Heo rừng con sau khi tách mẹ khoảng 6 tháng có thể xuất bán cho thương lái. Thời điểm này, trọng lượng mỗi con heo rừng đạt từ 25 – 30kg. Với giá bán dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Quốc Ninh, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) thu về lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/con.
Nuôi heo rừng thương phẩm kết hợp cung ứng con giống, tạo ra sản phẩm từ thịt heo rừng đang là hướng đi khá hiệu quả mà Hà Quốc Ninh (xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) thực hiện. Mô hình mở ra hướng đi mới trong quá trình khởi nghiệp đối với thanh niên nông thôn.
Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình nuôi heo rừng
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu trên mạng xã hội, tận dụng diện tích đất trống sau nhà, Hà Quốc Ninh quyết định nuôi heo rừng, tạo ra hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế gia đình.
Loài vật hoang dã này mang lại hiệu quả kinh tế cao, cộng với đặc tính dễ nuôi, ít bệnh, phù hợp chăn nuôi quy mô nhỏ… Do đó, năm 2020, Quốc Ninh bắt tay vào xây dựng chuồng trại, mua heo giống tại địa phương về chăn nuôi.
Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ phương tiện thông tin đại chúng và những người đi trước, lứa heo rừng đầu tay của Quốc Ninh thành công ngoài mong đợi.
Quốc Ninh chia sẻ: “Trước đây, đã có người thực hiện mô hình này tại xã. Mô hình không mới, nhưng thị trường rất tiềm năng, giá bán cao, đầu ra ổn định… nên tôi quyết định thực hiện”.
Mô hình nuôi heo rừng là hướng đi mới trong khởi nghiệp của anh Quốc Ninh, nông dân trẻ xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang).
Hơn 3 năm tiếp cận với loại động vật hoang dã này, Quốc Ninh cho biết, nuôiPhú heo rừng không khó. Ngược lại, chúng có khả năng chống chọi với thời tiết tốt hơn các giống heo thịt mà người dân đang nuôi phổ biến tại địa phương.
Chúng là động vật ăn tạp, người nuôi có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có, từ rau, củ đến các loại cây trồng khác, như: Chuối, cỏ voi, tấm… Do đó, Quốc Ninh có thể dễ dàng lựa chọn nguồn thức ăn phù hợp điều kiện kinh tế gia đình.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, heo rừng có thể tự sinh sản nên không mất nhiều chi phí con giống. Chỉ cần đầu tư nguồn vốn ban đầu, sau đó đàn heo tự phát triển. “Heo rừng tuy nhỏ con nhưng sức đề kháng tốt, rất ít khi bị bệnh.
Thời điểm heo được 1 tháng tuổi, tiến hành tiêm ngừa bằng vaccine “5 trong 1”. Từ đó đến lúc trưởng thành, heo rừng hầu như không xuất hiện bệnh, giúp người nuôi giảm đáng kể chi phí” – Quốc Ninh chia sẻ.
Một trong những yếu tố quyết định thành công đến mô hình nuôi heo rừng là xây dựng chuồng trại: Đảm bảo đủ rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ; hệ thống nước sạch cho tắm rửa và uống. Nhờ vậy, heo rừng lớn nhanh, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo.
Đa dạng sản phẩm từ nuôi heo rừng
Heo con sau khi tách mẹ khoảng 6 tháng có thể xuất bán cho thương lái. Thời điểm này, trọng lượng mỗi con heo rừng đạt từ 25 – 30kg. Với giá bán dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, Quốc Ninh thu về lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/con.
Giá bán cao, trong khi chi phí bỏ ra không đáng kể, nên lợi nhuận mang lại tương đối khả quan. Ngoài bán heo hơi, Quốc Ninh còn bán heo thịt (làm sẵn), đóng gói theo trọng lượng 200gr, giá 300.000 đồng.
Bên cạnh đó, Quốc Ninh cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài địa phương. Giá bán mỗi con khoảng 800.000 đồng. Đặc biệt, chàng thanh niên này còn làm lạp xưởng, cung cấp cho thị trường giá 400.000 đồng/kg…
Từ việc cung cấp đa dạng sản phẩm từ heo rừng, mỗi năm, gia đình Quốc Ninh thu về lợi nhuận trên 230 triệu đồng.
Quốc Ninh đánh giá, so với các mô hình chăn nuôi khác, heo rừng ít rủi ro, do có thể tận dụng nguồn phụ phẩm dễ tìm, sẵn có xung quanh để làm thức ăn cho heo, nhờ đó giảm chi phí chăn nuôi.
Thịt heo rừng cũng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng tốt, dai, ít mỡ… đảm bảo an toàn sức khỏe.
“Đến nay, sau hơn 3 năm gắn bó với mô hình chăn nuôi heo rừng, tôi cảm thấy hài lòng vì mô hình mang lại nguồn thu nhập lý tưởng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát triển để tạo thêm thu nhập cho gia đình” – anh Ninh chia sẻ.
Mô hình nuôi heo rừng giúp xã Phú Thạnh có thêm hướng phát triển mới trong chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, đặc biết đối với thanh niên mong muốn khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Trong quá trình nuôi, Hà Quốc Ninh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống cho thanh niên khác. Thời gian tới, Ninh dự định tìm đơn vị liên kết sản xuất; phát triển mô hình theo hướng bài bản hơn, để cung ứng sản phẩm chất lượng cho thị trường.
Đức Toàn (Báo An Giang)