Mùa thi năm nay, một số khoa của các trường đại học đã nâng điểm chuẩn thật cao để không phải mở lớp dạy cho số lượng ít sinh viên. Có trường cho biết đó là để tránh thiệt thòi cho sinh viên khi lớp quá vắng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì chưa có thí sinh nào được hỏi thế nào mới là thiệt thòi thật sự cho các em. Các trường cũng cho biết, vì muốn tránh thiệt thòi cho các em nên đã để các em được xét tuyển ở các nguyện vọng có điểm chuẩn thấp hơn.
Nhưng nếu các em không thể thực hiện nguyện vọng và ước mơ nghề nghiệp của mình, hoặc thậm chí có em sẵn sàng bỏ lỡ một năm và thi lại vào năm sau để được học ngành mình muốn, thì có phải là một sự thiệt thòi hay không? Nhất là, nó hoàn toàn không hề xuất phát từ lỗi lầm của các em.
Có thể nhà trường lo ngại rằng lớp quá ít thì sẽ không thể đầu tư để tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho các em. Nhưng như vậy chẳng phải là quan điểm xem xét thiệt – hơn và được – mất lại chỉ là từ phía nhà trường thôi sao? Là vì nhà trường không có lãi nên sẽ không đầu tư để đào tạo các em?
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện một đoàn tàu nhiều năm hoạt động chỉ để phục vụ một nữ sinh ở vùng xa xôi của Nhật Bản.
Năm 2013, khách đi tàu ở nhà ga Kami-Shirataki ở phía cực Bắc đảo Hokkaido, Nhật Bản, đã giảm đáng kể do nhà ga nằm ở vị trí quá hẻo lánh. Đáng lẽ nhà ga đã bị doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản đóng cửa, cho dừng hoạt động vĩnh viễn. Nhưng khi họ nhận ra rằng vẫn còn một hành khách đi chuyến tàu này để tới trường học mỗi ngày, họ đã quyết định vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của nhà ga cho tới khi cô bé tốt nghiệp.
Mỗi ngày chỉ có hai chuyến tàu dừng ở ga Kami-Shirataki với thời gian biểu duy nhất phụ thuộc vào thời điểm cô gái cần đến trường và quay trở lại. Vào ngày 26/3/2016 khi cô bé tốt nghiệp trung học, nhà ga mới chính thức ngừng hoạt động.
Còn có một câu chuyện khác đã làm nhiều người thêm yêu mến nền văn hóa xứ hoa anh đào:
Nằm ngoài khơi của tỉnh Yamagato thuộc vùng biển Nhật Bản, hòn đảo Tobishima với bán kính khoảng 10km chỉ có trên dưới 200 cư dân sinh sống. Trên hòn đảo chỉ có duy nhất một trường trung học mang tên Tobishima. Ngôi trường này vốn đã đóng cửa vì người trẻ dần rời hòn đảo lên các thành phố lớn hơn. Thậm chí Tobishima được mệnh danh là hòn đảo dưỡng lão. Nhưng khi gia đình cậu bé Shibuya Arata chuyển đến sinh sống ở hòn đảo, ngôi trường trung học đã mở cửa trở lại và các giáo viên của trường chỉ dạy một mình Shibuya.
Ngoài ra nhà trường cũng không ngần ngại bỏ tiền mời các giáo viên từ vùng khác đến dạy thêm kiến thức cho cậu bé. Thậm chí nhà trường đã bỏ ra 100 triệu yên (khoảng 2 tỷ đồng) để mua bổ sung các dụng cụ học tập cho cậu học trò nhỏ thực hành.
Hàng tháng các giảng viên nước ngoài được mời đến để giúp cậu bé phát âm và học tiếng Anh tốt hơn. Cậu còn được dạy kiếm đạo để bồi dưỡng tính cách chính trực, đồng thời học các môn thủ công để nâng cao thẩm mỹ. Các tiết lao động cùng giáo viên là để giúp cậu bé rèn luyện kỹ năng sinh hoạt. Bên cạnh đó cũng có các lớp thư pháp và nấu ăn để giúp cậu rèn luyện nhân cách và biết chăm sóc gia đình.
Ngày tốt nghiệp của Shibuya, nhà trường không vì chỉ có một học sinh mà tổ chức buổi lễ cẩu thả. Bằng nghi thức trang trọng nhất, họ muốn dành cho cậu bé những lời từ tấm lòng: “Chúc mừng con đã tốt nghiệp”.
