Mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do ông Trump phát động: Sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học hàng đầu.
Đầu tiên là thương mại, sau đó là công nghệ, rồi bây giờ là nhân lực chất lượng cao. Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã bắt đầu nhắm tới những thành phần ưu tú nhất, sáng láng nhất của Trung Quốc đang ở Mỹ, rà soát kỹ các nhà nghiên cứu có mối liên hệ với Bắc Kinh và hạn chế các visa (thị thực) dành cho sinh viên Trung Quốc.
Một số cử nhân và học giả Trung Quốc đã nói với trang tin Bloomberg News rằng trong vài tuần gần đây họ thấy môi trường học thuật và việc làm của Mỹ ngày càng không thân thiện.
Mối nghi kỵ sâu sắc của Mỹ
Đại học Emory (Mỹ) đã đuổi việc 2 giáo sư Mỹ gốc Hoa vào hôm 16/5/2019. Và Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 3/6/2019 đã ban bố lời cảnh báo về nguy cơ khi du học ở Mỹ trong bối cảnh ngày càng gia tăng các trường hợp thị thực sinh viên bị từ chối.
Liu Yuanli, giám đốc sáng lập của Sáng kiến Trung Quốc tại Trường Y tế Công Harvard và hiện là hiệu trưởng trường Y tế Công của Đại học Y tế Hiệp hòa Bắc Kinh nói: “Tôi lo âu, lo lắng, thậm chí buồn phiền về sự xung đột không cần thiết này. Việc hạn chế các học giả và sinh viên Trung Quốc là bất hợp lý và đi ngược lại chính cái giá trị cốt lõi khiến Mỹ trở thành một quốc gia vĩ đại”.
Liu là một trong những người tham gia chương trình tuyển dụng “Ngàn Tài năng” gây tranh cãi của Trung Quốc. Bắc Kinh khởi động chương trình này vào năm 2008 như một phương cách khuyến khích các công dân ưu tú nhất của mình ra nước ngoài để phát triển nền kinh tế ở quê hương. Gần đây, Trung Quốc đã xúc tiến thu hẹp chương trình này do Mỹ ngày càng quan ngại về các hoạt động của chương trình.
Các diễn biến trên cho thấy xung đột thương mại đang thay đổi căn bản mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ chỗ dựa nhiều vào nhau sang chỗ ngày càng nghi kỵ lẫn nhau.
Giáo dục trong hàng thập kỷ qua vốn là một điểm mạnh trong hợp tác giữa hai quốc gia. Việc gia tăng lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ giúp tăng nguồn thu cho các trường đại học Mỹ và mở rộng cơ hội cho sinh viên Trung Quốc tiếp cận những trung tâm nghiên cứu thuộc hàng tốt nhất thế giới. Theo một báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế, năm 2018 Mỹ là nơi học hành của hơn 360.000 học sinh – sinh viên Trung Quốc, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tốc độ tăng trưởng số sinh viên nói trên đã chậm lại. Số lượng sinh viên tăng 3,6% vào năm 2018, chỉ bằng xấp xỉ một nửa nhịp độ của năm trước đó. Tỷ lê sinh viên nhận học bổng chính phủ Trung Quốc sang Mỹ học bị từ chối visa đã tăng lên mức 13,5% trong 3 tháng đầu tiên của năm 2019, so với chỉ 3,2% của cùng kỳ năm 2018, theo các dữ liệu mới của chính phủ Trung Quốc.
Gia hạn visa chậm hơn
Các gia hạn visa hàng năm của Mỹ cho sinh viên Trung Quốc, trước đây vốn chỉ mất 3 tuần thì nay kéo dài tới hàng tháng trời, theo một số nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Những vị này xin giấu tên do lo ngại sự nghiệp của mình có thể bị ảnh hưởng.
Một trong các nghiên cứu sinh này tâm sự rằng họ có xu hướng quay về quê hương sau khi tốt nghiệp do lo ngại việc săm soi các học giả Trung Quốc như thế này còn tiếp diễn trong các năm tới.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 3/6, Xu Yongji – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác và Trao đổi Quốc tế của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho hay: “Các hành động của phía Mỹ đang làm băng giá hoạt động trao đổi và hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và Mỹ.
Vị quan chức này bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ sẽ chỉnh sửa những điều sai này càng sớm càng tốt, có thái độ tích cực hơn, làm thêm nhiều điều có tác dụng thúc đẩy hợp tác và trao đổi giáo dục song phương”.
Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ trích điều mà họ gọi là những tố cáo không có cơ sở từ phía Mỹ về “các hoạt động gián điệp phi truyền thống”. Bộ này cảnh báo sinh viên Trung Quốc về nguy cơ bị khước từ nhập cảnh trong quá trình theo đuổi nền giáo dục Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị G20 ở Argentina vào năm 2018 nhưng tình hình không mấy cải thiện.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017, chính quyền Trump cam kết sẽ xem xét lại thủ tục visa và cân nhắc các hạn chế đối với các sinh viên nước ngoài thuộc chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (viết tắt là nhóm các môn STEM) nhằm bảo đảm tài sản trí tuệ của Mỹ không bị chuyển giao cho các đối thủ cạnh tranh. Hồi tháng 6/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố họ sẽ giới hạn thị thực dành cho các sinh viên Trung Quốc theo học khoa học kỹ thuật ở Mỹ.
Các động thái trên đã được hưởng ứng bằng những hành động kế tiếp của các trường đại học Mỹ như là Emory, nơi một nhà nghiên cứu di truyền bị sa thải là Li Xiao Jiang nằm trong chương trình Ngàn Tài năng của Trung Quốc. Hồi tháng 4/2019, 3 nhà nghiên cứu cũng buộc phải rời khỏi trung tâm nghiên cứu ung thư của Đại học Texas do có liên quan đến cuộc điều tra về cáo buộc nước ngoài lợi dụng chương trình nghiên cứu của liên bang Mỹ…/.
theo VOV