Trong tình cảnh đất nước bị đô hộ bởi người Pháp, các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra nhưng đều thất bại, thì cuộc binh biến của binh lính người Việt ở Thái Nguyên gắn liền với tên tuổi Đội Cấn trở thành một sự cổ vũ rất lớn cho những người yêu nước lúc đó.
Đội Cấn, tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881 trong một gia đình nghèo ở làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1910, ông lấy tên la Trịnh Văn Cấn đi lính khố xanh thay cho anh trai của của mình, được thăng lên chức Đội nên thường được gọi là Đội Cấn.
Trong quá trình đưa quân đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Đội Cấn âm thầm cảm phục tấm lòng yêu nước của Đề Thám cùng nghĩa quân.
Giữa năm 1917, một thành viên của Việt Nam Quang phục hội là Lương Văn Quyến bị bắt giam ở nhà lao Thái Nguyên với mức án “chung thân cầm cố”.
Quá trình tiếp xúc với Lương Ngọc Quyến cùng các chí sĩ yêu nước đã khiến Đội Cấn có những nhận thức mới, ông quyết định khởi nghĩa, làm cuộc binh biến cướp chính quyền.
Đội Cấn bàn bạc cùng với Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Nam… quyết định tập hợp binh lính người Việt ở tỉnh lỵ cùng các vùng xung quanh làm binh biến chiếm Thái Nguyên.
Tuy nhiên các sĩ quan người Pháp cảm nhận được sẽ có một cuộc binh biến của quân binh người Việt, nên đã đảo lộn hàng ngũ binh lính, điều chuyển đi nơi khác, luân chuyển, đồng thời theo dõi sát đề phòng. Chính vì thế mà cuộc binh biến không thể xảy ra như kế hoạch ban đầu.
Đến tháng 8/1917, được tin sắp có cuộc thuyên chuyển, Đội Cấn quyết định làm cuộc binh biến ngay vào cuối tháng tức ngày 30/8.
Vào đêm ngày 30/8 cuộc binh biến bắt đầu, Đội Cấn dẫn 175 lính tiến đánh đại bản doanh quân Pháp ở Thái Nguyên và giành chiến thắng, diệt được Giám binh Pháp là Noël.
Sau đó nghĩa quân tiến đánh nhà tù Thái Nguyên, giết được cai ngục Loew, giải cứu Lương Ngọc Quyến và 203 tù nhân cùng những người yêu nước.
Nghĩa quân thu được một số khí giới cùng kho bạc, làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Thái Nguyên (trừ trại lính khố đỏ cố thủ ở bên bờ sông Cầu). Đứng đầu tỉnh lỵ Thái Nguyên lúc đó là công sứ Darles, và phó công sứ Tusle đã may mắn thoát chết khi đang đi nghỉ mát.
Đội Cấn được bầu làm Tư lệnh trưởng, Lương Ngọc Quyến làm quân sư. Nghĩa quân tuyển thêm lính mới, đến ngày 5/9 nâng tổng số quân lên 600 người bao gồm 130 lính vệ binh, 200 tù nhân, 300 dân phu và dân địa phương.
Nghĩa quân hiệu triệu dân chúng tuyên bố Thái Nguyên được độc lập và đặt tên nước là Đại Hùng Đế Quốc cùng cờ Ngũ tinh liên châu của Việt Nam Quang phục hội.
Sau khi hay tin có binh biến ở Thái Nguyên, ngay từ ngày 2/9 quân Pháp đã tập hợp quân chuẩn bị tấn công.
Sáng sớm ngày 5/9, quân Pháp với 2.700 quân đã tiến vào Thái Nguyên với cả pháo binh hỗ trợ. Trong khi đó phía nghĩa quân chỉ có 600 người. Đó là một cuộc chiến không cân sức.
Quân Pháp tiến chậm trước sự chống trả của nghĩa quân. Sau nửa ngày giao chiến quyết liệt, đến trưa ngày 5/9 nghĩa quân diệt được 107 quân Pháp, phía nghĩa quân bị thương 56 người. Tuy nhiên lúc này quân Pháp đã bắt đầu tràn được vào phía trong. Biết không thể ngăn được, Đội Cấn quyết định rút lui. Đại Hùng Đế Quốc chỉ tồn tại được 5 ngày ngắn ngủi.
Lương Ngọc Quyến bị giam gữ lâu ngày trong nhà lao, xuống sức không thể tự đi được, ông quyết định tự sát vì không muốn làm vướng bận nghĩa quân.
Nghĩa quân chạy đến vùng núi Tam Đảo (giáp Vĩnh Yên) lập căn cứ, sau đó đến huyện Đại Từ lập căn cứ ở núi Pháo.
Tháng 1/1918, quân Pháp tập trung lực lượng tấn công căn cứ, nghĩa quân nỗ lực chống trả nhưng bị tổn thất nặng nề. Đội Cấn bị thương nặng, ông đã tự sát để không rơi vào tay quân Pháp.
Trần Hưng