Đó chính là mục đích chân chính của giáo dục mà người Nhật đã nỗ lực thực hiện chỉ vì một học sinh duy nhất.
Họ hiểu giáo dục chính là nền tảng của xã hội, không phải chỉ là một công cụ để kiếm tiền. Làm thầy giáo chính là một sứ mệnh chứ không phải là một nghề để sinh sống.
Nếu chỉ nghĩ giáo dục và đào tạo là một ngành nghề hay một công việc để kiếm tiền, thì tất nhiên chúng ta sẽ có xu hướng làm mọi cách để tuyệt đối hóa lợi nhuận. Học sinh đi học cũng sẽ nghĩ theo lối tư duy “tiền trao cháo múc”. Thầy giáo sẽ được thúc đẩy dạy thêm, thu tiền học phí cao, bán điểm, bán bằng. Học sinh sẽ học vì điểm số và thành tích chứ không phải vì để làm người và hoàn thiện bản thân. Giáo dục sẽ không phải vì vẻ đẹp của con người nữa.
Tất nhiên, so sánh câu chuyện ‘nâng điểm chuẩn để đánh trượt học sinh’ và ‘làm tất cả vì một học sinh’ là khập khiễng. Bởi một bên là vì sự nghiệp dạy dỗ nên những cá nhân tử tế và biết cách tự hoàn thiện mình, còn một bên là đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp. Nhưng nó có chung một cách nhìn: Nếu ta nghĩ cho lợi ích của người khác thay vì chỉ nghĩ cho lợi ích của bản thân, thì dù làm ngành nghề nào, công việc nào, lĩnh vực gì, ta cũng sẽ có cách đối đãi nhân văn hơn.
Dù cho có bỏ qua trách nhiệm xã hội mà coi đào tạo nghề là một ngành kinh doanh, thì người đào tạo cũng phải thực hành đạo đức kinh doanh. Đó là coi trọng lợi ích của khách hàng (là những sinh viên đã chọn dịch vụ của nhà trường), và chắc chắn nó sẽ mang lại lợi ích cho người cung cấp dịch vụ. Bởi mang lợi cho người chính là mang lợi cho mình khi danh tiếng và chất lượng dịch vụ luôn được bảo đảm. Là người kinh doanh có lương tâm, thì khi đã chào mời dịch vụ của mình, ta không nên chỉ vì lợi nhuận mà ngừng cung cấp dịch vụ. Như vậy là cái lý lẽ gì vậy?
Hơn nữa cũng cần nhìn nhận lại việc coi đào tạo là một ngành kinh doanh đơn thuần. Nó liên quan đến tương lai nghề nghiệp, liên quan đến sự tự tin bước vào đời của các bạn trẻ. Vậy cứ mặc kệ họ vật lộn cốt kiếm một giảng đường để sau này có cái bằng, chứ không thật sự coi trọng việc tìm kiếm ngành nghề yêu thích và phù hợp, như vậy có hợp lý chăng? Cứ vô tư đánh trượt nguyện vọng thật sự của họ rồi xét tuyển ở những ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn, như vậy là tránh thiệt thòi cho họ chăng?
Việc đi học để trở thành công dân hữu ích lại trở thành đi học chỉ để có cái bằng. Ngưỡng cửa đầu tiên của cuộc đời trưởng thành lại trở thành nơi triển hiện mánh lới mà các nhà trường và thầy cô thực hành cho học sinh xem: Hãy bảo vệ lợi ích của mình bằng mọi giá.
Tôi đã thử đặt mình vào vị trí nhà trường để cố gắng dung hòa lợi ích của cả hai bên. Quả thật rất khó khăn. Nhưng cứ tưởng tượng đến buổi lễ tốt nghiệp chỉ có vài học sinh, thậm chí còn ít hơn cả số giáo viên dạy các em, và tất cả chúng tôi đều rất nghiêm trang, kính cẩn thực hiện các nghi lễ. Một lời “chúc mừng các em đã tốt nghiệp” và ánh mắt rạng rỡ của các tân cử nhân sẽ là những điều tốt đẹp hơn nhiều so với lợi nhuận mà nhà trường và các thầy cô có thể mất đi. Tôi khờ dại, ngốc nghếch chăng? Tôi không biết, tôi chỉ biết rằng mình thanh thản và tự hào vì đã không vi phạm đạo đức cơ bản làm người: Nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình.
Thuần Dương