Cựu thủ tướng và tổng thống các nước Anh, Nga, Pháp, Đức… cùng nhiều quốc gia khác đều đã từng trở thành “tầm ngắm” cho những chỉ trích từ các đại sứ của Mỹ.
Ví dụ điển hình nhất
Sau khi thông tin về việc Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch gọi tổng thống Mỹ Donald Trump là “kẻ bất tài” và “không có năng lực” được đăng tải, tương lai của vị đại sứ này dường như đang “mù mịt” hơn bao giờ hết.
Nigel Farage, cựu lãnh đạo của Đảng Nước Anh Độc lập (UKIP) và cũng từng là đại sứ, nói ông Darroch cần phải bị sa thải.
“Ông Darroch nên nghỉ việc càng sớm càng tốt,” ông Farage viết trên Twitter.
Tuy nhiên, theo Washington Post, những nhận xét của đại sứ Anh với ông Trump “không phải là điều bất thường”. Từ trước tới nay, có nhiều trường hợp các đại sứ đã bí mật nhận xét và bình luận tiêu cực về lãnh đạo và nguyên thủ của các nước chủ nhà.
Calder Walton, một luật sư và chuyên gia người Anh tại Đại học Harvard, viết trong email: “Nếu nhìn nhận từ góc độ lịch sử thì bình luận của Đại sứ Anh hoàn toàn không có gì bất ngờ cả”.
“Các đại sứ thường đưa ra những bình luận thẳng thắn (thường không liên quan tới ngoại giao) về các quốc gia mà họ đang tới công tác”.
Cũng theo ông Walton, trong nhiều trường hợp, gửi những thông điệp nói trên về quê hương là một trong những công việc quan trọng.
Ví dụ điển hình nhất có thể thấy là khi các đại sứ nước ngoài hoạt động tại Berlin trong thời kì cầm quyền của Adolf Hitler.
Mặc dù trước công chúng, các đại sứ thường cẩn trọng lựa chọn ngôn từ để nói về sự thăng tiến của nhà lãnh đạo Đức Quốc xã nhưng mặt khác, họ cũng bí mật đưa ra các đánh giá tiêu cực về người đàn ông này.
Đại sứ Pháp ở Đức Andre Francois-Poncet đã thường xuyên đưa ra cảnh báo đối với Paris trong suốt thời gian ông hoạt động ở Berlin từ năm 1931 tới năm 1938.
Ban đầu ông thể hiện một cách kín đáo, viết trong một bức thư vào năm 1933 rằng “nếu định nghĩa trí thông minh bao gồm tinh thần phê phán, thì Hitler không phải là người thông minh”.
Tuy nhiên chỉ hai năm sau đó, Francois-Poncet có những đánh giá tiêu cực hơn rất nhiều, mô tả Hitler là “một người đàn ông kiêu ngạo, tàn bạo, bạo lực, bị ám ảnh với ý tưởng trở nên vĩ đại… cố chấp, bướng bỉnh đến mức điên rồ”.
Những bình luận của phía Mỹ cũng không thân thiện hơn là bao. Khi Đức Quốc xã nắm quyền vào năm 1933, người đứng đầu lãnh sự quán Mỹ ở Đức là George Messersmith đã viết: “Một vài người [trong chính phủ Đức] có vấn đề về tâm thần và cần phải được chữa trị”.
Thậm chí Đại sứ Anh tại Đức là Nevile Henderson cũng gửi những nhận định chỉ trích sức khỏe tâm lí và tính “thích làm chuyện vĩ đại” của Hitler.
“Ông ta có vẻ như đã bước vào ranh giới của sự điên cuồng,” ông Henderson viết sau khi nghe bài phát biểu của Hitler vào năm 1938.
Những trường hợp khác
Hitler là trường hợp bất thường, độc đáo điển hình và mang tính lịch sử.
Tuy nhiên, những lời nhận xét thẳng thắn về các lãnh đạo thế giới không phải hiếm và những đánh giá này đều được sử dụng để xây dựng chính sách đối ngoại.
Ví dụ, đại sứ Mỹ George Kennan đã gửi đi một thông điệp từ Moskva vào năm 1946 để bình luận về suy nghĩ của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin.
“Có thể nói rằng chính phủ [của ông Stalin] thực chất là một ma trận những âm mưu,” ông Kennan viết.
Điều bất thường trong vụ việc đại sứ Anh phê phán ông Trump là ông Darroch không tự tiết lộ thông tin mà nội dung đã bị rò rỉ theo phương thức khác. Nhìn chung, quan điểm thực sự của đại sứ đối với nước chủ nhà không bao giờ được hé lộ trong khi họ đang công tác ở nước này.
Ngoài ra, những nội dung đó thường chỉ được tiết lộ cho công chúng bởi các học giả chứ không phải bởi báo chí (các ví dụ nói trên đều được ghi lại bởi sử gia Abraham Ascher).
Việc rò rỉ thông tin là chuyện bất thường, và cũng có thể rất mất mặt. Năm 2010, WikiLeaks đã tiết lộ hàng chục nghìn dòng tin nhắn ngoại giao cho thấy Mỹ đã có những đánh giá tiêu cực đối với hàng loạt các nhà lãnh đạo trên thế giới.
Các đối thủ của Mỹ hầu hết đều bị chỉ trích. Một nhà ngoại giao Mỹ ở Moskva từng nhận định tổng thống Nga khi ấy – ông Dmitry Medvedev – chỉ “đóng vai Robin cho vai chính Batman của thủ tướng Putin”. (Robin là cộng sự và chỉ là vai phụ trong loạt truyện tranh về Batman, hay còn được gọi là “Người Dơi” – ND)
Một tin nhắn khác – được viết bởi Đại sứ Mỹ ở Eritrea là Ronald McMullen – đã mô tả tổng thống Isaias Afewerki là “một nhà độc tài tàn bạo”.
Nguyên thủ các nước đồng minh của Mỹ cũng không tránh khỏi bị chỉ trích. Các nhà ngoại giao Mỹ từng gọi tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là “yếu đuối” và “vị hoàng đế không quần áo” (như nhân vật trong truyện cổ tích của nhà văn Andersen).
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bị phía Mỹ cho rằng “quá vô tư, yếu kém và làm việc không hiệu quả”, trong khi Thủ tướng Anh Gordon Brown bị mô tả là “kém thông minh” và dẫn dắt quốc gia này “đi từ thảm họa này tới thảm họa khác”.
Việc rò rỉ thông tin như vậy thường sẽ gây chấn động giới ngoại giao thế giới. Trong hầu hết các trường hợp, hai phía sẽ đều có phản ứng nhất định.
Heather Hodges, đại sứ Mỹ tại Ecuador, đã bị trục xuất vì những lời chỉ trích bà viết trong các tin nhắn mật.
Ông Trump đã phản pháo lại các bình luận của ông Darroch và nói “đại sứ Anh đã không phục vụ nước Anh đủ tốt”. Cũng trong ngày hôm nay (10/7), Văn phòng đối ngoại thuộc chính phủ Anh công bố đại sứ Darroch đã từ chức
PV