Là một nhà khởi nghiệp khá đặc biệt ở thị trường khởi nghiệp Việt Nam nhưng ít ai biết doanh nhân trẻ Mai Sao Lonsdale lại có những cú rẽ ngang đầy bất ngờ.
Đang yên vị với công việc tốt nhàn nhã là Quản trị tài chính cho Morgan Stanley, Mai Sao Lonsdale đột ngột nghỉ việc để ra tập tành kinh doanh tại Sanfrancisco. Cách đây 5 năm, Mai Sao lại có một quyết định khác làm ngỡ ngàng nhiều người, khi rời bỏ môi trường khởi nghiệp đã trưởng thành như ở Mỹ để về môi trường khởi nghiệp còn sơ khai như Việt Nam và khởi nghiệp 1 lần nữa.
Tham vọng thay đổi cách mua sắm mỹ phẩm
Không quá nổi danh trên đại chúng, nhưng bà Sao Lonsdale rất được giới công nghệ và startup tại Việt Nam nể trọng.
Sống và làm việc tại Mỹ hơn 20 năm với chuyên ngành quản trị tài chính doanh nghiệp tại các tập đoàn uy tín quốc tế như Morgan Stanley, Sao Lonsdale cùng những người bạn của mình đã đầu tư vào một số công ty tập trung đi lên bằng nền tảng công nghệ từ năm 2010.
Năm 2015, khi trở về Việt Nam Mai Sao Lonsdale cùng với cộng sự – những cá nhân xuất sắc từ Sillicon Valley – thành lập Lixibox hội tụ đủ những nền tảng của 1 startup tiêu biểu, từ triết lí phát triển doanh nghiệp đến cách thức xây dựng văn hoá, quy trình, phát triển con người; kết hợp với những am hiểu sâu sắc về thị trường và các xu hướng mới.
Sao Lonsdale còn là người làm cầu nối cho những hoạt động giới thiệu với những người bạn là tỉ phú, triệu phú công nghệ đình đám tại Silicon Valley như sự kiện anh em Winklevoss (cha đẻ của ý tưởng sáng lập Facebook) đến Việt Nam.
Anh của chồng cô – Joe Lonsdale là đồng sáng lập của Palantir Technologies – cũng chính là một trong những “học trò” của Peter Thiel, người được Silicon Valley nể trọng qua những thương vụ đầu tư mạo hiểm vào những startup thay đổi thế giới như Facebook, SpaceX…
Hiện nay, ngoài việc chuyên đầu tư và tư vấn tầm vĩ mô cho các startup cũng như tập đoàn công nghệ tại Châu Á và tại Mỹ, hai anh em Joe và Jeff Lonsdale rất tích cực hợp tác trao đổi với những chương trình của chính phủ Việt Nam trong các đề tài về thành phố thông minh, chuyển đổi cơ cấu và luật pháp thuận lợi cho một nền tảng thúc đẩy công nghệ Việt.
Trở lại với Lixibox, thật khó để phân biệt đây là công ty Mỹ phẩm hay startup công nghệ. Nhưng sự ra đời của Lixibox xuất phát từ tham vọng thay đổi thói quen mua sắm mỹ phẩm dựa trên việc phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất: Data Analytics, Affiliate, D2C, AI, Automation.. của CEO Mai Sao Lonsdale.
Những điều này có rất ít các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam làm được nhưng Lixibox đã đầu tư nghiêm túc từ những ngày đầu. Và đó chính là chìa khoá để họ cạnh tranh trong 1 thị trường đang tăng trưởng nóng và đầy rẫy những bài toán khó giải.
Quy mô thị trường làm đẹp Việt Nam khoảng 2,2 tỷ USD năm 2020 và dự đoán tăng trưởng 5,9% hàng năm. Trong đó miếng bánh to nhất là sản phẩm chăm sóc cá nhân lên đến gần 1 tỷ USD.
Quy mô thị trường làm đẹp Việt Nam khoảng 2,2 tỷ USD năm 2020 và dự đoán tăng trưởng 5,9% hàng năm. Nếu chỉ muốn kiếm tiền, Lixibox thừa nguồn lực để làm như thế. Nhưng Sao Lonsdale có ước mơ khác. Cô nhận thấy thời cơ để thay đổi cách mua sắm mỹ phẩm không chỉ ở Việt Nam mà cả Châu Á. Câu chuyện thành công của các chuỗi mỹ phẩm online kết hợp offline như Sephora, Boots, Bluemercury, Space NK, Ulta… hay online 100% như Beautylish, B-glowing đã truyền cảm hứng cho Lixibox.
