Nhiều người bất ngờ trước hành động của anh bạn.
Một buổi tối cuối tuần, tại một nhà hàng nổi tiếng ở Bắc Kinh, lớp Đại học Kinh tế khóa 2006 tụ họp sau hơn 10 năm ra trường. Ai cũng ăn mặc bảnh bao, trò chuyện rôm rả về công việc, cuộc sống, con cái. Bữa tiệc mang đậm không khí hội ngộ, người thì khoe mua nhà Bắc Kinh, người khoe con học trường quốc tế, người lại vừa được bổ nhiệm chức vụ lớn.
Người tạo bất ngờ lớn nhất hôm đó lại là Lưu Vĩ – một người từng học không nổi bật, ra trường lặng lẽ, chẳng ai rõ tung tích anh ta làm gì, ở đâu. Vậy mà hôm nay, Lưu Vĩ xuất hiện gọn gàng, lịch thiệp, nói năng điềm đạm. Anh ngồi yên lặng phần lớn thời gian, chỉ mỉm cười lắng nghe câu chuyện của bạn bè.
Sau bữa ăn, khi bàn tiệc vẫn còn đầy những món ăn chưa đụng đến, Lưu Vĩ nhẹ nhàng gọi nhân viên phục vụ lại, yêu cầu gói đồ ăn thừa vào hộp. Hành động ấy khiến cả bàn tiệc khựng lại vài giây, rồi bật cười.
Một người bạn tên Trần Dương buông lời trêu: “Lưu Vĩ, dạo này khó khăn lắm à? Mấy hộp đồ ăn thừa mà cũng tiếc sao?”
Một người khác xen vào: “Hay là bây giờ cậu làm nghề giao hàng, tiện mang về ăn luôn?”.

Tiếng cười rộ lên, vài người nhìn nhau, lắc đầu tỏ vẻ thương hại. Nhưng Lưu Vĩ không phản ứng, cũng không giải thích. Anh chỉ nhẹ nhàng mỉm cười: “Là đồ ăn sạch, bỏ thì phí”.
Bữa tiệc kết thúc, mọi người lần lượt ra về. Lưu Vĩ cầm túi đồ ăn ra trước. Khi bước tới cửa nhà hàng, anh dừng lại, tiến tới một người đàn ông trung niên đang ngồi nép bên bức tường, quần áo rách nát, tay ôm bụng đói.
Anh nói: “Bác ơi, đây là đồ ăn còn mới, cháu vừa xin nhà hàng gói lại. Bác ăn cho ấm bụng nhé!”
Người đàn ông ngước nhìn anh với ánh mắt biết ơn, rưng rưng nước mắt. Lúc đó, cả nhóm bạn học vừa ra tới cửa, chứng kiến cảnh tượng ấy – ai nấy im bặt.
Chưa kịp phản ứng gì thêm, một chiếc Mercedes đen bóng lao tới. Tài xế nhanh chóng xuống xe, cung kính mở cửa cho Lưu Vĩ: “Tổng giám đốc, xe đã đến”
Lưu Vĩ gật đầu, quay lại chào mọi người: “Tớ về trước nhé, có cuộc họp lúc 9 giờ”.
Cả nhóm đứng chết sững. Một người thì thào: “Tổng giám đốc…?”
Trần Dương – người vừa trêu chọc lúc nãy – hỏi lại: “Cậu làm ở đâu thế?”
Lưu Vĩ chỉ nhẹ nhàng đáp: “Tớ mở một công ty logistic, cũng may là ổn định”.
Không ai nói thêm gì. Trong đầu họ vang lên chỉ một điều: Hóa ra người họ cho là nghèo nhất, lại là người thành công nhất. Hóa ra, người đi gói đồ ăn thừa không phải vì cần, mà vì không muốn lãng phí. Và hóa ra, người có thể nghĩ cho người nghèo khác, lại chính là người biết cho đi nhiều nhất.
Giàu không phải là tiêu xài hoang phí, và tiết kiệm không có nghĩa là khó khăn về tài chính. Người thật sự thành công là người biết trân trọng từng đồng mình làm ra và từng giá trị mình tạo được. Trong quản lý tài chính, điều đầu tiên cần học không phải là kiếm nhiều tiền, mà là cách tiêu tiền đúng đắn và biết giá trị của từng đồng.
Theo Toutiao–Theo Nguyệt–Đời Sống Pháp Luật