Mặc dù vậy, Úc vẫn còn một “điểm sáng” nhờ một mặt hàng Trung Quốc rất cần.
Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, nền kinh tế Úc đã bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và khả năng tăng trưởng có thể “không bao giờ quay trở lại” mức trước khi đại dịch xảy ra, ngay cả khi đại dịch COVID-19 kết thúc, CNBC đưa tin.
Cho đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc- chiếm 39,4% xuất khẩu hàng hóa và 17,6% xuất khẩu dịch vụ trong giai đoạn từ năm 2019-2020. Nhưng Bắc Kinh trong nhiều tháng đã nhắm danh sách các sản phẩm nhập khẩu ngày càng tăng từ Canberra để áp thuế nhập khẩu như rượu vang và lúa mạch đồng thời đình chỉ nhập khẩu thịt bò.
Nhà kinh tế cấp cao Marcel Thieliant của Capital Economics nhận định rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Úc có thể giảm nhiều hơn nữa nếu Bắc Kinh tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ xứ sở chuột túi.
Công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Úc đã ở trong tình trạng “ở trong vòng nguy hiểm” có giá trị gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc, chiếm 1,8% sản lượng kinh tế của nước này.
Nhưng mọi việc không dừng lại ở đó. “Con số này có thể tăng lên khoảng 2,8% GDP nếu Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào các sản phẩm khác mà nước này không phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ Úc”, ông Thieliant nói.
Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã trở nên xấu đi trong năm nay sau khi Úc ủng hộ lời đề xuất về việc mở cuộc điều tra quốc tế về việc Trung Quốc ứng phó với đại dịch COVID-19. Báo cáo cho biết sẽ có thêm nhiều hạn chế khác từ Bắc Kinh, bao gồm xuất khẩu vàng, nhôm oxit – một loại nguyên liệu dùng trong công nghiệp – và “một loạt các mặt hàng nhỏ hơn”.
“Mặc dù Úc có thể chuyển hướng xuất khẩu một số mặt hàng sang các nước khác, nhưng cuộc chiến thương mại leo thang là một lý do khác khiến nền kinh tế Úc sẽ không bao giờ quay trở lại như trước thời kì đại dịch bùng phát, ngay cả khi chúng ta đã kiểm soát COVID-19”, ông Thieliant nói.
Capital Economics cho biết GDP Úc vào cuối năm 2022 tổng thể có thể giảm khoảng 1,5% so với thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch, và các biện pháp hạn chế thương mại bổ sung của Trung Quốc có thể khiến sự sụt giảm này diễn ra nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, sự suy giảm có thể được giảm bớt vì “có thể Úc sẽ tìm thấy các thị trường xuất khẩu mới” – nhà kinh tế Thieliant cho biết.
Một điểm sáng cho Úc
Úc là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, một mặt hàng đang rất được quan tâm khi căng thẳng Úc-Trung Quốc gia tăng. Nhưng có một điểm sáng đối với xứ sở chuột túi: Xuất khẩu quặng sắt có thể sẽ tiếp tục “nằm trong vòng an toàn” do 60% tổng lượng quặng sắt của Trung Quốc có nguồn gốc từ Úc và Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào mặt hàng này cho hoạt động sản xuất thép.
Các nhà phân tích cho rằng việc thiếu các lựa chọn thay thế sẵn có có thể là nguyên nhân cho việc quặng sắt hiện vẫn bị loại khỏi cuộc chiến thuế quan. Giá quặng sắt gần đây đã tăng đột biến do nhu cầu từ Trung Quốc tăng, và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nguồn cung gián đoạn do các cơn bão đổ bộ vào Úc.
“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng xuất khẩu quặng sắt sẽ không bị ảnh hưởng. Trung Quốc sẽ không thể tìm nguồn cung nào khác có thể đáp ứng nhu cầu của nước này ngoài Úc”, ông Thieliant kết luận.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị