Chúng tôi đang nói đến bản án dân sự phúc thẩm số 48/2020/DS-PT ngày 16/01/2020 của Tòa án nhân dân TP.HCM mà nội dung chính là bảo vệ quyền “ăn mảnh” của mẹ chồng đối với toàn bộ đất có trong sổ đỏ HỘ 5 người, con dâu và cháu nội “trắng tay”.
Hộ 5 người và quy định của pháp luật.
Bà Lê Ngọc Hương (SN: 1959, ngụ 717 đường An Dương Vương, P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP.HCM) về làm dâu cụ Nguyễn Thị Đầm vào năm 1984 với công việc chính là một mình còng lưng với gần 2 ha đất tập đoàn giao, bởi mẹ chồng già yếu còn chồng là công nhân lái xe cho nhà nước. Sau 10 năm cày cuốc, 1995, số đất này được nhà nước cấp sổ đỏ cho “Hộ Nguyễn Thị Đầm” với 5 nhân khẩu. Gồm: Cụ Đầm, vợ chồng bà Hương và 2 đứa con chung. Nhiều năm tiếp theo, bất chấp đây là sổ đỏ của hộ 5 người, mẹ con cụ Đầm đã bằng một cách nào đó, qua mặt mẹ con bà Hương, chuyển nhượng hơn ¾ diện tích đất kể trên cho nhiều người khác (Xin được nhấn mạnh là ba phần tư). Thậm chí, khi chỉ còn hơn 4.600 m2 còn lại, họ lại tiếp tục cấu kết với UBND Quận Bình Tân tìm cách chiếm đoạt tất cả. Và thật đáng buồn, cả 2 bản án dân sự sơ thẩm số 450/DS-ST ngày 28/8/2019 của Tòa án Bình Tân và bản án dân sự phúc thẩm số 48/2020/DS-PT ngày 16/01/2020 của Tòa án nhân dân TP.HCM lại ủng hộ cho những việc làm vi phạm pháp luật kể trên, bất chấp quyền lợi chính đáng và hợp pháp của 3 mẹ con bà Lê Ngọc Hương.
Chắc chắn bạn đọc sẽ hỏi, cơ sở nào để quy kết những việc làm kể trên là vi phạm pháp luật?
Thứ nhất, Khoản 29, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 ghi rất rõ: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.” Nghĩa là, những người có tên trong cuốn sổ đỏ Hộ gia đình có mọi quyền và nghĩa vụ như nhau về diện tích đất ghi trong sổ.
Thứ hai, Khoản 1, Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Khoản 2 nhấn mạnh: ”Việc chiến hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận”.
Rõ ràng, với những điều khoản quy định của pháp luật rõ ràng như vậy, 3 mẹ con bà Hương, những người có tên trong “Hộ Nguyễn Thị Đầm” có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với toàn bộ số đất có trong sổ đỏ kể trên như 2 người còn lại. Do vậy, việc mẹ con cụ Đầm trong nhiều năm qua tự ý tách thửa, chuyển nhượng đất đai cho nhiều người, không cần quan tâm tới ý kiến của mẹ con bà Hương, bất chấp quyền lợi hợp pháp của mẹ con bà Hương là hoàn toàn sai trái.
Vậy, Tòa và Viện cấp cao bảo vệ việc làm sai trái này như thế nào?
Chờ đợi hơn một năm trời sau khi gửi đơn xin kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tới cả Tòa và Viện cấp cao tại TP.HCM không thấy trả lời, bà Hương gửi đơn khẩn cầu tới Phó chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu xin giúp đỡ. Sau khi xem xét, đơn được Phó chủ tịch chuyển cho Ủy ban Tư pháp Quốc Hội. Và ngày 9/3/2021, Phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Mạnh Cường có văn bản gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao “đề nghị xem xét, chỉ đạo giải quyết…, trả lời bà Hương, đồng thời thông báo kết quả giả quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội”. Những năm sau đó, cũng có vài lần, giữa Ủy ban Tư pháp và Tòa án tối cao cũng có công văn trao đổi qua lại liên quan tới việc thúc đẩy xử lý vụ việc của bà Hương. Rõ ràng, ngay từ đầu, vụ xin kháng nghị này đã có sự quan tâm sâu sát từ cấp cao nhất và cơ quan lập pháp.
Mặc những điều như vừa dẫn, chỉ hơn 20 ngày sau khi có công văn của Ủy ban tư pháp gửi Viện trưởng Viện tối cao, nghĩa là nếu tính thêm độ trễ của con đường công văn giấy tờ, Viện tối cao chưa kịp ra chỉ đạo gì thì Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã đi trước một bước. Ngày 05/4/2021, Viện này ra Thông báo về việc không kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, để bảo vệ cho quan điểm của mình, Thông báo chỉ tập trung vào “đào xới” lịch sử khu đất cũng như giải trình của UBND Quận Bình Tân về nguồn gốc đất mà bỏ qua những quy định của pháp luật như chúng tôi vừa dẫn ở trên. Trớ trêu hơn, để bảo vệ cho việc cụ Đầm tự tung tự tác trong việc sang nhượng đất chung cho nhiều người, Qúy Viện cho rằng: “ Xét thấy, bà Đầm là thành viên trong hộ gia đình được cấp đất nên được quyền định đoạt đối với phần đất này”. Nhưng với 3 mẹ con bà Hương, những người cũng có tên trong hộ gia đình được cấp đất, cũng có quyền sử dụng đất chung thì Qúy Viện phớt lờ.
Cũng phải thẳng thắn để thừa nhận rằng trước năm 1975 gia đình cụ Đầm đã từng canh tác trên mảnh đất này. Tuy nhiên, theo chính sách đất đai mà Đảng và nhà nước đã quy định, sau giải phóng đất này đã thuộc về hợp tác xã và bà Hương là một thành viên của hợp tác xã đó. Sau hơn 10 năm một mình cày cuốc trên mảnh đất này, năm 1995, vợ chồng bà Hương, 2 người con mới có tên trong sổ đỏ “Hộ Nguyễn Thị Đầm”. Việc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. HCM phớt lờ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mẹ con bà Hương trong “Hộ Nguyễn Thị Đầm” không chỉ vi phạm pháp luật như đã dẫn ở trên mà còn vi phạm đạo đức làm người khi bỏ qua quyền lợi của những nông dân hàng chục năm một mình còng lưng với đất.
Về phần Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM, bởi có lẽ thấy được những công văn qua lại giữa Ủy ban tư pháp và Tòa tối cao và không muốn ngược dòng với Viện cấp cao nên…lung túng rồi… im lặng. Và rồi, có lẽ không im mãi được, ngày 15/5/2023 Tòa ban hành PHIẾU CHUYỂN. Chúng tôi không biết phiếu chuyển loại này có trong quy định của Tòa hay không nhưng, điều ngạc nhiên đầu tiên là phần cuối phiếu chuyển này ghi “Nơi nhận: Như trên” nhưng phần trên thì không ghi ai cả. Điều thứ hai không chỉ là ngạc nhiên nữa mà là vô cùng ngạc nhiên khi PHIẾU này ghị:” Đơn của bà Lê Ngọc Hương không thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDCC tại TP.HCM” bởi Tòa “đã xếp đơn theo Công văn số 84 ngày 27/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM để Viện KSNDCC giải quyết theo luật định”.
Không có luật định nào như thế cả. Bất kỳ ai có chút am hiểu về luật pháp đều biết rằng TÒA và VIỆN có quyền và trách nhiệm ngang nhau trong việc xem xét kháng nghị. Việc TÒA cho rằng “không thuộc thẩm quyền” là chối bỏ trách nhiệm trước quyền lợi bị xâm phạm của công dân. Tất nhiên các thẩm phán dạn dày kinh nghiệp của Tòa cấp cao biết rõ những điều này nhưng có lẽ vì một điều “thâm sâu” nào đó, họ đã buộc phải làm như vậy chăng?
Không chấp nhận Phiếu chuyển vô lối kể trên, bà Hương tiếp tục khiếu nại khắp nơi. Để rồi ngày 18/9/2023 Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM buộc phải lộ diện, ban hành thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Hương mà nội dung cũng chẳng khác gì thông báo không kháng nghị của Viện cấp cao. Trong đó Qúy Tòa cố tình viện dẫn ý kiến của đại diện UBND Quận Bình Tân rằng chỉ vì có nguồn gốc đất xa xưa nên dù quá hạn mức nhưng Hộ bà Đầm vẫn được cấp sổ với diện tích lớn. Thế nhưng họ đã cố tình bỏ qua rằng, nhờ có thêm 3 nhân khẩu là 3 mẹ con bà Hương để hộ có 5 người mới dễ dàng vượt qua hạn mức. Và cũng như Viện cấp cao, Tòa cấp cao dẫn ra cuốn đỏ được UBND Quận Bình Tân cấp cho hộ Nguyễn Thị Đầm vào năm 2013 với chỉ 2 thành viên là mẹ con cụ Đầm để dễ dàng gạt bỏ quyền lợi của mẹ con bà Hương. Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất (nếu như không muốn nói là cố tình lớn nhất) của cả Tòa và Viện cấp cao.
Là những người cầm cân nảy mực ở tầm độ cấp cao về luật pháp, họ thừa hiểu không có bất kỳ một điều khoản pháp luật nào cho phép UBND Quận Bình Tân loại 3 mẹ con bà Lê Ngọc Hương ra khỏi cuốn sổ đỏ “Hộ Nguyễn Thị Đầm” để cuối cùng chỉ còn lại 2 người. Và là những người “nhân danh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, họ có đủ CÁI TÂM LÀM NGƯỜI để biết rằng việc gạt bỏ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của 3 con người trong khối tài sản chung của 5 người là trái đạo. Vậy, điều gì để buộc họ làm như vậy? Và điều gì đằng sau sự bảo vệ vô lối đến bất chấp của Tòa án nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. HCM đối với một bản án của Tòa án nhân dân TP.HCM?
Câu hỏi này xin được nhường lại cho Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao
PV