Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Năm 2023, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế kéo theo “mùa đông gọi vốn” trên toàn cầu, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn có những bước phát triển hết sức tích cực. Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu 2023 cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia và là 1 trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang tăng lên tại Việt Nam.
Định giá “startup” tại Việt Nam đang rất tốt so với nước ngoài
Có nhiều yếu tố làm nên thành công này, theo ông Nguyễn Minh Phúc (Giám đốc điều hành Emakase) bao gồm nhà sáng lập, mô hình kinh doanh, cộng đồng cũng như vai trò hỗ trợ nguồn lực của các cơ quan nhà nước, khối tư nhân tập đoàn, hỗ trợ về chuyên môn như các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Được biết, Emakase là một công ty tư vấn kinh doanh và đổi mới sáng tạo, hiện là đơn vị tổ chức ươm tạo khởi nghiệp cho hơn 30 startup ở khu vực châu Á.
Ngoài ra, mức độ “too fast too furious” (quá nhanh quá nguy hiểm) của các thị trường đã trưởng thành khiến nhà đầu tư phải chọn thị trường thay thế, trong đó có Việt Nam.
Hiện, theo Emakase, định giá “startup” tại Việt Nam đang rất tốt so với nước ngoài. Ở nước ngoài, một công ty khởi nghiệp vừa ra đời, làm xong sản phẩm đã có thể định giá mười mấy triệu USD và gọi vốn khoảng 1-3 triệu USD. Việt Nam ít trường hợp như thế, nên định giá ở Việt Nam đang ở mức hợp lý với nhà đầu tư.
Việt Nam hiện đang ở giai đoạn thứ 2 của phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng vẫn đi sau nhiều nước như Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật bản.
Dưới góc nhìn của mình, Emakase chỉ ra 2 giai đoạn chính của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam như sau:
Giai đoạn kích hoạt (Activation): cũng là thuở sơ khai của hệ sinh thái, có những doanh nghiệp như VNG, FPT… Thực ra thời điểm đó, chưa có thuật ngữ “khởi nghiệp”, “startup” dành cho họ mà chỉ đơn giản là làm kinh doanh công nghệ và đã thành công đến hiện tại.
Sau đó, dần dần khái niệm khởi nghiệp được hình thành và nổi lên, nhà nhà người người bàn về khởi nghiệp. Thậm chí, nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ra đời.
Giai đoạn kết nối ra thế giới (Globalization ): mọi thứ bắt đầu đi vào quy chuẩn, khởi nghiệp không còn là phong trào chung mà lúc này “ai sẽ về nhà nấy, tập trung vào chuyên môn của mình”. Ông Phúc nói thêm, phải đến giai đoạn này thì các quỹ đầu tư nội địa như VIISA, Think Zone, Do Venture… mới ra mặt, tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh cho khởi nghiệp. Và từ đó tạo nên nền tảng cho những sự kết nối từ hai phía giữa hệ sinh thái trong nước và các nguồn lực quốc tế.
“Tôi nghĩ từ năm 2019 đến nay thì hệ sinh thái đang ở giai đoạn đã hình thành và đang phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đi sau nhiều nước khác như Indonesia, Singapore, cũng như các quốc gia ngoài khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật bản. Còn so với Tây Âu, thì thị trường khởi nghiệp Việt Nam còn khá sơ khai, đi sau họ vài giai đoạn” , ông Phúc nhận xét.
Theo Emakase, thống kê nửa đầu năm 2023, có một xu hướng đáng chú ý: nếu các quỹ đầu tư ngày xưa đặt tiêu chí tăng trưởng về số người dùng, thị phần, nhận diện thương hiệu… thì nay họ thiên về những chỉ số trọng yếu hơn. Có thể hiểu, họ chỉ “say yes” với những công ty mà mỗi một đồng tiền bỏ ra đều mang lại giá trị.
Mặt khác, về tính thiết thực của sản phẩm, các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn về việc các “startup” thực sự có thể giải quyết vấn đề của xã hội không?; thay vì chọn “startup” có mô hình mới lạ, hấp dẫn.
Ví dụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… là những thứ thị trường đang rất cần. Các công ty khởi nghiệp trong mảng này có thể tiềm năng tăng trưởng không nhanh, nhưng họ đáp ứng được nhu cầu thị trường và thu hút được khách hàng. Đó mới là điều quan trọng.
“Không có nhiều nhà sáng lập Việt giỏi trong xây dựng và quản lý đội ngũ ”
Cùng với đó, năng lực quản trị là cái quan trọng trong mắt quỹ đầu tư, nhưng lại không được các nhà sáng lập Việt Nam đánh giá cao. Có 3 năng lực quản trị mà các “founder” cần tập trung, theo ông Phúc:
Một , năng lực khảo sát để thấu hiểu khách hàng, từ đó xác định “nỗi đau” của họ. Sau 7 năm hỗ trợ khởi nghiệp, Emakase nhận ra rằng rất nhiều “startup” Việt Nam không chú trọng điều này, dẫn đến thiếu cơ sở cho việc xác định vấn đề cần giải quyết.
Hai , kiến thức về quản trị tài chính. Thông thường, nhà sáng lập có xuất phát điểm là công nghệ hay nghiên cứu thường thiếu kiến thức về tài chính, nên có thể gặp khó trong việc quản lý dòng tiền, tính toán số tiền gọi vốn cũng như cách sử dụng vốn hiệu quả.
Ba , năng lực quản trị đội ngũ. Đặc biệt, khi tổ chức tăng trưởng nhưng năng lực đội ngũ không đi lên thì không thể đáp ứng được. Điều quan trọng là phải biết truyền tải và giúp đội ngũ thấm nhuần tư duy không ngừng phát triển bản thân.
Bên cạnh đó, việc xây một đội ngũ vừa gắn bó vừa thử thách, tạo động lực để mang lại hiệu quả là bài toán khó với bất kỳ lãnh đạo nào.
“Hiện, không có nhiều nhà sáng lập Việt giỏi trong xây dựng và quản lý đội ngũ ”, vị này phân trần. Lý do là các nhà sáng lập không nhận thức được sự thiếu hụt trong quản trị đội ngũ, đôi khi thậm chí không biết là việc này cần có kỹ năng và cần có một phương pháp, từ đó họ không đặt sự quan tâm cần thiết trong khâu này.
Theo Tri Túc–Theo Nhịp sống thị trường