Điểm khác biệt giữa nhà doanh nghiệp bình thường và nhà doanh nghiệp xuất sắc không nằm ở chỗ là đã từng thất bại hay chưa, mà là nằm ở chỗ sau khi thất bại sẽ gục ngã không bò dậy được hay là nhận lấy bài học rồi tiếp tục bước về phía trước…
Tôi muốn thông qua bài viết này để chia sẻ với độc giả về hai ví dụ thất bại đáng chú ý nhất trong giới doanh nghiệp xảy ra vào thế kỷ trước. Nhưng trước tiên cần phải đi vào tìm hiểu những vấn đề liên quan.
“Thất bại là điều không thể tránh khỏi”
Tác giả J.K Rowling của bộ truyện “Harry Potter” đã đưa ra một kết luận nổi tiếng trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Harvard năm 2008: “Không thể sống mà không đối diện với thất bại, trừ phi bạn cẩn thận quá mức, vậy thà không sống còn hơn, cuộc sống như vậy vốn dĩ chính là một thất bại”.
Vì vậy, trước khi rất nhiều nhà doanh nghiệp nổi tiếng trở nên thành công, họ đều gặp phải thất bại. Hơn nữa cho dù là sau khi thành công và nổi tiếng rồi, vẫn sẽ đối mặt với thất bại. Học hỏi kinh nghiệm từ trong thất bại đã trở thành quy tắc cơ bản của khởi nghiệp.
Điểm khác biệt giữa nhà doanh nghiệp bình thường và nhà doanh nghiệp xuất sắc không nằm ở chỗ là đã từng thất bại hay chưa, mà là nằm ở chỗ sau khi thất bại sẽ gục ngã không bò dậy được hay là nhận lấy bài học rồi tiếp tục bước về phía trước. Diễn giả truyền cảm hứng Dennis Waitley từng nói: “Chúng ta nên xem thất bại là người thầy của mình chứ không phải kết thúc bởi thất bại. Thất bại sẽ trì hoãn bước chân tiến về phía trước, nhưng sẽ không đánh bại chúng ta. Nó là chướng ngại vật tạm thời nhưng không phải là không có đường để đi. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, trừ phi chúng ta không nói chuyện, không làm việc, không thành công chuyện gì cả”.
Trong thế giới thay đổi một cách nhanh chóng và không thể biết trước tương lai là rất khó tránh được những rủi ro. Bạn không thể nào tránh được thất bại bằng việc né tránh rủi ro. Cùng lắm mọi sự cố gắng của bạn sẽ thành công cốc và giảm mất tỷ lệ thành công mà thôi.
Ông vua kẹo sôcôla Milton Hershey cũng giống cha mình, cũng từng gặp rất nhiều thất bại trước khi thành công. Nhà sản xuất phim hoạt hình, nhà sản xuất phim và người sáng lập công viên giải trí Walter Disney cũng trải qua một khoảng thời gian gặp nhiều thất bại trước khi đến với thành công. Là một nhà doanh nghiệp xuất sắc, dù có thất bại thì họ vẫn không bỏ cuộc. Họ học hỏi kinh nghiệm từ trong thất bại và cố gắng kiên trì không nản lòng.
Nguyên nhân thất bại bao gồm kế hoạch không đầy đủ hoặc là thực hiện kế hoạch không tốt, không đủ vốn, không biết quản lý nhân viên, khả năng tiếp thị yếu kém, sáng tạo quá chậm, đánh giá thấp sự cạnh tranh khốc liệt, có quá nhiều nhân tố đột biến, hoặc là không rút được kinh nghiệm từ những bài học trước đây.
Bạn có thể thất bại vì không có kế hoạch quá lớn, bạn cũng có thể thất bại vì thiết lập mục tiêu quá cao mà không thể thực thi được. Tóm lại, có vô số nguyên nhân khiến cho bạn thất bại, những cú ngã trong cuộc đời của bạn cũng có nặng có nhẹ.
Trích đoạn dưới đây được trích dẫn trong bài phát biểu “Người đàn ông trong đấu trường” (Man in the Arena) của Theodore Roosevelt (Tổng thống Mỹ đời thứ 26) tại Paris vào tháng 4 năm 1910.
“Vinh quang không thuộc về nhà phê bình, cũng không thuộc về những kẻ thất bại chỉ biết chỉ trích kẻ khác, hoặc những kẻ chỉ huy ra lệnh cho người làm việc chăm chỉ. Vinh quang thuộc về người ở trong đấu trường, trên khuôn mặt của họ dính đầy bụi đất, mồ hôi và vết máu, họ dốc hết sức chiến đấu. Họ cũng sẽ phạm phải sai lầm, cũng sẽ trải qua hết thất bại này đến thất bại khác, bởi vì không có bất cứ một sự cố gắng nào là không trải qua thử thách của thất bại. Tuy nhiên những người cố gắng chiến đấu đó, họ cực kỳ hăng say, họ dồn hết toàn bộ sức lực vào trong sự nghiệp vĩ đại, và cuối cùng giành được thành công như mong đợi. Cho dù gặp phải thất bại, nhưng ít ra đã từng dũng cảm trải nghiệm, tuy thất bại mà vinh quang. Những kẻ thờ ơ và hèn nhát chưa từng trải qua nghi lễ tẩy rửa của chiến thắng và thất bại thì không thể nào so sánh được với họ”.
Sau đây tôi muốn chia sẻ với quý độc giả về hai ví dụ thất bại trong giới doanh nghiệp Bắc Mỹ, cả hai trường hợp này đều xảy ra tại Brazil của Nam Mỹ, cách nhau mấy chục năm. Trường hợp đầu tiên xảy ra trên người của Henry Ford, nhân vật chính của trường hợp thứ hai là Daniel K.Ludwig. Nói theo cách nói của Roosevelt, họ đều từng dũng cảm trải nghiệm.
Thất bại của Henry Ford
Vào thế kỷ trước, Ford là cái tên rất quen thuộc với mọi người, và cho đến tận ngày nay vẫn có thể bắt gặp nó ở mọi nơi. Khi chiếc xe hơi Model T cuối cùng rời khỏi dây chuyền lắp ráp ở Michigan vào năm 1927 (để nhường chỗ cho Model A kế nhiệm), Ford đã bán được 15 triệu xe, trung bình vài trăm USD mỗi chiếc. Thông qua lần đầu tiên việc sản xuất xe hơi giá rẻ với quy mô lớn, Ford đã làm phong phú cuộc sống của rất nhiều người Mỹ, và đồng thời cũng khiến ông trở nên giàu có. Đối với ông mà nói, giải quyết vấn đề luôn thú vị hơn so với việc kiếm tiền. Thông qua giao dịch với doanh nghiệp cao su độc quyền của nước Anh, Ford đã nảy sinh một ý tưởng to lớn hơn.
Ford được biết có rất nhiều cây cao su được trồng tại khu vực Amazon ở Brazil, có thể sản xuất ra mủ cao su dùng trong chế tạo lốp xe hơi, thế là ông đặt mục tiêu vào thành lập sự nghiệp cao su của riêng mình tại đó. Ford tiến hành đàm phán với chính quyền Brazil, cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận vào năm 1927. Theo như thỏa thuận này, ông có được 2,5 triệu mẫu đất dọc bờ sông Tapajos, dòng sông này uốn lượn về phía nam 100 dặm Anh tại thành phố Santarem rồi đổ vào sông Amazon. Đổi lại, Ford phải đưa cho chính phủ 9% lợi nhuận. Ông trùm xe hơi này đã xây dựng một thị trấn hoàn toàn mới tại đây, và đặt tên là “Fordlandia”.
Nói đến ý tưởng to lớn, người công dân thành phố Dearborn này không chỉ thành lập nhà máy cao su ở nơi đất khách cách nhà mình 4.000 dặm Anh, mà ông còn dự tính tạo ra một ngôi làng lý tưởng theo kiểu Utopia, ông muốn dựa trên quan niệm giá trị về miền Trung Tây nước Mỹ của mình để thay đổi một đất nước khác. Điều này chắc chắn là một thách thức rất to lớn về mọi phương diện, về mặt logic, hoàn cảnh, văn hóa và kinh tế.
“Fordlandia” bị bỏ hoang sau 6 năm hoạt động, đương nhiên Ford chỉ đầu tư một khoản tiền nhỏ vào đó. Nguyên nhân là những công nhân người Brazil không thích đồ ăn của Mỹ, và càng không quan tâm đến lệnh cấm uống rượu tại công ty mà Ford đặt ra (thậm chí họ còn uống nhiều hơn khi ở nhà riêng). Cây cao su bị sâu bệnh phá hoại.
Sau khi thị trấn “Fordlandia” đóng cửa, Ford chuyển hoạt động kinh doanh của mình đến khu vực đầu nguồn sông, nhưng chưa được 10 năm đã phải đóng cửa. Vào những năm 1940 của thế kỷ 20, cao su thiên nhiên bị loại bỏ bởi cao su tổng hợp vừa mới được phát minh.
Cháu trai của Ford là Hery II đã bán hết toàn bộ tài sản cho chính phủ Brazil vào năm 1945, nếu tính theo giá đô la Mỹ hiện nay, tổn thất gần 300 triệu USD.
Thất bại của Daniel Ludwig
Daniel Ludwig (1897-1992) cũng là một người gốc Michigan, ông chưa từng gây ra nhiều tranh cãi như Henry Ford, nhưng đó là một điều tốt cho ông. Cả đời ông đều cố tình tránh né ánh mắt của công chúng. Tuy nhiên, dự án tại Brazil của ông vào những năm 1960 và 1970 cũng khiến người ta phải kinh ngạc không thua kém gì Ford.
Hũ vàng đầu tiên mà Ludwig kiếm được là vận chuyển gỗ và mật mía trên vùng Hồ Lớn (Great Lakes). Ông thành lập công ty khi mới 19 tuổi. Trong nửa thế kỷ về sau, ông nắm giữ trong tay các công việc kinh doanh về vận chuyển (trên thực tế, ông đã phát minh ra tàu chở dầu cỡ lớn), khách sạn, bảo hiểm, vườn cam, lọc dầu và chăn nuôi gia súc, ông tạo dựng được một trong những khối tài sản lớn nhất thế giới.
Khi Daniel Ludwig có thể về hưu và sống cuộc sống xa hoa ở tuổi 70, thì ông lại nảy sinh một ý tưởng lớn về Brazil. Ông mua 4 triệu mẫu đất cách “Fordlandia” bị bỏ hoang không xa, và lên kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất giấy. Nhưng bước đầu tiên trong kế hoạch của ông là sáng lập một cộng đồng kiểu mẫu tên là Monte Dourado, và phát triển nông nghiệp tại nơi này, dùng nó để nuôi sống những người công nhân đến làm việc sau này.
Ludwig quyết định thay vì xây dựng nhà máy tại Brazil ngay từ đầu, chi bằng thành lập nhà máy ở Nhật Bản trước rồi sau đó chuyển đến Brazil ở bên kia bờ Đại Dương thì sẽ khả thi hơn, điều này chẳng khác gì thêu hoa trên gấm, chuyện đã tốt lại càng tốt hơn. Ông xây dựng một nhà máy sản xuất giấy tại Nhật Bản, sau đó chia nó ra làm hai bộ phận lớn và chuyển đến Brazil, sau đó lại men theo thượng nguồn sông Amazon đi thêm một trăm dặm Anh.
Có lẽ bạn sẽ nói rằng tôi thiếu tinh thần khởi nghiệp, bởi vì cả đời tôi đều không nghĩ đến một ý tưởng mạo hiểm như vậy. Nhưng trong lòng tôi rất cảm kích, trên đời này có một số người dũng cảm và có tầm nhìn hơn tốt rất nhiều.
Sau khi nhà máy sản xuất giấy được trang bị hoàn tất vào năm 1979, mỗi ngày nhà máy sản xuất ra 750 tấn sợi Cellulose. Cho dù là vậy, nhà máy vẫn bị tổn thất về mặt tổng thể, Ludwig không thể không đem toàn bộ nhà máy bán cho nhà đầu tư ở Brazil vào năm 1918. Trong 10 năm cuối cùng của cuộc đời, Daniel Ludwig vẫn luôn tài trợ cho nghiên cứu bệnh ung thư, và quyên tặng mấy trăm triệu USD.
Chúng ta nên đánh giá ván cược khổng lồ “Fordlandia” và “Monte Dourado” như thế nào? Những người có kiến thức hạn hẹp chắc chắn sẽ nhanh chóng đưa ra lời phê bình. Có thể họ cũng là những người phủ định thám hiểm nơi sâu nhất ở đáy biển và giấc mơ di dân lên sao hỏa. Nhưng điều tôi muốn nói là, khi có người muốn làm một chuyện lớn (đặc biệt là khi anh ta dùng tiền của chính mình), tôi chỉ có khuyến khích, khuyến khích và khuyến khích mà thôi.
Tôi tin chắc rằng Ford và Ludwig đều chưa từng lên kế hoạch cho sự thất bại. Và tôi cũng tin rằng hai người họ đã rất buồn khi nếm trải thất bại, nhưng chắc chắn họ không sợ thất bại. Ford đã từng nói rằng: “Thất bại chỉ là cơ hội để bắt đầu lại, mà lần này sẽ càng sáng suốt hơn”.
Chúng ta không nên sợ hãi thất bại. Chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận bài học ở trong đó. Đừng vì lo lắng ước mơ có thể sẽ thất bại mà không dám đi mạo hiểm. Nếu như con người chỉ vì sợ thất bại mà chùn bước không dám tiến về phía trước, vậy chẳng phải bây giờ chúng ta vẫn còn sống trong hang sao? Khi những vĩ nhân như Ford và Ludwig thực hiện ý tưởng mạo hiểm của mình cũng là đang truyền cảm hứng cho mọi người dám dũng cảm thử sức với những mạo hiểm lớn hoặc nhỏ.
Tôi sẽ không cười nhạo những thất bại giống như hai trường hợp mà tôi chia sẻ trong bài viết này. Mà ngược lại, tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với họ, tôi hy vọng chúng ta có được một nửa dũng cảm giống như họ để thử sức với những sáng tạo mới. Đây là một biểu hiện của tinh thần, không có loại tinh thần này, sự tồn tại của con người sẽ trở nên khô khan nhàm chán và đứng im một chỗ.
Làm bạn với “những kẻ thờ ơ và hèn nhát chưa từng trải qua nghi lễ tẩy rửa của chiến thắng và thất bại”, không phải là một lời khen.
Theo Epoch Times-Châu Yến biên dịch