Trên đời ai chẳng có ước mơ, ai chẳng có đam mê thế nhưng có mấy ai thành công, mấy ai gây được tiếng vang với thế giới. Những chẳng dám làm thì không thể có thành công. Vậy, để có thể theo đuổi đam mê cần có thêm những điều gì?
Đam mê, ý tưởng cùng khát vọng là thứ mà ai cũng có, người người nói về đam mê, nhà nhà nói về đam mê. Thế nhưng, chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ, đời này ai chẳng có nhiều đam mê, ai chẳng biết về những mô-típ thành công kiểu như Bill Gates nhưng vì sao Bill Gates vẫn chỉ có duy nhất mà không có người thứ 2?
CEO của Wistia, một công ty lưu trữ video trực tuyến (giống với Youtube), ông Chris Savage cho rằng dư thừa ý tưởng nhưng thiếu hành động thực tế là điều quá dễ gặp với những doanh nhân hiện nay. Ông cho rằng ngoài ý tưởng, mọi người cần có những yếu tố đặc biệt nữa để có được thành công.
Bắt đầu từ đâu nhỉ?
Đó là câu hỏi đầu tiên mà Savage hỏi người bạn của mình khi sáng lập nên Wistia. Họ có nhiều ước mơ và kì vọng về cuộc sống, ý tưởng của họ đủ hay để cả hai biết rằng mình nên thành lập một công ty. Thế nhưng, khác với mọi người, Savage sớm nhận ra rằng tương lai phía trước còn quá mờ mịt, mơ mộng to lớn là thế, thực tế sẽ ra sao?
Khoảng thời gian khởi nghiệp của Savage còn rất nhiều khó khăn chứ chưa được thuận lợi, dễ dàng như hiện nay. Ông cùng người đồng nghiệp của mình đã vượt qua những khó khăn không ngờ tới. Cái đích của Wistia thời điểm mới thành lập vẫn chỉ là một sản phẩm có thể sinh lời, thương hiệu tốt và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời.
Trong suốt quá trình phát triển Wistia, Savage chia sẻ kinh nghiệm quý báu để những ai muốn bước vào con đường khởi nghiệp có thể chuẩn bị trước cho chính mình.
Chọn đúng người, tìm đúng nhóm
Để xây dựng nên một nhóm phát triển sản phẩm, công ty hay đơn giản chỉ là vài người cùng làm với nhau thôi khó hơn bạn tưởng tượng rất nhiều. Suốt 11 năm phát triển Vistia, Savage chia sẻ rằng vấn đề nhân lực đã giúp ích rất nhiều trong việc phát triển sản phẩm của ông.
Savage cho rằng nhân sự trong nhóm của bạn phải là gốc của cả sản phẩm. Mỗi khi khó khăn tới, mọi người phải cùng nhau gỡ rối vấn đề, giải quyết dứt điểm để nó không lảng vảng về sau này. Và để tối ưu hoá nhất, Savage khuyên nên tìm những người đa tài một chút, có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan tới sản phẩm đang thực hiện. Quan trọng nhất, bạn phải thoải mái khi làm việc cùng họ, họ cũng phải thoải mái khi làm việc cùng nhau.
Khi chọn người, sẽ có rất nhiều câu hỏi xuất hiện như liệu họ có đáng tin không? Liệu họ có làm được việc hay không? Liệu họ có giúp ích được gì cho sản phẩm này hay chỉ tới văn phòng để mua vui cho những đồng nghiệp khác?…
Hãy dừng lại một chút và nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Ai cũng muốn chọn người có lượng kiến thức và kinh nghiệm cao nhất có thể. Thế nhưng, điều này không phải lúc nào cũng đúng vì nhóm kia sẽ đi theo bạn nhiều năm, trải qua nhiều vấn đề… họ sẽ học hỏi thêm trong quá trình làm việc từ đó kĩ năng ngày một nâng cao, không cần tìm người quá giỏi ngay từ đầu làm gì cho phức tạp. Chọn người làm bạn cảm thấy thoải mái, muốn làm việc vẫn tốt hơn những người dù giỏi nhưng tạo bầu không khí căng thẳng bên bạn mỗi ngày.
Tìm những vấn đề nhỏ ở những thị trường lớn
Khi mới bắt đầu làm việc, ai cũng muốn làm thứ to tát, vĩ đại để cả thế giới ngưỡng mộ. Mỗi khi có vấn đề, ai cũng cố giải quyết nó bằng được mới thôi. Mặc dù vậy, Savage cho rằng bạn không nên biến công ty, sản phẩm của mình thành một thứ thực dụng đến thế. Hãy cho nó một cái móng giống như căn nhà, móng ở đây là vấn đề chủ yếu mà sản phẩm của bạn quan tâm, có thể xử lý. Từ đó xây tường cho móng và những thứ xung quanh… đó chính là phát triển ý tưởng ban đầu thành nhiều nhánh nhỏ hơn để cạnh tranh tốt trên thị trường. Tất nhiên, mọi ý tưởng mới đều phải liên quan tới cái móng ban đầu.
Có lẽ ai cũng bất ngờ với lựa chọn này. Trong khi cả thế giới theo đuổi những vấn đề to tát, vĩ mô thì bạn lại có thể giải quyết được những vấn đề chẳng ai biết cách cho dù nó rất nhỏ. Một khi thể hiện được khả năng của mình ở lĩnh vực nhỏ này, bạn có thể bắt đầu đầu tư cho những lĩnh vực, vấn đề lớn hơn.
Hãy có động lực
Theo đuổi đam mê là điều nên làm, nó càng đúng hơn nếu bạn dám mạo hiểm, đối đầu với rủi ro. Thế nhưng đam mê sẽ có giới hạn nếu bạn không có nỗ lực, động lực. Thời điểm khởi đầu của những dự án khởi nghiệp luôn thế, sẽ có lúc tất cả mọi người dừng lại vì tưởng chừng không còn đủ động lực để đi tiếp.
Hãy dành thời gian ăn mừng những chiến thắng nhỏ. Bạn đừng khinh thường nó bởi vì những chiến thắng nhỏ này sẽ là bàn đạp để cả nhóm vươn tới thứ lớn lao hơn. Suy cho cùng, những thứ vĩ đại trên thế giới đều được tạo ra bởi những người thông minh, những người tìm ra cách để làm việc với nhau tạo nên thứ to lớn.
Theo Trí Thức Trẻ