Đó là chia sẻ của một nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc. Ông cho rằng, nếu tình yêu của cha mẹ không vụ lợi tính toán thì sự hiếu thảo của con cái cũng sẽ tự nguyện và thanh thản.
Nhà Kinh tế học nổi tiếng Vương Phúc Trọng (Trung Quốc) mới đây gây tranh cãi khi đưa ra những quan điểm khác nhau về vấn đề phụng dưỡng giữa con cái và cha mẹ. Theo ông, việc yêu cầu con cái phải hiếu thảo là không hợp lý.
Thoạt nghe có vẻ lạ nhưng ông Vương Phúc Trọng đã nói điều này trong một bối cảnh nhất định. Ông cho rằng, thật vô lý vì con cái không có quyền lựa chọn khi sinh ra nhưng lớn lên bắt buộc phải hiếu thảo với cha mẹ. Lòng hiếu thảo được đề cập ở đây ám chỉ việc phụng dưỡng đấng sinh thành. Ông tin rằng con người hiện đại đang chịu áp lực rất lớn và việc phụng dưỡng cha mẹ là gánh nặng đối với những người trẻ.
Tại sao phải đè nặng trách nhiệm phụng dưỡng khi bạn mới là người muốn chúng đến với mình trong cuộc đời?
Từ xưa đến nay, hiếu thảo luôn là phẩm chất con người được coi trọng. Hiếu thảo được truyền từ đời này sang đời khác, cha mẹ làm gương cho con cái noi theo. Tuy nhiên, theo ông Vương Phúc Trọng, chữ “hiếu” hiện nay nên hiểu theo một nghĩa mới.
Con cái sẽ có suy nghĩ riêng, cuộc sống riêng, quyền quyết định của riêng mình. Tại sao phải đè nặng trách nhiệm phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ khi bạn mới là người muốn chúng đến với mình trong cuộc đời?
Văn hóa Á Đông nói chung luôn có quan điểm: Bố mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con. Sau này chúng phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Nhưng nếu cha mẹ đưa con vào thế giới này ngay từ đầu để “có người nâng đỡ khi về già”, và mục đích sinh sản phải gắn với tiện ích thì những đứa trẻ mới sinh ra đã phải gánh một gánh nặng lớn thậm chí trước khi đặt chân xuống đất. Chẳng phải là không công bằng sao?
Tất nhiên, trong hai mươi năm nuôi dạy con cái, cha mẹ không chỉ phải tốn tiền bạc mà còn cả thời gian và sức lực. Nhưng trên thực tế, vấn đề phụng dưỡng có thể được nhìn nhận một cách đơn giản hơn. Cả con cái lẫn cha mẹ đều không nên coi đây là nhiệm vụ phải hoàn thành, không nên đòi hỏi và ép buộc con cái.
“Yêu cầu con cái phải hiếu thảo có hợp lý không?”. Nhìn từ góc độ xã hội đương đại, điều này vừa hợp lý vừa không hợp lý. Đối với cha mẹ, trải qua mấy chục năm rèn luyện, chăm sóc, việc tìm kiếm “phần thưởng” nào đó là điều tự nhiên. Nhưng đối với con cái, chúng không phải là “bảo hiểm hưu trí”, và quyền lựa chọn phụng dưỡng cha mẹ cuối cùng vẫn nằm trong tay chúng.
Nếu con cái vốn đã khó khăn thì dù cha mẹ có đòi hỏi đến đâu con cũng khó mà phụng dưỡng. Hoặc nếu bạn chưa dành cho con đủ tình yêu thương và sự quan tâm từ khi còn nhỏ, đừng mong đợi con sẽ gác lại những điều đau buồn trong quá khứ để phụng dưỡng khi bạn về già. Ai gieo gì thì gặt nấy, gieo yêu thương ắt sẽ nhận được hiếu thuận.
“Hiếu thảo” không có tiêu chuẩn hay yêu cầu nào, đó phải là hành động xuất phát từ trái tim, làm theo sự lựa chọn bên trong của mình. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn mong con hạnh phúc hay sao? Muốn con hạnh phúc, hãy cởi bỏ những trách nhiệm cho chúng.
Quan điểm của ông Vương Phúc Trọng có thể không hoàn toàn đúng nhưng ông đã đưa ra một cách nghĩ mới về “hiếu thảo”. Hiếu thảo là truyền thống lâu đời cần gìn giữ. Cách xử lý đúng đắn là tìm ra những quan điểm mới phù hợp với sự phát triển của thời đại dựa trên nền tảng ban đầu của nó và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tình cảm giữa người và người rất thiêng liêng, nếu tình yêu của cha mẹ không vụ lợi tính toán thì sự hiếu thảo của con cái cũng sẽ tự nguyện và thanh thản.
Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Theo Hiểu Đan-Theo PNS