Gia đình doanh nhân này sở hữu khoảng 20.000 căn nhà mặt tiền ở những khu đất đắc địa, là người giàu thứ tư của đất Sài Gòn.
Khởi nghiệp từ rác, trở thành đại phú gia
Ai là người giàu có nhất Sài Gòn ngày nay, có lẽ cần các con số thống kê để đoán định, chứ cách đây hơn 100 năm, ai cũng biết danh tứ đại hào phú: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Chú Hỏa là tên thân mật của doanh nhân Hứa Bổn Hòa (còn gọi Huỳnh Văn Hoa), người giàu có thứ tư nhưng để lại rất nhiều dấu ấn. Chú Hỏa đã tạo nên sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy, có công rất lớn trong sự hình thành bộ mặt Sài Gòn – Chợ Lớn.
Ông khởi nghiệp với nghề kinh doanh ve chai, nhờ cần cù, chịu khó, biết nhìn xa trông rộng, nhạy bén thương trường, biết nắm bắt thời cơ mà trở thành đại phú gia. Dân gian đồn, trong một lần thu mua ve chai, chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm giấu trong một chiếc ghế nệm cũ; người khác nói chú mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng; người lại nói ông trúng mánh đồ cổ.
Không chỉ nổi danh bởi gia sản kếch xù, ông còn là người thức thời khi cho các con của ông đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… và đều thành đạt, tiếp quản cơ ngơi của cha.
Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “Hui Bon Hoa có nhiều con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc. Nhờ giữ gìn có phương pháp cho nên sự nghiệp Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ thêm mãi, không sứt mẻ mảy may nào.”.
Gia đình ông từng sở hữu cùng khoảng 20.000 căn nhà mặt tiền giữa đất Sài Gòn, trong đó nhiều dinh thự đồ sộ. Ông cũng cho xây hàng loạt các công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền, trường học, chợ… như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, khách sạn Majestic, trường THCS Minh Đức, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Bệnh viện Từ Dũ, chợ Bình Tây, chùa Kỳ Viên, nhiều trụ sở ngân hàng, khu nhà khách chính phủ, khách sạn Palace Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Lời đồn về “hồn ma” tiểu thư nhà họ Hứa
Dinh thự tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính, Quận 1 (nay là Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) là tòa nhà chính, nơi gia đình ông sinh sống. Kết cấu tuyệt vời của tòa dinh thự, đặc biệt là thiết kế 99 cửa sổ vẫn là một đề tài để dân kiến trúc nghiên cứu.
Nhưng dân gian quan tâm hơn cả là những lời đồn liêu trai liên quan đến “hồn ma trinh nữ” được cho là “ám” nơi đây: Con gái duy nhất của chú Hỏa. Những giai thoại ấy phổ biến đến mức, năm 1973, người ta còn làm phim “Con ma nhà họ Hứa” chiếu rộng rãi tại các rạp phim Sài Gòn, thu được số lượng bán vé kỷ lục.
Theo lời đồn đó, ái nữ duy nhất được chú Hỏa hết mực cưng chiều bỗng trở nên khác lạ khi đến tuổi trăng tròn, không còn vẻ tươi tắn xưa. Bỗng một ngày, tiểu thư biến mất bí ẩn, gia nhân không còn thấy cô đâu.
Kỳ lạ thay, từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, người ta nghe thấy những tiếng khóc than ai oán văng vẳng. Không ai dám hỏi ông chủ, cũng không ai được biết cô chủ đã xảy ra cơ sự gì.
Cho đến khi, chú Hỏa đăng cáo phó tin con gái duy nhất do mắc bệnh hiểm nghèo mà ra đi bất đắc kỳ tử. Tất cả bàng hoàng. Bệnh hiểm nghèo ấy là gì thì không ai biết.
Có lời đồn tiểu thư mắc bệnh phong, cơ thể bong tróc xấu xí nên phải giấu đi trong mật thất, chỉ có một khe hở để người hầu đưa cơm.
