Lịch sử nhân loại đã chứng minh, những nhân vật được lưu danh thiên cổ đều là những người có khí tiết, chính khí mạnh mẽ. Họ đã viết nên một khúc ca kinh thiên động địa, đứng sừng sững hiên ngang giữa đất trời.
Người có khí tiết, được mọi người tôn trọng
Trong khái niệm làm người mà Thần truyền lại, khí tiết là một phần vô cùng quan trọng, nó bắt nguồn từ chính khí trời đất và được duy trì dựa vào lòng tin của con người.
Mấy ngàn năm nay, nhờ vào chính khí và niềm tin này, mà các chí sĩ đầy lòng nhân ái đã mài giũa phẩm cách và tiết tháo của mình, viết nên một khúc ca kinh thiên động địa, quỷ thần gào khóc khiếp sợ, họ đứng sừng sững hiên ngang giữa đất trời.
Lật lại lịch sử, ở thời Chiến Quốc khi đạo đức xã hội bắt đầu xuống cấp, lúc đó Tề Tuyên Vương muốn dùng vũ lực để chinh phục thiên hạ, Mạnh Tử đã từng khuyên:
“Ngài muốn dùng vũ lực để chinh phục thiên hạ, chẳng khác nào ‘leo cây bắt cá’, không chỉ tốn công vô ích mà còn rơi vào họa diệt thân. Chỉ có những người giàu lòng nhân ái mới là vô địch thiên hạ!”.
Mạnh Tử là người khởi xướng cho lòng nhân ái, trong mối quan hệ giữa các vương công chư hầu ông đều giữ thái độ chừng mực, không nhún nhường không tự kiêu, thể hiện một khí tiết cao độ.
Khi được hỏi vì sao ông lại có dũng khí và sự gan dạ như vậy, Mạnh Tử trả lời: “Họ dựa vào sự giàu có, thì ta dựa vào lòng nhân từ; họ cậy có chức tước, thì ta cậy có điều nhân nghĩa, ta đâu có gì phải khổ thẹn”.
Tác phẩm “Chính khí ca” của Văn Thiên Trường thời Nam Tống viết: “Trời đất có chính khí; Toả ra cho muôn loài; Là sông núi dưới đất; Là trăng sao trên trời; Đầy rẫy cả vũ trụ; Khí hạo nhiên của người; Gặp cảnh đời bình trị; Triều thịnh vang lời vui; Khi cùng, tiết tháo rõ; Sử xanh ghi đời đời”.
Những câu thơ nổi tiếng này đã từng khích lệ không biết bao nhiêu chí sĩ, tại những thời khắc gặp phải những lựa chọn khó khăn trong cuộc đời, họ vẫn giữ gìn được sự tôn nghiêm của việc làm người, và cũng không hề mất đi khí độ cần có.
Sứ giả Tô Vũ triều Hán, để bảo vệ khí tiết của dân tộc, qua mười chín năm chịu đủ mọi đày đọa, khổ cực và không màng tới sống chết, cuối cùng cũng cảm động được trời đất. Cho tới khi tóc ông bạc trắng mới được trở về quê hương, trở thành một giai thoại được truyền tụng trong lịch sử.
Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống, làm quan thanh liêm, dám mạo phạm cả bề trên, thẳng thắn khuyên răn. Mặc dù nhiều lần bị giáng chức, vẫn một mực xin tha mạng cho dân, lòng yêu nước thương dân từ đầu đến cuối vẫn không đổi thay.
Trong “Nhạc Dương lâu ký” ông đã trình bày rất sâu sắc về đạo làm quan, làm người của mình: “Không lấy cái ngoại vật làm vui, không lấy cái nội tâm làm buồn. Khi giữ chức vụ cao trong chính quyền thì lo cho dân, khi không ở trong chính quyền thì vẫn lo cho nước”.
Nhìn lại từ xưa đến nay, các triều đại lịch sử không thiếu những người có khí phách, họ được lưu mãi trong sử sách, được hậu nhân hoài niệm và ngưỡng mộ.
Theo một ý nghĩa cụ thể mà nói, bộ sách phong phú khổng lồ “Nhị thập tứ sử”, chính là một liệt truyện được viết nên từ khí tiết và niềm tin “Giàu sang mà không dâm, nghèo hèn mà không đổi, uy vũ không khuất phục được”.
Đào Uyên Minh không vì năm đấu gạo mà phải cúi mình; cha con Nhạc Phi vô cùng trung thành báo quốc… Họ không chỉ là nhân tài kiệt xuất, mà còn là xương sống của dân tộc, rường cột của nước nhà, và hơn hết là hình mẫu để thế hệ sau noi theo.
Không có chính khí, cả đời ô danh
Tuy nhiên, thời đại ngày nay, mọi người chỉ coi trọng vật chất, đạo đức lễ tiết ngày càng suy đồi. Rất nhiều người đã mất đi chính khí và niềm tin, sa vào vòng nô lệ của danh lợi dục vọng, căn bản không biết mình là ai, thiện ác bất phân, trắng đen đảo lộn, dùng người không màng đến tài đức mà chỉ ưu tiên con cháu người thân, làm gì có chút khí tiết nào?
Di sản văn hóa quý giá mà tổ tiên lưu lại cho chúng ta sớm đã bị tẩy sạch, dường như không còn lưu lại vết tích nào. Chỉ cần ai đó bàn về truyền thống và giá trị trực quan, là mọi người cười chê, họ còn hùng hổ tuyên bố rằng: “Giờ là thời đại nào rồi còn nói những chuyện này, đúng là cổ lỗ sĩ, lạc hậu! Quá lạc hậu!”.
Không ngờ rằng, họ mới là những người nực cười và đáng thương. Những thứ được gọi là văn hóa nhưng chỉ mang lại kích thích cảm quan, hay chọc cười; trong tư tưởng của người bại hoại, nó có thể khiến con người thêm độc ác, dẫn dắt con người vào căn bệnh diệt thân.
Con người, một khi bị những tư tưởng biến dị chi phối, chính khí cũng sẽ biến mất chỉ còn lại dục vọng cá nhân và lòng tham, chuyện gì cũng lấy cái “tôi” là trung tâm. Tính mạng của người khác, lợi ích của xã hội, sự sinh tồn của dân tộc hoàn toàn bị xóa sạch.
Thử nghĩ mà xem, một người mà không có chính khí, làm sao có được tấm lòng lương thiện? Vì chút lợi ích cỏn con, không màng tôn nghiêm đi làm con trai của kẻ khác, giống như một chú chó phủ phục dưới chân người ta, quẫy đuôi xin rủ lòng thương, gọi những người ngang tuổi con cháu mình là ông nội, cả đời nhục nhã vô cùng!
Trong hoàn cảnh tồi tệ này, chúng ta về lý mà nói phải giữ gìn khí tiết và chính niệm làm người, không khuất phục trước bất kỳ sự uy hiếp hay đe dọa nào. Cho dù mất đi thân xác này, cũng phải làm cho chân lý được lan tỏa.
Ra sức cứu vớt những người đang đứng bên bờ vực nguy hiểm, cố gắng vực dậy văn hóa truyền thống, đồng thời phải một mực bảo vệ chính nghĩa trong nhân gian, giúp nhiều người trở thành những sinh mệnh được Thần Phật phù hộ, khiến cho tinh túy văn hóa trường tồn mãi với thời gian, chính khí trời đất chấn động thiên hạ.
Tuệ Tâm biên dịch