Cuộc chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ có thể làm tổn hại tới nỗ lực đạt được một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của Trung Quốc.
Theo đó, các quan chức Trung Quốc đều có những tuyên bố cứng rắn thể hiện quan điểm sẽ đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế lên số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của nước này.
Trong cuộc họp báo ngày 2/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố, Trung Quốc sẽ không chịu nhún nhường trước sức ép từ Mỹ. Dẫn lời bà Hoa, Reuters cho biết, nếu Mỹ thông qua thuế suất đó thì Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích nền tảng và cốt lõi của đất nước.
Cùng với đó, Tân Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho biết, nếu Mỹ muốn đàm phán, thì Trung Quốc sẽ đàm phán.
“Nếu họ muốn chiến đấu, thì chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích cơ bản của mình. Chúng tôi không chỉ chiến đấu cho mình Trung Quốc, mà chúng tôi sẽ chiến đấu cho một nền kinh tế quốc tế mở cửa, cho thương mại tự do, cho một hệ thống giao thương đa phương đáng tin cậy, không phân biệt đối xử”, ông Zhang nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc có thể bao gồm việc áp thuế, cấm xuất khẩu đất hiếm được sử dụng trong mọi lĩnh vực, từ thiết bị quốc phòng đến điện tử tiêu dùng, và trừng phạt nhằm vào các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang soạn thảo danh sách các thực thể không đáng tin cậy, bao gồm các công ty nước ngoài gây tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc. Tập đoàn chuyển phát nhanh FedEx của Mỹ đang bị Trung Quốc điều tra.
Chuyên gia Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao tại hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận định, Trung Quốc “về cơ bản có rất ít phương án đáp trả ổn thỏa. Cụ thể, ông cho rằng, xét đến việc tấn công Mỹ trực diện, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đáp trả mà không gây thiệt hại cho chính họ.
Hiện nay, có hai phương pháp mới được các chuyên gia dự kiến sẽ được chính quyền Trung Quốc tung ra, bao gồm áp thuế trả đũa và gây áp lực cho doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc trước đây từng đáp trả đòn thuế quan của Mỹ bằng việc áp thuế. Hồi tháng 5, Bắc Kinh trả đũa động thái leo thang căng thẳng của Tổng thống Trump bằng việc tăng thuế từ 10% – 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc mua ít hàng hóa từ Mỹ hơn là bán sang thị trường Mỹ, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chỉ có 120 tỷ USD hàng hóa để nhắm mục tiêu áp thuế. Trong khi đó, Washington có thể áp thuế với khoảng 540 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hầu hết những mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ mà chưa bị Trung Quốc đánh thuế đều là các sản phẩm công nghệ cao và không dễ thay thế. Do đó, nếu tiếp tục áp thuế lên phần hàng hóa còn lại từ Mỹ, chính Trung Quốc cũng phải chịu một phần thiệt hại.
Với việc gây áp lực cho các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, chính phủ nước này có thể gây khó khăn cho các công ty Mỹ bằng cách siết chặt các quy định đối với hoạt động kinh doanh của họ và thiết lập thêm các rào cản về pháp lý.
Tuy vậy, kế hoạch này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn đang trì trệ của Trung Quốc, nếu các công ty này quyết định chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác. Thực tế, một số công ty đã làm như vậy.
“Trung Quốc hiện đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các hoạt động đầu tư nước ngoài hơn so với trước đây, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không muốn chứng kiến các công ty đa quốc gia ồ ạt rời khỏi nước này. Nếu các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc bị gây khó dễ, thì chính Trung Quốc đang tự bắn vào chân mình”, nhà kinh tế Iris Pang tại ING cho biết.
Mặt khác, hạ giá đồng CNY và hạn chế nguồn cung đất hiếm cũng là một trong những phương án được nhiều chuyên gia cảnh báo. Nhưng trong thời điểm hiện tại, hạn chế đất hiếm sẽ gây tổn hại trực tiếp Nhật Bản, khách hàng đất hiếm chính của Trung Quốc và hạ giá đồng CNY có thể dẫn tới việc một lượng tiền lớn “chảy” ra khỏi Trung Quốc, làm xáo trộn sự ổn định của nền kinh tế.
Không loại trừ khả năng, Trung Quốc sẽ thực hiện từng biện pháp đáp trả một cách thận trọng nhằm làm giảm tốc độ đàm phán và kéo dài việc đáp trả lẫn nhau cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ và tháng 11/2020.
Cẩm Anh