Muốn thăng tiến trong sự nghiệp, bạn cần đến 3 kiểu người: người cố vấn, người ủng hộ và người đỡ đầu.
*Bài chia sẻ của Liz Taxin Nemiroff – founder kiêm CEO của Yellow Brick Advisors. Cô có bằng cử nhân tại Trường Cao đẳng Harvard thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard, trước khi làm việc cho Merrill Lynch & Co., American Express và S&P Global.
Trong suốt 20 năm sự nghiệp, tôi đã điều hành rất nhiều công ty nằm trong top 500 của Fortune. Tôi hiểu cảm giác là vị giám đốc nữ duy nhất trong phòng.
Hiện tại, tôi đang đào tạo cho rất nhiều CEO, từ những doanh nghiệp non trẻ cho đến những tập đoàn toàn cầu trị giá hàng trăm triệu USD. Từ những gì chứng kiến, tôi nhận thấy rằng không ai dành thời gian để giải thích về những “luật bất thành văn” trong kinh doanh và những yếu tố cần thiết để đạt vị trí số 1.
Đặc biệt, có một điều mà tôi ước mọi người nên làm từ khi mới bắt đầu sự nghiệp: Học cách nuôi dưỡng và điều hướng các mối quan hệ công việc.
3 mối quan hệ giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp
Việc xây dựng mạng lưới quan hệ phức tạp hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Trong số các đồng nghiệp, khách hàng và bạn bè của mình, tôi đã chứng kiến quá nhiều người chật vật trong giai đoạn đầu và giữa của sự nghiệp. Bởi lẽ, họ không hiểu tầm quan trọng của việc làm thân với 3 kiểu người: người cố vấn, người ủng hộ và người đỡ đầu.
Mỗi người đều có một vai trò riêng biệt:
Người cố vấn sẽ cho bạn lời khuyên và hướng dẫn, dựa trên những kinh nghiệm đi trước của họ. Họ không cần phải làm cùng tổ chức với bạn, nhưng họ có đủ kiến thức và kỹ năng để giúp bạn thành công hơn trong công việc.
Người ủng hộ sẽ biết cách động viên và khen ngợi tài năng của bạn, thường là thông qua những kênh không chính thức. Đó có thể là một vị quản lý cũ – người biết về khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của bạn, hoặc một đồng nghiệp tốt tính – người không ngừng đề bạt với sếp để bạn được thăng chức.
Người đỡ đầu thường là tiền bối có địa vị và quyền lực cao trong tổ chức. Họ sẽ sử dụng danh tiếng của mình để ủng hộ bạn. Thông thường, người đỡ đầu cũng làm việc trong cùng tổ chức với bạn, hoặc ở công ty mà bạn muốn ứng tuyển.
Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức chương trình tư vấn và định hướng, nhưng chưa bao giờ có chương trình bảo trợ. Bạn phải chủ động tìm một người đỡ đầu cho mình, bởi đây là bước quan trọng nhất để thăng tiến cho sự nghiệp.
Tại sao bạn cần một người bảo trợ?
Trong tuyển dụng, bất cứ ứng viên nào thuộc danh sách chờ gọi đều là những người đạt điều kiện. Thế nhưng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả 3 người có năng lực tương đương nhau đều cạnh tranh cho cùng một vị trí? Đây chính là lúc bạn cần người đỡ đầu để hỗ trợ mình.
Bản thân tôi cũng được hưởng lợi từ việc có người đỡ đầu. Cách đây hơn 1 thập kỷ, tôi từng được cân nhắc cho vị trí giám đốc quản lý tại một công ty phần mềm toàn cầu. Công việc của tôi sẽ là giám sát dự án kinh doanh trị giá 100 triệu USD cùng đội ngũ nhân viên lên đến 150 người.
Cuối cùng, ban lãnh đạo phân vân giữa tôi và một người khác. Chúng tôi đều đủ tiêu chuẩn, nhưng sở hữu những kỹ năng vô cùng khác nhau.
Đối thủ có người cố vấn hướng dẫn cô ấy từng bước trong quá trình phỏng vấn, còn tôi lại có người đỡ đầu – một giám đốc cấp cao trong công ty. Ông ấy đã ra mặt và nói với ban lãnh đạo: “Tôi xin lấy uy tín của mình để đảm bảo cho Liz. Tôi tự tin rằng cô ấy là người phù hợp nhất cho công việc”.
Rốt cuộc, tôi là người được chọn cho vị trí mới và đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Quan trọng hơn, người đỡ đầu còn đảm bảo rằng thù lao mà tôi nhận được sẽ ngang bằng với những đồng nghiệp nam khác.
Theo một nghiên cứu năm 2019 của Payscale, Inc., những nhân viên có người đỡ đầu được trả cao hơn 11,6% so với những nhân viên khác. Bởi lẽ, người đỡ đầu họ cũng chính là người đưa ra những quyết định về thăng chức và lương thưởng.
Làm thế nào để tìm kiếm người đỡ đầu ở nơi làm việc?
Tìm kiếm người đỡ đầu phù hợp là một quá trình phải thử và sai. Càng sớm xây dựng mạng lưới quan hệ, bạn càng có nhiều thời gian để xác định và làm quen đúng người. Dưới đây là 4 bước để bắt đầu.
- Lên danh sách
Hãy nghĩ đến tất cả những người mà bạn biết, có thể là bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay giáo viên cũ,… Mỗi tháng, bạn nên cập nhật lại danh sách 1 lần.
Bạn cần biết vai trò của từng mối quan hệ trong cuộc đời mình để phân bổ thời gian và năng lượng một cách hợp lý. Thỉnh thoảng, người cố vấn và người ủng hộ sẽ biến thành người đỡ đầu của bạn nếu mối quan hệ giữa hai người trở nên khăng khít, cũng như họ hiểu rõ về công việc của bạn.
- Đầu tư vào đồng nghiệp
Đồng nghiệp cũ là một trong những đối tượng tiềm năng nhất có thể trở thành người đỡ đầu cho bạn, bởi họ hiểu rõ những kỹ năng mà bạn sở hữu. Do đó, đừng ngại làm thân với đồng nghiệp của mình. Bạn có thể mời họ đi ăn trưa hoặc uống cà phê, trò chuyện đôi ba câu trong mỗi lần gặp mặt.
Những mối quan hệ tốt đẹp thường được xây dựng trên cơ sở chân thành. Đừng ngại hