Có một vài giải thích khả thi và hợp lý cho nỗi băn khoăn này: Đó có thể là bạn chưa nếm đủ thất bại, hoặc là do tự ngã của bạn cản trở.
Thành công không tự nhiên đến với bất kỳ ai và không phải ai cũng luôn thành công. Có thể bạn vẫn chưa tự vận hành việc kinh doanh của riêng mình hoặc bạn chưa được thăng chức như ý nguyện, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó.)
Dưới đây là những câu trả lời hay nhất từ người dùng trên trang Quora cho câu hỏi: Tại sao tôi lại mất quá nhiều thời gian để đạt được thành công?
Bạn chưa thực hiện những điều cần thiết cho thành công của mình
Lukas Schwekendiek, một người dùng Quora cho rằng thành công đến khi bạn làm việc chăm chỉ và có chủ đích rõ ràng. Anh viết: “Trong tất cả những việc mà bạn làm thì chỉ có một vài việc thực sự có liên quan đến thành công của bạn, những việc còn lại chỉ mang tính hỗ trợ thôi. Theo đó, nếu bạn không thực hiện tốt những phần việc cốt lõi và trọng yếu ấy, thì công việc kinh doanh, mối quan hệ, tài chính của bạn sẽ không được cải thiện”.
Anh so sánh kinh doanh giống như tập gym – bạn đọc mọi thứ về gym nhưng chỉ tập mỗi tuần một lần, hoặc có thể bạn hầu như không biết về các bài tập cân đối nhưng dành 2 giờ mỗi ngày cho gym. Kết luận là bạn sẽ khỏe mạnh hơn nếu dành 2 giờ một ngày cho việc tập gym.
Bạn chưa nếm đủ thất bại
Kane Harry, một người dùng Quora cho biết, thất bại là bước đệm đi đến thành công. Những ai chưa thành công thì chắc chắn họ vẫn chưa nếm đủ thất bại.
Anh viết: “Trong khi bạn ngồi đó thảnh thơi thì những người khác đang thách thức bản thân trong những thất bại và học được nhiều điều mới. Chỉ khi bạn rút ra được những bài học từ thất bại của mình, như thép được tôi trong lửa thì lúc đó bạn mới có thể đương đầu với cuộc sống đầy những thanh kiếm sắc bén hơn bạn”.
Thất bại liên tục sẽ mài giũa kỹ năng và trí tuệ của bạn, nó sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn khi đối mặt với những thách thức sau này.
Không có đường tắt dẫn tới thành công
Quintanilla, một người dùng Quora Hector đã dẫn một ví dụ về vị doanh nhân thành công nhất của thời đại – Walt Disney để minh họa cho quan điểm của mình:
“Trước năm 1919, Walt Disney chuyển đến thành phố Kansas để theo đuổi nghề báo, ông bị nhà biên tập sa thải vì lý do “thiếu sự trừu tượng và không có sáng kiến hay”. Sau khi bị sa thải, Walt hợp tác với nhà hát địa phương để chiếu phim hoạt hình mang tên Laugh-O-Grams. Mặc dù rất nổi tiếng ở năm 1923, studio của ông vẫn dính nợ và Disney bị ép tuyên bố phá sản. Ông phải mất gần 20 năm để có được thành công. Mãi đến tháng 12/1937, khi Disney công chiếu phim hoạt hình Bạch tuyết và bảy chú lùn, thu về 1,5 triệu đô và giành tất cả 8 giải Oscar. Từ đó ông đã tìm thấy điều quan trọng nhất trong thành công: Thành công không có đường tắt!”
Giờ đây, cái tên Walt Disney luôn gắn liền với chương trình giải trí thiếu nhi và công ty từng phá sản của ông đã trở thành một công ty truyền thông giàu thứ 4 trên thế giới.
Mọi người đều có “thời vàng son” của riêng mình
Ul Islam, một người dùng Quora Zeeshan nói rằng, khi còn trẻ, chúng ta không nên đặt quá nhiều áp lực vào việc tìm kiếm sự thành công. Bởi vì người ta phải mất một khoảng thời gian vài thập kỷ mới làm được điều đó:
“Ai cũng sẽ có một thời vàng son của riêng mình. Có người thành công ở tuổi đôi mươi, một số người thì đến 60, 70 mới có thể thành công. Bởi vì hoàn cảnh và thời thế của mỗi người là khác nhau. Zuckerberg thành công với Facebook ở lứa tuổi 20, trong khi Colonel đã hơn 60 tuổi mới thành công với KFC”.
Không phải ai cũng là Mark Zuckerberg, Steve Jobs, hoặc Jeff Bezos. Một số CEO chỉ trở nên thành công vào lúc luống tuổi. Mặt khác chúng ta cũng không sở hữu những công ty huyền thoại như McDonald’s (Ray Kroc ở tuổi 52), Walmart (Sam Walton ở tuổi 44) hay thậm chí người thành lập công ty mỳ ăn liền Nissin Foods (Momofuku ở tuổi 48).
Bạn sợ hãi sự thất bại
Thất bại thật đáng sợ, thế nhưng đầu tư thua lỗ càng đáng sợ gấp bội. Người dùng Quora, Adam Fayed chia sẻ lời khuyên:
“Thực ra, khi sợ thua lỗ nghĩa là bạn không cố gắng để thành công. Ai cũng muốn thành công, nhưng chẳng ai muốn mạo hiểm hoặc chịu những hy sinh liên đới cả. Hầu hết mọi người chỉ nhìn thấy sự tổn thất và thua lỗ hơn là niềm vui thích khi tận hưởng nó. Vì nhiều người chỉ quan tâm đến việc “không để bị thua” hơn là phải giành chiến thắng. Rất ít người có được một công việc ổn định, họ vẫn trắng tay ngay cả khi 21 tuổi. Đa số mọi người sợ đầu tư thua lỗ và chỉ biết giữ tiền trong ngân hàng, dù việc đó là một chiến lược thua lỗ dài hạn”.
Bạn đang chìm trong sự tiêu cực
Sihera, một người dùng Quora Elaine nói rằng, điều quan trọng là phải nghiêm khắc với chính mình, đừng chỉ chú tâm vào lỗi lầm vì nó chỉ cản trở hành động của bạn.
Cô viết: “Một cá nhân thật sự trưởng thành khi họ nỗ lực từng ngày và sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi. Nhưng chúng ta thường để nỗi sợ ngăn trở hành động của mình: sợ hậu quả, sợ mạo hiểm, sợ tạo cơ hội và thậm chí là sợ nắm giữ thành công. Thật ra, nếu một người giữ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân quá lâu, thì họ càng trở nên khó thay đổi. Họ sẽ phải tốn nhiều năm để thấy mình cũng là một người đặc biệt, có tài năng và có thể kiểm soát tương lai của mình để đạt được thành công mỹ mãn”.
Bạn không chú ý vào mục tiêu của mình
Đôi lúc khi theo đuổi mục tiêu, chúng ta quá chú trọng vào các tình tiết nhỏ mà quên đi bức tranh tổng thể. Người dùng Quora, Elizabeth Morrow có vài lời khuyên cho bất kỳ ai đang mắc tình trạng này:
“Hãy nhìn vào mục tiêu của bạn. Nó có phải là điều bạn đang thật sự nhắm tới không? Không có gì lạ khi bạn phải điều chỉnh lại mục tiêu ban đầu hay thậm chí là thay đổi nó hoàn toàn. Thời gian sẽ làm ta thay đổi, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều về bản thân, học hỏi được nhiều thứ về những cơ hội ngoài kia và càng trở nên thực tế với mong muốn của mình. Điều này không có nghĩa là mục tiêu ban đầu của bạn không tốt, nó chỉ là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của bạn mà thôi. Vậy nên, hãy ngồi xuống xác định lại thật kỹ càng những gì bạn muốn và đặt ra mục tiêu mới”.
Cô cho biết thêm, nếu bạn vẫn chưa tìm thấy mục tiêu của mình thì cũng chưa thể tính là bạn thất bại. Khi bạn nhìn vào mục tiêu và thấy nó không thực tế thì chỉ cần đặt lại mục tiêu mới thiết thực hơn.
Bạn quên mất quy luật “thai nghén”
Ul Islam, một người dùng Quora Zeeshan nói rằng, luôn có một quy luật “thai nghén” cho sự thành công.
Anh viết: “Mọi thứ trong vũ trụ này đều có thời kỳ “thai nghén”. Một quả trứng gà cần ấp 21 ngày, trong khi bào thai con người cần hơn 9 tháng. Tất nhiên con người có tác động xã hội nhiều hơn gà. Thời kỳ “thai nghén” là quy luật của tự nhiên. Những điều lớn lao luôn tốn nhiều thời gian để thực hiện”.
Zeeshan nói rằng những thứ càng lớn lao thì càng tốn nhiều thời gian để thực hiện. Có lẽ mục tiêu của bạn rất cao và bạn sẽ cần nhiều thời gian thực hiện điều đó – trừ khi mục tiêu của bạn chỉ nhỏ bé như một chú gà con mà thôi.
Bạn quá chú tâm vào cái tôi bản thân
Nếu bạn vẫn chưa thấy được sự thành công của mình thì có thể đó không phải là mục tiêu của bạn đặt ra hoặc ai đó đang cản trở bạn thực hiện mục tiêu của mình. Vậy thì đó có thể là do cái tôi của bạn. Người dùng Quora Kane, Harry đưa ra câu trả lời:
“Có thể bạn nghĩ mình thông minh hơn người khác. Nhưng sự thông minh không phải thể hiện qua những gì bạn đã học mà là qua cách mà bạn sống”.
Đừng ngại nhờ sự trợ giúp từ những người xung quanh. Thành công của riêng bạn không có nghĩa là bạn phải tìm kiếm hoặc thực hiện nó một mình. Mọi doanh nhân, nghệ sĩ, chính trị gia đều có rất nhiều người ở phía sau hỗ trợ cho sự thành công của họ.
Bạn đặt ra những mục tiêu không thực tế
Sihera, một người dùng Quora Elaine cũng có vài ý tưởng về cách đặt mục tiêu.
Cô viết: “Thông thường, khi bạn đặt mục tiêu quá xa rời thực tế thì điều đó giống như bạn đang nỗ lực để tìm kiếm sự công nhận từ người khác, hoặc cố gắng đạt những thứ quá tầm đối với mình. Tuy nhiên, vì bạn vẫn chưa sẵn sàng nên những hành động như thế chỉ khiến bạn trì hoãn hoặc hạ thấp tỷ lệ đạt được thành quả của mình mà thôi. Việc đó cũng làm gia tăng nỗi thất vọng và nỗi sợ tiêu cực của bạn”.
Khi đặt những mục tiêu nhỏ hơn, bạn sẽ thấy đạt được chúng rất dễ dàng, điều đó sẽ mang lại hương vị thành công cho bạn. Và dần dần từng bước bạn sẽ đặt các mục tiêu lớn hơn. Những vụ mua bán khổng lồ thường được đánh dấu bằng các mục tiêu nhỏ khi vừa mới khởi nghiệp. Amazon vốn chỉ là một nhà sách trực tuyến nhỏ, và Facebook vốn chỉ là một trang web hẹn hò trong một trường đại học.
Có lẽ bạn đang cạn kiệt nguồn cảm hứng
Tương tự, người dùng Quora Zsolt, Hermann nói rằng bạn chưa thành công có thể là do bạn không còn cảm hứng nữa. Anh viết:
“Tất cả những vấn đề như: tìm ra những mục tiêu xứng đáng, thực tế, quan trọng; nhận được sự hỗ trợ cần thiết và những nguồn cảm hứng liên tục; nhận thức được trách nhiệm của từng người, bổ sung những thiếu sót và phối hợp với nhau… Chúng đều có thể được giải quyết một cách hợp lý, có chủ đích trong một môi trường làm việc mà tất cả mọi người tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau”.
Theo Hermann, lý do mà bạn cạn kiệt nguồn cảm hứng có thể là do môi trường sống của bạn. Hãy quan sát những người xung quanh. Họ có hỗ trợ bạn không? Họ có tin vào những ý tưởng lớn, sự nghiệp hay nỗ lực sáng tạo của bạn không? Nếu câu trả lời là không, thì rất có thể họ không đầu tư gì vào thành công của bạn. Vậy thay vào đó, hãy tạo một mối quan hệ lâu dài với những ai đang ủng hộ, hỗ trợ và tin tưởng vào thành công của bạn.
Thiện Thành (Theo Business Insider)