Theo phóng viên James Pearson của Reuters, cái tên “Làng tỷ phú” Việt Nam không gợi lên vẻ một nơi mà người ta muốn bỏ đi, nhưng có thể ít nhất 3 trong số 39 nạn nhân tìm thấy trong thùng xe tải ở Anh hồi tuần trước đã ra đi từ một ngôi làng như thế để tìm kiếm vận may.
Xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, từ lâu đã được báo chí trong nước gọi là “làng tỷ phú” với hàng trăm hộ dân có biệt thự và việc sở hữu ô tô là “một nhu cầu bình thường trong cuộc sống thường ngày mà thôi”.
“70-80% biệt thự ở đây được xây bằng tiền nước ngoài gửi về” ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch xã Đô Thành, một xã nông thôn trồng lúa ở tỉnh Nghệ An Việt Nam, nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 10, sau khi nhiều gia đình ở đây trình báo con mất tích trên đường trốn sang Anh.
“Nếu làm việc ở Việt Nam, kiếm tiền đồng, thì sẽ phải mất rất lâu mới xây được ngôi nhà như thế”, ông Hà nói, chỉ vào một căn biệt thự lớn, nhiều tầng nằm cạnh trung tâm xã.
Ở Đô Thành, kể cả các nhà thờ với tháp chuông cao chót vót, nằm kề các biệt thự xa hoa cũng được xây bằng ngoại tệ đóng góp bởi cộng đồng Công giáo.
Vào năm 2018, ông Hà cho truyền thông trong nước hay xã Đô Thành có 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…
“Nhờ số tiền con em làm ăn xa gửi về mà Đô Thành ngày càng thay da đổi thịt. Toàn xã có hơn 4.000 hộ thì 3/4 trong số đó có nhà 2 tầng trở lên. Hàng trăm hộ có xe ô tô, biệt thự“, ông Hà nói, theo báo Dân Trí.
Rất nhiều trong số 39 nạn nhân tử nạn ở Anh được cho là đến từ những xã lân cận Đô Thành của huyện Yên Thành. Vào những năm 1980, Đô Thành là một xã nghèo nhất Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Một người dân của xã Đô Thành, Bùi Thị Nhung, 19 tuổi, được gia đình cho là nằm trong số nạn nhân ở Anh. Nhung để lại nhiều tin nhắn từ mạng xã hội để báo cho gia đình chuyến đi tới Anh qua Châu Âu của mình, trước khi mất tích sau khi lên chiếc xe định mệnh.
Chi phí để trả cho những đường dây đi Châu Âu là không nhỏ, có thể lên tới hàng chục ngàn đô la đối với những người lựa chọn dịch vụ đi “VIP”, nhưng người dân ở đây tin rằng họ có thể kiếm đủ tiền để sẵn sàng mạo hiểm.
Năm 2018, báo Dân Trí có bài ghi nhận sự giàu lên chóng mặt của ngôi làng có nghề mộc truyền thống từng nghèo nhất Việt Nam.
Theo bài báo, ý tưởng sang những nước Châu Âu làm việc của người dân Đô Thành bắt đầu từ những năm 1990, khi nguồn gỗ khan hiếm, thị trường bão hoà.
“Người sang trước làm ăn rồi về đưa gia đình, họ hàng theo sau. Cứ như thế, người dân Đô Thành kéo nhau sang Tây lập nghiệp, có gia đình 3-4 người con cùng xuất ngoại.
Tiền từ nước ngoài gửi về nhiều, người dân bắt đầu xây dựng nhà lầu, biệt thự, mua sắm xe máy, ô tô,…,” bài báo viết, nhưng không nhắc đến hành trình xuất ngoại của người dân ở đây có hợp pháp hay không.
“Chúng tôi biết rằng có rất nhiều người dân trong huyện đang sống ở Anh, nhưng không biết họ làm gì để kiếm được nhiều tiền thế để gửi về nhà”, ông Hà nói với Reuters.
Vào năm 2018, người Việt lao động ở nước ngoài gửi về gần 16 tỷ USD kiều hối, hơn 2 lần thặng dư thương mại đối với cả nước Việt Nam trong cùng năm đó, theo số liệu của World Bank.
Nghệ An và Hà Tĩnh cũng có chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, không ai biết rõ bao nhiêu người ở đây xuất ngoại bằng các đường dây buôn người trái phép. Hôm 31/10, Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án tổ chức, mô giới cho người trốn ra nước ngoài trái phép sau khi hàng loạt các gia đình ở đây báo cáo rằng con cái của họ có thể nằm trong số 39 di dân lậu tử nạn ở Anh.
“Con số kiều hối có thể còn cao hơn được báo cáo do tiền có thể được chuyển về theo các cách không chính thức, chẳng hạn tiền mặt hoặc sản phẩm tiêu dùng là không được thống kê”, Nguyễn Trí Hiếu, nhà kinh tế và cựu cố vấn chính phủ nói với Reuters.
Rất nhiều mạng lưới đưa người lậu ra nước ngoài cũng nhận chuyển tiền về Việt Nam và ăn hoa hồng.
Theo thống kê của Anh vào năm ngoái, khoảng 70% các trường hợp đưa lậu người Việt vào Anh là liên quan đến bóc lột lao động, di dân lậu bị lừa đến làm việc phi pháp tại các trang trại trồng cần sa và làm móng trong các tiệm nail.
“Tôi không có đủ tiền để đi nước ngoài, vì thế tôi đã đi Sài Gòn”, Bùi Văn Điệp, một người cũng ở Đô Thành nói với báo Reuters. Đứng cạnh căn villa to lớn của người anh họ Bùi Chung, nơi có đủ chỗ đỗ chiếc BMW đen bóng, nhà anh Điệp trông như một căn lều.
Bùi Chung đã rời quê Đô Thành đi Anh vào năm 2007, và khi về nhà anh đã có đủ tiền để xây căn biệt thự này, cộng với việc mở một doanh nghiệp buôn bán thép.
“Tôi đi từ Anh tới Pháp hợp pháp, nhưng tôi đã tới Anh trái phép bằng cách chui vào một thùng container xe tải”, ông Chung nói.
“Tôi chọn đến Anh bởi vì lương ở đó rất cao và có rất nhiều người Đô Thành cũng đang sống ở đó”.
Trốn sang Anh, Chung làm việc chui trong một trang trại cần sa và một tiệm làm móng của người Việt, nơi anh cho biết anh kiếm được khoảng 640 USD (14,5 triệu đồng) một tuần.
“Cộng đồng người Việt sống ở đó giúp những người mới tới tìm việc”, Chung nói.
“Đó là lý do tại sao người dân ở đây sẵn sàng bán đất để có đủ tiền đi Anh”.
Nay Chung nói anh đã phạm sai lầm lớn khi trở về quê.
“Làm ăn ở đây thua lỗ nhiều quá. Người ta không tin tưởng nhau. Có thể tôi sẽ lại đi Anh.” anh Chung nói.
Trọng Đức