Chính quyền Nhật Bản đang lên kế hoạch đặt ra luật mới nhằm hạn chế hoạt động mua bán đất của doanh nghiệp nước ngoài tại các vùng có căn cứ quân sự của nước này.
Thỏa thuận mua bán đất
Theo SCMP, việc các công ty nước ngoài mua hàng loạt lô đất gần các khu đất quân sự của Nhật Bản đã khiến Tokyo nghi ngờ và cân nhắc về việc đặt ra quy định đối với việc mua bán đất tại đây.
Cụ thể, trong 10 năm qua, ít nhất 80 khu đất gần căn cứ quân sự của Nhật Bản đã được bán cho công ty Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Một quan chức đề nghị giấu tên cho biết số lượng các giao dịch như vậy đang có xu hướng tăng.
“Chúng tôi đã bắt đầu giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán từ 7 năm trước, nhưng tình hình đã trở nên ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây,” người này nói.
“Chính phủ đang bắt đầu phác thảo chính sách cơ bản về vấn đề này và sẽ sớm được hoàn thiện trước cuối năm nay. Một trong những điều cần thiết nhất là yêu cầu kê khai lí do các công ty nước ngoài mua lại những mảnh đất đó. Luật hiện tại không yêu cầu việc này”.
“Điều đó có nghĩa rằng cho tới nay chúng tôi không biết về mục đích của người mua đất, nhưng chúng tôi tin rằng việc các khu đất ở gần khu vực quân sự nhạy cảm không phải là việc ngẫu nhiên”.
Cuối năm 2016, một doanh nghiệp Trung Quốc đã lên kế hoạch mua 2,4 héc-ta đất ở đảo Taketomi, một trong những hòn đảo ở cực nam thuộc quần đảo Okinawa và chỉ cách đảo Senkaku (hay Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) khoảng 170km. Đây là vùng đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với vùng đảo này. Năm đó, một hội đồng địa phương đã “ra tay” mua lại mảnh đất vào phút chót để khu vực không rơi vào tay chủ sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, ở những vùng khác tình hình không được như vậy.
Một công ty Trung Quốc đã mua lại hơn 8 héc-ta đất chỉ cách Căn cứ Không quân Chitose của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản tại Hokkaido. Thỏa thuận mua bán đã được đưa ra bàn luận tại chính quyền địa phương, tuy nhiên hiện chưa có thông tin về việc mảnh đất này đang được sử dụng cho mục đích gì.
Những vị trí “nguy hiểm”
Năm 2013, một công ty Hàn Quốc đã mua một mảnh đất gần trung tâm radar của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải trên đảo Tsushima, ngoài khơi tỉnh Nagasaki ở miền nam Nhật Bản. Hòn đảo này cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 50 km và vị trí chiến lược của nó từ lâu đã khiến nó trở thành tiền đồn quan trọng của quân đội Nhật Bản.
Vấn đề chưa dừng tại đây. Một số người Hàn Quốc tuyên bố rằng hòn đảo này nên được công nhận là một phần của bán đảo Triều Tiên và kể từ năm 2005, cư dân của thị trấn Masan trên đảo đã tổ chức một lễ hội vào tháng 6 yêu cầu trả lại hòn đảo này cho Hàn Quốc.
Chính thương vụ này đã thu hút sự chú ý của các quan chức Nhật Bản và làm dấy lên nghi ngờ rằng có thể có một động cơ nào đó đằng sau những giao dịch như vậy.
“Chúng tôi không thể trả lời liệu chính phủ Trung Quốc có đứng sau một số thương vụ này hay không vì thường rất khó để xác định việc mua đi bán lại của nhà đầu tư thực sự hoặc tìm ra mối liên hệ với chính phủ vì có thể có nhiều công ty ma tham gia”, quan chức Nhật Bản chia sẻ.
Garren Mulloy, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka và quan chức về lĩnh vực quốc phòng, cho biết chính quyền Nhật Bản có lí do để quan ngại về các thương vụ này.
“Đối với bất kì quốc gia nào trên thế giới, khi có một doanh nghiệp hoặc thực thể nước ngoài mua đất gần căn cứ quân sự của mình, họ đều cần phải cảnh giác,” ông nói.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc thường không cởi mở với việc giám sát và họ thường có liên hệ với chính phủ”.
Theo giáo sư Mulloy, việc mua các mảnh đất gần căn cứ quân sự có khả năng cao là nhằm mục đích quan sát những tín hiệu ở cự li gần”.
Ví dụ, nếu có một máy bay quân sự nước ngoài bay vào không phận Nhật Bản hoặc Triều Tiên phóng tên lửa, hoạt động liên lạc quân sự sẽ tăng đột biến theo cùng với những thông tin tình báo, ví dụ như nguồn gốc thông điệp, phản ứng của Nhật Bản đối với vụ việc.
“Họ [nước ngoài] sẽ theo dõi cách thức giao tiếp và tìm ra các lỗ hổng có thể lợi dụng. Đó là lý do tại sao việc bảo vệ các căn cứ như Hokkaido và Okinawa có ý nghĩa rất quan trọng”.
Theo Tổ Quốc