Những cây dược liệu, thảo mộc quý bất chấp cằn cỗi, nắng mưa vẫn vươn mình sinh sôi mạnh mẽ ở mảnh đất miền Trung. Bằng kinh nghiệm kết hợp với công nghệ khoa học hiện đại, chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1988) đã khởi nghiệp từ cây tràm, cây xả, cây khuynh diệp…
Chị Nguyễn Thị Liên tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tp.HCM và từng làm cho tập đoàn nước ngoài hơn 10 năm. Dù công việc thuận lợi, ổn định nhưng chị vẫn cảm thấy tâm trí luôn không ổn định trong quá trình làm việc.
Rồi chị đọc trên báo thấy nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp thành công, chị rất ngưỡng mộ và khát khao được hành động. Cơ duyên đến với chị trong một chuyến công tác ra miền Trung, chị quyết định sẽ lập nghiệp tại đây.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là tìm ra được sản phẩm để kinh doanh. “Nuôi con gì và trồng cây gì” là điều mà chị chưa từng biết đến, nhất là ở mảnh đất miền Trung khô cằn. Đến trồng cây nông nghiệp dài ngày hay ngắn ngày cũng còn là bài toán khó.
“Khi đi lang thang dọc các cửa hàng bán đồ cho khách du lịch, tôi chú ý tới một loại dầu màu vàng, rất được khách du lịch ưa chuộng. Đó là dầu tràm dùng cho em bé, được bán với rất nhiều mức giá khác nhau. Tôi bị thu hút và tò mò về sản phẩm này”, chị Liên cho biết.
Thế là chị đã dành ra gần 5 tháng để đi khắp các làng nghề, hợp tác xã, hộ nông dân dọc miền Trung để học hỏi và tìm hiểu. Chị thấy những làng nghề đang bị mai một dần vì hàng chất lượng thấp do pha hương liệu trên thị trường, thu nhập bấp bênh, không đủ sống trong khi cây tràm tự nhiên dần cạn kiệt vì bị khai thác không đúng cách.
“Tôi nhận thấy có thể giúp họ, thay đổi được tình hình bằng kinh nghiệm xây dựng thị trường của bản thân trong 10 năm làm trong ngành bán hàng. Và tôi cũng cảm thấy đây là trách nhiệm của mình, nhất định phải làm được”, chị Liên chia sẻ.
Tuy nhiên, khi chị bắt đầu làm sản phẩm, chị vấp phải sự phản đối lớn từ gia đình. Với công việc lúc bấy giờ – làm cho một công ty nước ngoài với mức lương khá tốt ở thành phố hiện đại, những người trong gia đình cho rằng chị viển vông. Và họ ngại vì chị chưa làm nông dân bao giờ, sớm muộn cũng sẽ vỡ mộng.
Mấy năm trời mẹ chị vẫn ra sức khuyên can và rất tiêu cực, thậm chí chị đã phải nói dối vẫn làm công ty nước ngoài dù đã nghỉ được 2 năm. Khó khăn lớn nhất là cảm giác cô đơn ở một nơi hoàn toàn xa lạ với mình, không một người thân hay bạn bè, kiên nhẫn mỗi ngày để tìm sản phẩm phù hợp. Nhưng đó là giai đoạn mà chị không thể quên, tuy cô độc nhưng có sức hấp dẫn rất lớn trong tuổi trẻ của chị.
Năm 2015, chị Liên thành lập công ty và đến năm 2017 chính thức đặt tên cho các sản phẩm của mình là Mệ Đoan.
Xuất phát điểm, chị chỉ sản xuất đơn thuần với một vài sản phẩm, nhưng sau 6 năm phấn đấu bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, thương hiệu Mệ Đoan của chị đã cho ra đa dạng nhiều dòng sản phẩm được khách hàng yêu thích, tin dùng. Hiện tại, chị đã có trong tay 3 thương hiệu chính là Mệ Đoan, Ola và Nhất Phong được các hệ thống lớn trên toàn quốc lựa chọn phân phối như Kidsplaza, Bibomart, Hệ thống nhà thuốc Long Châu, An Khang, Mạnh Tý, Trung Sơn,… Nhận được nhiều đóng góp, phản hồi từ các phụ huynh khắp cả nước, chị luôn luôn cải tiến sản phẩm tốt hơn, nghiên cứu thêm sản phẩm mới phù hợp hơn.
Bí quyết kinh doanh: Dù là việc nhỏ nhất cũng phải làm hết sức bằng cái tâm của mình
Chia sẻ niềm yêu thích và tâm huyết với sản phẩm từ quê hương miền Trung được làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình, chị nói: “Đối với tôi, phụ nữ và các em bé không chỉ đơn thuần là khách hàng, mà còn là nhóm yếu thế, mong manh và và thiệt thòi hơn nên mình rất muốn bảo vệ và yêu thương bằng những sản phẩm của Mệ Đoan. Cam kết đầu tiên của tôi là chất lượng phải tốt, có thể sẽ bị cạnh tranh, bán khó hơn, cực hơn khi là một công ty nhỏ, thương hiệu nhỏ. Nhưng tôi tin các mẹ sẽ cảm nhận được chất lượng, cảm thấy hạnh phúc, an tâm khi trải nghiệm sản phẩm Mệ Đoan”, chị Liên hạnh phúc nói.
Bằng hướng đi mạnh dạn và bền bỉ, chị Nguyễn Thị Liên đã đưa doanh nghiệp ngày một phát triển đi lên, mang lại giá trị cho cây tràm nơi mảnh đất nắng gió miền Trung, và hơn hết đã khẳng định một thương hiệu, một sản phẩm có giá trị cho cộng đồng.
Theo PNVN