Hầu hết các startup e-commerce khác ở Việt Nam chỉ tập trung vào Marketing hoặc Sales để đẩy hàng thật nhiều, một số ít gần đây đầu tư thêm về thương hiệu bằng cách hợp tác với KOL hoặc mở chuỗi cửa hàng. Còn với Lixibox từ ngày đầu đến giờ tập trung tối đa vào trải nghiệm mua sắm. Sao Lonsdale mong muốn xây dựng một nơi mà khách hàng có thể trải nghiệm các thương hiệu và sản phẩm mới với mức giá hợp lý, quy trình mua sắm hiện đại, thông tin đa chiều từ chính những người mua sắm trước đó và cả những chia sẻ sâu hơn của cộng đồng làm đẹp chuyên nghiệp.
3 vấn đề “cốt tử” của startup Việt
Với rất nhiều trải nghiệm ở thị trường khởi nghiệp của nhiều quốc gia, theo Mai Sao Lonsdale, hiện các startup tại Việt Nam đang gặp 3 vấn đề khá nghiêm trọng. Thứ nhất, giá cả luôn là cuộc chiến cân não; thứ hai khả năng scale-up thấp do giải quyết vấn đề quá cơ bản và chưa quan tâm trải nghiệm khách hàng.
Nói về giá cả, doanh nhân trẻ trở về từ Mỹ cho biết, cô đã gặp rất nhiều khó khăn khi trở về Việt Nam lập nghiệp bởi không giống như thị trường Mỹ, chỉ cần mình đưa ra dịch vụ/sản phẩm tốt hơn thị trường, thì không sợ không có khách hàng tìm đến, thị trường Việt Nam ưu tiên về giá hơn cả.
“Trên thị trường, các sản phẩm/dịch vụ vẫn đánh nhau về giá, so kè từng 10 nghìn – tức khách hàng sẽ mua sản phẩm của bạn khi nó rẻ hơn đối thủ khoảng 10 nghìn. Với thực trạng đó, Lixibox vẫn khó thu hút khách hàng hơn các sàn thương mại điện tử khác, nhưng nếu ai đã trở thành khách hàng của chúng tôi, họ đều rất thích vì dịch vụ tiện dụng mà sản phẩm lại đẹp”, CEO Lixibox chia sẻ.
Chính vì xu hướng đó của người dùng Việt đã khiến cả Mai Sao Lonsdale và Lixibox phải “cân não”. Và cuối cùng, để giảm giá thành sản phẩm CEO Lixibox cho rằng phải vận hành mô hình kinh doanh thật tốt và scale-up thật nhanh bằng công nghệ.
Ngoài câu chuyện giá cả, câu chuyện mở rộng kinh doanh (scale-up) ra nước ngoài cũng rất khó giải với các startup Việt.
“Tại Việt Nam, để khởi nghiệp không khó, vì thị trường đang trong thời gian sơ khai nên ở đâu cũng có vấn đề mà các startup có thể giải quyết. Cùng với đó, khách hàng Việt Nam vẫn còn rất dễ tính, khi hầu hết họ vẫn chưa được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất thế giới, thế nên họ ít đòi hỏi. Chỉ cần startup giải quyết được vấn đề bằng công nghệ, tối ưu hóa chúng và giúp xã hội tốt hơn hiện tại, mọi người đã hài lòng. Các startup có nhiều cơ hội để thử nghiệm. Ngoài ra, dữ liệu quá rẻ”, Mai Sao Lonsdale nêu 3 điểm thuận lợi của thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, thật không may, những điểm thuận lợi nói trên ở thị trường quốc nội lại trở thành điểm yếu cho các startup Việt Nam khi muốn mở rộng kinh doanh. Bởi vậy, rất nhiều tỷ phú người Việt về Việt Nam chơi, dù thấy thị trường tiềm năng nhưng không đầu tư, bởi họ thấy rõ các startup Việt sẽ rất khó để mở rộng ra nước ngoài.
Do các startup thường chỉ giải quyết những vấn đề cơ bản của cuộc sống và xã hội, nên nó không xuất hiện ở các nước tiên tiến trong khi các nước phát triển như Việt Nam lại có startup bản địa làm rồi. Đã thế, trước đây, các startup hoặc founder Việt chưa chú trọng đến trải nghiệm khách hàng. Nguyên do có thể họ thiếu tầm nhìn hoặc không có nhân tài trong mảng này hay có thể do khách hàng Việt vẫn còn quá dễ dãi và dễ hài lòng như đã nói ở trên.
“Hiện tại, các bạn trẻ Việt Nam nên cân nhắc chọn nghề thiết kế trải nghiệm khách hàng (UX) và giao diện khách hàng (UI) nếu muốn tìm được công việc tốt sau khi ra trường. Ngoài ra, nội lực của các startup Việt vẫn còn yếu so với xung quanh chưa đi ra khỏi những giới hạn mà bản thân mình tự đưa ra. Các nhân viên chưa thực sự xem mình là một phần của công ty, nên họ vẫn chưa làm tốt hơn nhiệm vụ được giao – giống như tinh thần tiêu biểu của các startup trong Silicon Valley”, cho biết Mai Sao Lonsdale từ đó cô dự đoán “để những điểm yếu nói trên biến mất, giới startup Việt cần thay máu một thời gian”.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp