơn.
Trái lại rất nhiều người thất bại là do sống ‘quá tùy ý’. Họ chính là trong cuộc sống lặp đi lặp lại giữa chần chừ, thỏa mãn và hối hận.
Khi chúng ta cứ châm chước “cũng tạm được rồi”, dần dần chúng ta sẽ sống một cuộc đời “cũng tạm được rồi”.
Ngược lại, nếu chúng ta muốn kỷ luật tự giác thì cũng không khó lắm.
Nắm chắc 2 nguyên tắc sẽ hướng cuộc sống đến kỷ luật tự giác
Nguyên tắc 1: Đặt kế hoạch rõ ràng và kiên trì hoàn thành
Khi học đại học tôi đã đặt kế hoạch chi tiết cho mình. Mỗi ngày đọc sách 1 giờ và viết vào sổ cảm nhận, tâm đắc khi đọc, tham gia hội đọc sách để chia sẻ tâm đắc, cảm ngộ.
Ghi chép lại mấy việc đó, mỗi ngày hễ hoàn thành thì đánh dấu ‘x’.
Sau khi kiên trì một thời gian thì kiến giải của tôi đã phong phú lên khá nhiều, năng lực biểu đạt cũng được cải thiện nhiều. Đến nay nghĩ lại, điều khiến tôi thọ ích nhất chính là: “Khởi đầu kế hoạch”.
Không thể không thừa nhận chúng ta nhiều người có tính lười, cứ muốn đợi đến lúc thích hợp, cơ hội thích hợp rồi mới làm việc này. Nhưng rất nhiều ý tưởng đã bị biến mất trong khi chờ đợi.
Vậy nên cần tin tưởng rằng, khởi đầu càng sớm, kiên trì càng lâu, thì càng sớm tiếp cận được lý tưởng, mục tiêu của mình.
Khởi đầu càng sớm, kiên trì càng lâu,
thì càng sớm tiếp cận được lý tưởng, mục tiêu của mình. (Ảnh minh họa)
Nguyên tắc 2: Định kỳ kiểm điểm lại mình và củng cố
Luyện được thói quen viết nhật ký, không ngừng củng cố và kiểm điểm lại mình.
Ba năm trước tôi cài phần mềm ghi nhật ký (note), cho đến tận hôm nay, trước khi đi ngủ chỉ cần 10 phút là ghi lại nhật ký trong ngày. Ý nghĩa của nó không phải ghi chép lại hôm nay mình làm gì mà là để quan sát, kiểm điểm bản thân.
Năm ngoái tôi còn đem nhật ký in thành sách. Giây phút giở sách ra, cảm giác tự hào trào dâng. Thế nên lập kế hoạch hợp lý và tổng kết thực hiện, thời gian dài sẽ hình thành nên thói quen kỷ luật tự giác.
Kiên trì kỷ luật tự giác, tương lai bạn sẽ cảm ơn mình
Thế giới người trưởng thành không có vận may từ trên trời rơi xuống, tuyệt đại đa số đều tay không nỗ lực cố gắng làm ra.
Người khác chỉ thấy bạn tăng lương tiến chức nhẹ nhàng, nào có hay bao nhiêu đêm bạn thêm giờ làm cho kịp tiến độ.
Người khác chỉ thấy bạn đa tài đa nghệ, phạm vi hiểu biết rộng, nào có biết những lúc bạn vùi đầu học hành vất vả.
Sở dĩ bạn có thể ưu tú hơn người khác, chính là bạn đã kiên trì cái mà người khác không thể kiên trì.
Chính vì vậy, đằng sau sự ưu tú là kỷ luật tự giác của một người kiên cường.
Nam Phương –Theo cmoney.tw