Rồi bệnh nặng hơn, ăn cụt bàn tay bàn chân khiến cô vừa đau đớn vừa hoảng loạn, gào khóc trong những đêm có trăng…
Người ta chỉ biết, thi hài cô được an táng cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình ở Long Hải (Vũng Tàu). Đó là khi những lời đồn về bóng ma trinh nữ tại dinh thự 99 cửa và dinh thự Long Hải dấy lên mạnh mẽ.
Người ta đồn có hai tên trộm ban đêm đã bí mật đào mộ chôn tiểu thư tìm vàng được táng cùng, nhưng khi bật nắp quan tài lên thì trống rỗng. Người ta cũng đồn, cô gái vẫn qua lại giữa hai ngôi nhà. Có kẻ còn quả quyết đã tận mắt thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa đêm đêm tóc xõa, phất phơ lướt đi trong đêm, bóng vụt qua những cửa sổ để ngỏ…
Thân phận hai dinh thự bị đồn “ma ám”
Đương nhiên, những lời đồn ấy chẳng có căn cứ gì, nhưng gia đình chú Hỏa cũng không đính chính. Người đời sau lại thêm mắm dặm muối, tô vẽ thêm cho giai thoại thêm phần bí ẩn.
Các con trai của ông vẫn sống ở Sài Gòn, cho đến khi qua đời hết vào năm 1951. Thế hệ tiếp sau đã ra nước ngoài định cư, bỏ lại gia sản và cơ nghiệp kếch xù. Nếu như nhiều công trình mang dấu ấn của gia đình chú Hỏa vẫn được sử dụng bình thường, thì số phận hai dinh thự liên quan đến cô tiểu thư yểu mệnh có phần hiu hắt hơn.
Tòa nhà 99 cửa sổ trên đường Phó Đức Chính ngày nay đã trở thành bảo tàng, có người chăm sóc quét tước, làm việc mỗi ngày. Khách tham quan trong và ngoài nước cũng thường ghé qua để xem triển lãm, ngắm các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại đây.
Bảo tàng được giữ gần như nguyên trạng, chỉ chỉnh sửa, cải tạo những chỗ xuống cấp, nhìn chung vẫn toát lên sự sang trọng, ngăn nắp. Hơi người cũng đã đẩy lùi vẻ thâm u của dinh thự, còn giai thoại trong quá khứ chỉ là chuyện để kể cho những ai tò mò về quá khứ.
Ngược lại, lâu đài ở Bà Rịa – Vũng Tàu trên trục đường Dinh Cô sát biển, nơi được cho là chôn cất tiểu thư nhà họ Hứa thì gần như trở thành hoang phế, thâm u suốt vài chục năm. Dinh thự này tọa lạc trên ngọn đồi cây xanh bao phủ có diện tích hơn 6.000m2, kiến trúc rất đẹp nhưng chưa được sử dụng triệt để.
Lần cải tạo cuối được ghi nhận là vào năm 1986, Công ty Du lịch Đồng Nai đổ tiền tu sửa và đổi tên thành Khách sạn Palace. Toà biệt thự được cải tạo thành 18 phòng ngủ, 1 nhà hàng, 1 nhà bếp, 1 sân tennis. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, khách sạn Palace vắng khách, kinh doanh ế ẩm và lại bị bỏ hoang.
Một số YouTuber tò mò đã đột nhập vào đây quay các clip khám phá, nhưng không có bằng chứng nào về “hồn ma” của tiểu thư. Hiện tại, người ở gần vẫn trông nom dinh thự, ngăn không cho kẻ xấu vào tụ tập hay phá hoại tòa nhà đặc biệt này.
Dù sao thì, “con ma nhà họ Hứa” vẫn chỉ là một giai thoại đô thị mà không có ai kiểm chứng được. Chuyện về nàng tiểu thư mất tích rồi qua đời bí ẩn, có lẽ chỉ những người trong gia đình mới hay.
Theo Pháp luật và Bạn đọc