Vào năm 2017, SwineTech đã tạo ra được một sản phẩm có khả năng phát hiện heo con đang bị giẫm với tỷ lệ chính xác hơn 94%. Nhờ sản phẩm này, hiện tượng heo con bị giẫm chết đã giảm 59% trong vòng 3 ngày sau sinh.
Matthew Rooda lớn lên trong một gia đình chuyên cung cấp thịt lợn và nhanh chóng học được giá trị của gia đình, sự kiên nhẫn và sáng tạo đối với hoạt động của một trang trại. Thường xuyên chứng kiến những “sáng chế” của bố và ông nội nhằm tối ưu các hoạt động, cậu nhận ra rằng chủ trang trại không đơn thuần là một người nông dân mà phải là người đa tài, tháo vát.
Trong suốt quãng thời gian học phổ thông, Rooda dành khá nhiều thời gian làm việc cho các xưởng sản xuất thịt lợn trong vùng. Cậu giúp quản lý lợn giống, hoàn thiện các hoạt động của họ và luôn tìm cách cải thiện mọi thứ. Khi học tại Đại học Cộng đồng Hawkeye, Rooda được nhận làm trợ lý trong một trang trại lợn ở Waterloo, Iowa. Chính ở đây cậu chứng kiến vấn đề cốt yếu là heo con bị giẫm chết rất nhiều. Trang trại này không thể bố trí nhân lực 24/7, vì thế mỗi sáng Rooda lại thấy hàng chục chú heo con bị giẫm chết.
Sau khi tốt nghiệp, Rooda chuyển đến Đại học Iowa để học ngành Di truyền học và Công nghệ sinh học cùng người bạn thân Abraham Espinoza – một sinh viên ngành Khoa học máy tính đến từ Saltillo, Mexico. Chỉ trong một học kỳ, Rooda đã nhận được vài cuộc điện thoại khuyến khích cậu tìm giải pháp giúp các chú heo con. Sau khi nghiên cứu và thu thập số liệu, Rooda cùng Espinoza trình bày ý tưởng tại hội chợ John Pappajohn Founders Club. Họ giành giải nhất cho ý tưởng “Nhiều khả năng thành công nhất và khả thi nhất” cùng khoản tiền thưởng 1.500 USD.
SwineTech ra đời
Rooda và Espinoza đến Hội chợ World Pork Expo 2015 để thực hiện vô vàn các cuộc phỏng vấn và nhận thấy 92% các nhà cung cấp thịt lợn đều đang tìm kiếm giải pháp giúp heo con khỏi bị giẫm chết. Biết rõ tầm quan trọng của vấn đề, họ gia nhập chương trình Iowa Startup Accelerator gồm 9 công ty. Sau một tháng, họ kết hợp với John Rourke – người có khả năng viết ra một thuật toán để phát hiện tiếng kêu của một chú lợn con khi đang bị giẫm.
Phát hiện ra cơ hội và muốn nhanh chóng nắm lấy, Rooda cùng Espinoza xin ngừng học kỳ mùa thu để tập trung vào phát triển sản phẩm. Chỉ trong vòng 90 ngày, họ đã tạo ra được một mẫu nguyên bản đủ khả năng hoạt động như mong muốn. Họ cố gắng hoàn thành việc học bằng cách tham gia các lớp buổi tối ngay trong học kỳ mùa xuân.
Bước ngoặt chiến lược
Vào năm 2016, họ tìm cách phát triểm một thiết bị đeo (gồm có đai, vòng cổ, v.v.) khiến các chú lợn nái đứng dậy khi có tín hiệu. Nhưng ý tưởng ngày không thành công, họ chuyển sang sử dụng miếng dán chứa thiết bị bên trong. Sau khi thử nghiệm 60 loại miếng dán khác nhau, họ đã tìm ra loại có độ bền kéo dài 1 tuần. Với sáng kiến này, giờ họ có thể tập trung tìm cách khiến các con heo nái đứng dậy để tránh giẫm chết con mình.
Sau khi tạo ra được một mẫu thiết bị có khả năng nhận diện heo con đang bị giẫm và phát tín hiệu thông báo, họ tiếp tục phát triển sản phẩm để biết tín hiệu phát ra từ khu chuồng nào. Từ đó họ sử dụng các cảm biến để đảm bảo đúng con heo nái nào sẽ nhận được tín hiệu để đứng dậy.
Thành công được khẳng định
Vào năm 2017, SwineTech đã tạo ra được một sản phẩm có khả năng phát hiện heo con đang bị giẫm với tỷ lệ chính xác hơn 94%. Nhờ sản phẩm này, hiện tượng heo con bị giẫm chết đã giảm 59% trong vòng 3 ngày sau sinh. Matthew Rooda and Abraham Espinoza lọt vào danh sách 30 nhân vật có ảnh hưởng dưới 30 tuổi của Forbes. SwineTech cũng nhận được các giải thưởng từ Viện Công nghệ Massachusetts, Đại sản Danh vọng Vinh danh các Nhà Phát minh Hoa Kỳ (U.S. National Inventors Hall of Fame) và Hiệp hội Nông dân Hoa Kỳ cho sản phẩm SmartGuard của mình.
Đinh Vân – Theo Trí Thức Trẻ