Vào những năm 90, các nhà sản xuất Trung Quốc coi mình chỉ là những nhà cung cấp cấp thấp trong chuỗi giá trị. Nhưng giờ đây, họ đã vươn lên vị trí dẫn đầu.
Thấy cơ hội giữa khó khăn
Doanh số bán hàng của Yiheng Battery bị đình trệ vào mùa thu năm 2022. Công ty có trụ sở tại thành phố Nghĩa Ô, phía đông Trung Quốc, đã kinh doanh ổn định trong 30 năm khi bán loại pin cúc áo – thường sử dụng trong đồng hồ và các thiết bị điện tử cỡ nhỏ – cho khách hàng tại nhà máy và trên nền tảng mua sắm 1688.
Nhưng đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề. “Nền kinh tế suy yếu và mọi người không chi tiêu”, Huang Qianqian, người có cha mẹ sở hữu nhà máy, nói với Rest of World. Tháng 10 năm đó, Huang, 28 tuổi, nghỉ việc tại một công ty công nghệ để giúp đỡ sự nghiệp kinh doanh gia đình.
Sau đó, bạn bè Huang nói với cô về một nền tảng thương mại điện tử mới tên Temu, vừa ra mắt ở Mỹ. Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings, công ty cũng sở hữu Pinduoduo, ứng dụng mua sắm trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc vì giá rẻ và có nhiều trò chơi. Temu cũng sử dụng chiến thuật tương tự nhưng nhắm vào khách hàng Mỹ.
Huang đã thuyết phục bố mẹ thử chuyển sang Temu. Cô lý luận, đó có thể là cơ hội để đưa hoạt động kinh doanh ra quốc tế.
“Rất nhiều chủ nhà máy thế hệ thứ hai như tôi sẽ tìm cách đột phá khi họ bắt đầu tiếp quản công việc kinh doanh gia đình. Có vẻ như sự ra mắt của Temu là đúng thời điểm”, cô kỳ vọng. Yiheng Battery sau đó tham gia nền tảng vào tháng 12 cùng năm.
Temu gây xôn xao ở Nghĩa Ô, nơi nổi tiếng với những khu chợ bán buôn rộng lớn. “Mỗi khi có nền tảng nổi lên, số lượng lớn các nhà cung cấp cũng trở nên giàu có ở Nghĩa Ô”, Huang cho biết. “Trước đây là Amazon, Taobao và sau đó là Pinduoduo. Gần đây có rất nhiều người muốn lên con thuyền Temu”.
Trung Quốc được ví như “công xưởng của thế giới” trong nhiều thập kỷ, với hàng hóa sản xuất tại nước này đến tay người tiêu dùng toàn cầu thông qua các thương hiệu, cửa hàng hoặc trang web nước ngoài như Amazon.
Quốc gia tỷ dân cũng có nền thương mại điện tử trong nước sôi động, với các công ty như Alibaba và JD.com đang phát triển thành những gã khổng lồ.
Nhưng gần đây, các nền tảng mua sắm thuộc sở hữu của Trung Quốc đã bắt đầu nhìn ra ngoài biên giới. Temu nắm tay nền tảng thời trang siêu nhanh Shein và tính năng mua sắm TikTok Shop của TikTok hướng đến kỷ nguyên toàn cầu mới cho thương mại điện tử Trung Quốc.
Vươn ra nước ngoài
Yao Kaifei, người sáng lập công ty khởi nghiệp thương mại điện tử BrandAI, nói rằng lĩnh vực thương mại điện tử của đất nước đang khao khát “chuhai”, dịch ra có nghĩa là “làm ăn lớn ở nước ngoài”.
Người bán và nền tảng muốn rũ bỏ danh tiếng hàng giá rẻ “sản xuất tại Trung Quốc” để tạo dựng tên tuổi bằng việc xuất khẩu toàn bộ thương hiệu và mô hình kinh doanh.
“Vào những năm 90, các nhà sản xuất Trung Quốc coi mình chỉ là những nhà cung cấp cấp thấp trong chuỗi giá trị. Nhưng các kênh bán hàng mới giúp họ tiếp cận người tiêu dùng ở hầu hết mọi nơi, khơi dậy khát vọng toàn cầu. Điều mà người bán hàng Trung Quốc từng không thể tưởng tượng được giờ đã nằm trong tay”, Yao nói.
Lin Zhang, phó giáo sư tại Đại học New Hampshire, người nghiên cứu về thương mại điện tử, nói rằng sự bão hòa của thị trường nội địa đã thúc đẩy sự quan tâm đến việc tiếp cận thị trường quốc tế.
“Họ có tiền. Họ có kinh nghiệm. Họ biết có một khoảng trống trên thị trường quốc tế”, Zhang nói. “Và ở trong nước thì rất khó khăn. Vậy chẳng có lý do gì chúng ta không đi ra nước ngoài”.
Shein là nền tảng đi đầu trong tham vọng “chuhai”. Được thành lập vào năm 2008 tại Nam Kinh, ngay từ đầu công ty đã hướng tới khách hàng quốc tế.
Doanh số bán hàng đã tăng lên trong suốt những năm 2010, nhưng phải đến đại dịch, Shein mới thực sự thành xu hướng. Chiến lược truyền thông xã hội của công ty phổ biến các video #sheinhaul, trong đó người sáng tạo thử hơn 100 mặt hàng cùng một lúc.
Doanh số toàn cầu của ứng dụng đã tăng từ mức 4 tỷ USD vào năm 2019 lên 23 tỷ USD vào năm 2022.
Theo Juozas Kaziukėnas, người sáng lập công ty phân tích thương mại điện tử Marketplace Pulse, điểm mạnh của Shein là khả năng cung cấp hàng nghìn mặt hàng mới mỗi ngày.
Nền tảng điều hành một chuỗi cung ứng linh hoạt lấy nguồn từ mạng lưới các nhà máy may mặc quy mô lớn của Trung Quốc và nhanh chóng điều chỉnh theo tâm lý khách hàng.
Đối với khách hàng, điểm thu hút chính là mức giá thấp của Shein. Theo một phân tích, giá các sản phẩm thời trang dành cho nữ của Shein rẻ hơn trung bình từ 39% đến 60% so với giá của H&M.
Giá rẻ luôn thắng
Khi Temu ra mắt vào tháng 9/2022, nền tảng cũng tạo nên sức hút với mức giá thấp.
“Trên toàn cầu, nền kinh tế đang suy thoái, vì vậy nhiều người tiêu dùng cũng chi tiêu ít hơn trên các nền tảng. Khi có nền tảng thương mại điện tử giá rẻ đột ngột xuất hiện, rõ ràng là họ sẽ thích nó”, Sharon Gai, cựu giám đốc khách hàng toàn cầu tại Alibaba đưa ra quan điểm.
Giống như ứng dụng anh em Pinduoduo ở Trung Quốc, Temu cũng đưa game vào trải nghiệm mua sắm. Khách truy cập vào nền tảng có thể chơi trò chơi nông trại ảo hoặc cho cá ảo ăn để giành vật phẩm miễn phí, kèm theo nhiều ưu đãi nếu tiếp tục quay lại hoặc mời bạn bè.
“Tôi bị nghiện game”, nhân viên chăm sóc 24 tuổi Maddie Young, nói với Rest of World.
Cô kiếm được những món quà miễn phí như ba lô kỳ lân và máy pha cà phê bằng cách chơi trò chơi của Temu và mua quần áo cho ba đứa con. “Temu và Amazon rất giống nhau, họ bán một số thứ giống hệt nhau”, cô nói. “Nhưng Temu rẻ hơn và được miễn phí vận chuyển.”
Tại Nghĩa Ô, những nỗ lực của Huang trong việc chuyển dịch công việc kinh doanh gia đình sang Temu đã mang lại khoảng 100 đơn đặt hàng mỗi ngày, mặc dù cô cho biết kiếm được rất ít lợi nhuận từ nền tảng.
Dù thế nào đi nữa, cô đã chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh tiếp theo: bán sản phẩm dành cho thú cưng trên TikTok Shop.
“Tôi nghe nói một nhóm gồm hai đến ba người điều hành TikTok Shop có thể dễ dàng kiếm được hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm”, Huang kỳ vọng.
Theo Mạnh Kiên-Theo Đời sống pháp luật