Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc cần những cải cách lớn nếu muốn thoát khỏi những khó khăn trong tương lai.
Tăng trưởng của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã khiến thế giới choáng ngợp với tham vọng về công nghệ cao, khoản đầu tư khổng lồ vào chất bán dẫn và tập trung chiến lược về trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, bản báo cáo mới được đăng tải bởi Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) vào ngày 26/8 cho rằng, Trung Quốc sẽ bị kìm chân bởi những chính sách giáo dục yếu kém ở vùng nông thôn, thành tựu đổi mới ít ỏi và các khoản nợ khổng lồ.
Đây là những chướng ngại vật Bắc Kinh gặp phải trên con đường theo đuổi mô hình của Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc thoát “bẫy thu nhập trung bình”, đưa quốc gia trở thành một nước giàu trước khi dân số già hóa.
“Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc từ sau năm 2005, ít người chú ý tới những điều mà họ chưa làm được,” Derek Scissors, một chuyên gia của AEI và là tác giả của báo cáo, trả lời trong cuộc phỏng vấn. “Trung Quốc không thể trở nên giàu có khi mà 550 triệu người hiện vẫn đang sống trong cảnh nghèo khó ở các vùng nông thôn.”
Để minh họa rõ nét hơn, trong báo cáo, ông Scissors đã so sánh Trung Quốc với Hàn Quốc, Nhật Bản vào thời điểm khoảng 40 năm sau khi mở cửa kinh tế vào lần lượt những mốc thời gian là năm 1979, năm 1962 và năm 1946.
SCMP dẫn lời một số nhà kinh tế học cho biết những nền kinh tế xuất phát từ nghèo đói, khi đạt tới một mức phát triển nhất định và không thể vượt ra khỏi ngưỡng này, được gọi là nạn nhân của bẫy thu nhập trung bình.
Một số ví dụ có thể kể tới là Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Những nền kinh tế đã vượt khỏi giới hạn và tiếp tục đạt ngưỡng phát triển mới là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Ông Scissors cho biết, những thách thức ngắn hạn của Bắc Kinh – bao gồm sự trì trệ trong tăng trưởng, chiến tranh thương mại với Washington và khủng hoảng chính trị ở Hong Kong – có thể sẽ để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn cải thiện tình hình thì quốc gia này cần có những cải cách mới.
Bản nghiên cứu chỉ rõ, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc kém hơn 1/2 so với Hàn Quốc và 1/3 so với Nhật Bản ở cùng thời kì phát triển.
Ông Scissors đánh giá việc Trung Quốc gần như đuổi kịp Nhật Bản ở mốc 40 năm sau thời kì mở cửa là một thành tựu đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, bối cảnh khủng hoảng sau đó ở Nhật Bản lại không quá tương đồng với Trung Quốc hiện tại.
“Chúng ta đều biết chuyện gì đã xảy ra đối với Nhật Bản vài năm sau năm 1985, khi nợ cao và sự hạn chế trong cải cách khiến kinh tế nước này bị trì trệ trong suốt 3 thập kỉ,” ông Scissors nói. Mặc dù Bắc Kinh có nhiều quyền hơn để giải quyết vấn đề trong kinh tế thị trường, nhưng nợ của Trung Quốc lại lớn hơn của Nhật Bản rất nhiều.
Các nhà kinh tế học đã cố gắng dự đoán tương lai của Trung Quốc giữa bối cảnh mô hình kinh tế của nước này đã diễn biến ngược lại với các lý thuyết kinh tế thông thường.
Nicholas Lardy, một chuyên gia tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, nói: “Rất khó để phân tích được tình hình Trung Quốc.”
Vấn đề đáng lo ngại
Mặc dù tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều thập kỉ trở lại đây, Trung Quốc mới chỉ đạt được 30% mức kinh tế bình quân đầu người của Mỹ, trong khi Hàn Quốc đạt được 55% và Nhật Bản gần 70%. Ông Lardy nói: “Vấn đề ở đây là liệu Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong một thập kỉ tới hay không. Nước Mỹ đã bỏ Trung Quốc quá xa.”
Các nhà kinh tế học cũng so sánh các quốc gia dựa trên nhiều yếu tố khác, bao gồm sự khác biệt về quy mô lãnh thổ, hệ thống kinh tế và điểm khởi đầu của mỗi nước. Ông Scissors tập trung về mức tăng trưởng thu nhập của người dân thông qua hoạt động sử dụng đất, nhân công, nguồn tiền và sự đổi mới trong những thập kỉ bùng nổ về kinh tế. Ông Scissors cho rằng thu nhập trung bình của người dân là thước đo kinh tế chính xác hơn so với chỉ số GDP.
Trong những năm 1980, Trung Quốc đã thành công trong việc tăng sản lượng nông sản và đưa hàng chục triệu nông dân trở thành công nhân.
Tuy nhiên, “thu nhập ở vùng nông thôn vẫn thấp một cách đáng ngại do chính sách đất đai yếu kém” – báo cáo cho hay. Hệ thống đăng kí hộ khẩu đã khiến hàng triệu người nông dân bị trói buộc tại vùng nông thôn, không thể tiếp nhận những cơ hội giáo dục ở vùng thành thị hay làm giàu ở nơi khác.
Giữa bối cảnh dân số đang già hóa, Bắc Kinh đã khôn khéo khi chuyển đầu tư sang phát minh và tự động hóa.
Tuy nhiên, số lượng ít ỏi các bằng sáng chế (so với quy mô quốc gia), sự thiếu hụt vốn đầu tư đối với các công ty tư nhân chuyên môn về tự động hóa và sự thiếu sót trong giáo dục nhân công ở vùng nông thôn đã đặt ra những thách thức trước mục tiêu và tham vọng của Trung Quốc.
Mặc dù đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đang tăng trưởng, nhưng Trung Quốc vẫn thua kém nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc tại cùng thời điểm.
Thậm chí, dù có nhiều lợi thế Nhật Bản hiện tại vẫn chưa thể thoát khỏi sự phát triển kinh tế trì trệ khi dân số già hóa.
Alexander Wolf, một chuyên gia về chiến lược đầu tư của JP Morgan, phản đối quan điểm của ông Scissor rằng Trung Quốc đang thua xa Nhật Bản hay Hàn Quốc.
“Mọi người đều quá ám ảnh về vấn đề bẫy thu nhập trung bình, nhưng việc đạt được thu nhập trung bình cũng là điều khó khăn, hay không muốn nói là khó khăn hơn cả việc thoát khỏi bẫy,” ông Wolf nói. “Tôi nghĩ Trung Quốc đang bước đúng đường đi của ‘các con hổ Châu Á'”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nhận thức rõ ràng về những sóng gió mà nước này phải đối diện. Cả ba nhà nghiên cứu Lardy, Scissors và Wolf đều đồng ý rằng để đạt được mục tiêu đề ra, Trung Quốc cần cải cách ở mức độ cao hơn – bao gồm thay đổi luật pháp, tăng cường khuyến khích các công ty tư nhân và trình độ của người lao động.
Mức thu nhập bình quân đầu người là chỉ số được dùng để xếp loại nền kinh tế.
Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), dựa trên giá trị năm 2010, những nước có thu nhập bình quân đầu người hàng năm từ 995 USD trở xuống được xếp vào nhóm nước thu nhập thấp.
Nhóm quốc gia có thu nhập bình quân đầu người từ 995 USD tới 12.236 USD là nước thu nhập trung bình.
Các quốc gia có thu nhập đầu người trên 12.236 USD mỗi năm là quốc gia có thu nhập cao.
theo Trí Thức Trẻ