Một lần được công ty cho đi du lịch, anh Trần Đình Nhâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) bất ngờ bắt gặp một mô hình nuôi dúi và anh đã ấp ủ ý định nuôi dúi từ đó. Nghĩ là làm, anh xin nghỉ việc, về quê nuôi loài động vật gặm nhấm này.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền sơn cước, từ nhỏ anh Trần Đình Nhâm (SN 1993, trú thôn 4, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã quen với núi rừng, tre nứa. Công việc hàng ngày chỉ quẩn quanh với việc lên rừng đốn củi, tìm ong lấy mật và xuống suối bắt cá nơi đầu nguồn của một nhánh sông Ngàn Phố.
Với hy vọng thay đổi cuộc sống, năm 2016, vợ chồng Nhâm quyết định cùng nhau đi làm tại một công ty điện tử ở Bắc Ninh. Tại đây, Nhâm làm bảo vệ, thu nhập bình quân 8 – 9 triệu đồng/tháng, còn vợ thì làm công nhân trong công ty.
Trong một lần công ty cho đi tham quan du lịch ở Thái Nguyên, tình cờ Nhâm bắt gặp một mô hình nuôi dúi. Được nghe giới thiệu là dúi rất dễ nuôi, ít Ьệпh tật, thức ăn chủ yếu là tre nứa rất dễ kiếm, thời gian chăm sóc không cần nhiều, đặc biệt là không cần đầu tư nhiều vốn liếng nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập ổn định nên anh lập tức bị cuốn hút ngay.
Bất chợt anh nhớ ở quê thỉnh thoảng có gặp dúi rừng, nghĩa là điều kiện tự nhiên thuận lợi. Hơn nữa, quê anh miền núi, tre nứa rất nhiều, lại chưa có ai nuôi, từ đó Nhâm ấp ủ quyết tâm sẽ lập nghiệp với nghề nuôi dúi tại quê nhà.
Cũng từ đó, hễ có ngày được nghỉ là Nhâm lại chạy xe đến trại dúi, xem xét, ngắm nghía, tìm hiểu kỹ thuật nuôi loài động vật gặm nhấm này, nhằm trang bị những kiến thức cơ bản trước khi bắt tay vào việc.
Sau một thời gian học hỏi, đầu năm 2017, Trần Đình Nhâm quyết định xin nghỉ việc ở công ty, cùng vợ trở về quê hương khởi nghiệp. Ban đầu, anh mua 4 cặp dúi giống (2 cặp dúi trưởng thành và 2 cặp dúi con) về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, không bao lâu sau, một cặp dúi bị chết do mắc bệnh tiêu chảy.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, thức ăn cho dúi luôn phải tươi, không được để ẩm mốc, khô héo. Ngoài thức ăn chính như tre, mía, còn phải bổ sung thêm ngô, sắn, cỏ voi…, giúp chúng cải thiện đường ruột, tránh bệnh tiêu chảy.
Mỗi năm dúi mẹ đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con
Từ đó, 3 cặp dúi còn lại phát triển rất nhanh, sinh sản đều đặn. Nhận thấy có tín hiệu khả quan, năm 2018, Trần Đình Nhâm vay mượn thêm 100 triệu đồng để đầu tư mua thêm 20 cặp dúi giống và xây dựng chuồng trại mở rộng mô hình.
Gần đây, để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Nhâm mới nhập thêm 2 cặp dúi má đào Thái Lan. Loại dúi này có giá 4 triệu đồng/kg, một con dúi trưởng thành có thể đạt trọng lượng khoảng 5kg.
Đến thời điểm hiện tại, mô hình nuôi dúi của anh Nhâm có tổng đàn 270 con các loại, trong đó 100 con dúi mẹ, 80 con dúi bố, còn lại là dúi hậu bị và dúi con.
Chia sẻ với PV Infonet, Trần Đình Nhâm cho biết: “Nuôi dúi rất đơn giản, mỗi ngày chỉ cho dúi ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Với tổng đàn như hiện nay, buối sáng tôi chỉ mất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ, còn buổi chiều tối mất khoảng 2 tiếng, thời gian còn lại tôi vẫn có thể đi làm việc khác”.
“Một cặp dúi trưởng thành bình quân mỗi ngày ăn khoảng 20cm tre (loại tre bánh tẻ, không già cũng không non), 5cm mía. Ngoài ra thì cho ăn thêm nông sản phụ như ngô, khoai, sắn, cỏ voi… Ở đây có tre dự án, đến mùa phải chặt để ra măng nên muốn bao nhiêu cũng có”, anh Nhâm cho biết thêm.
Cũng theo anh Nhâm, chuồng trại cho dúi ở cũng rất đơn giản, chỉ cần mua loại gạch lát nhà bị lỗi rồi dán lại, ghép thành chuồng có tạo một khe hở nhỏ bên cạnh đáy. Dúi ở rất sạch, phân thải được dúi đẩy ra ngoài thông qua khe hở đó nên việc dọn dẹp vệ sinh cũng nhàn.
“Khó khăn nhất là thời tiết nắng nóng, dúi lại chỉ ăn thức ăn tự nhiên nên hay gặp vấn đề về tiêu chảy và viêm phổi. Nếu không phát hiện kịp thời thì dúi sẽ bị chết, còn có nguy cơ lây lan sang cả đàn”, anh Nhâm chia sẻ kinh nghiệm.
Nói về quá trình sinh trưởng của dúi, anh Nhâm cho biết: “Dúi con sau khi đẻ ra khoảng 45 ngày thì tách mẹ, lúc này đã đạt trọng lượng từ 300– 400gr. Sau khoảng 8 tháng tiếp theo thì cho ghép đôi để phối giống, dúi mang bầu 45 ngày thì đẻ. Dúi mẹ bình quân mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con”.
“Dúi thương phẩm khi xuất bán đạt trọng lượng trên 1 kg có giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg, tuy nhiên trang trại của tôi chủ yếu xuất bán dúi giống. Loại dúi giống vừa tách mẹ (đạt trọng lượng 300 – 400 gr) có giá 1 triệu đồng/cặp. Dúi giống có trọng lượng 1kg được bán với giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Trường hợp dúi quá già, hay cắn nhau hoặc bị lỗi trong sinh sản thì mới bán dúi thịt”, anh Nhâm thông tin thêm.
Cũng theo anh Nhâm, bình quân mỗi năm trang trại xuất bán khoảng 400 cặp dúi giống, thu về khoảng 400 triệu đồng. Nhà cửa, phương tiện đi lại và các vật dụng trong nhà đều nhờ từ nghề nuôi dúi. Chỉ tính đầu năm đến nay anh Nhâm đã xuất bán được trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Khánh Hoà, Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng cho biết, đây là một mô hình tự phát nhưng rất hiệu quả, hàng năm tăng thêm tổng đàn và đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Cũng theo ông Hoà, mô hình nuôi dúi rất phù hợp với điều kiện của địa phương vì nguồn thức ăn dồi dào, tre nứa có sẵn. Sắp tới địa phương sẽ làm các thủ tục nhằm đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý hoá cho người nuôi.
Theo Infonet/Vietnamnet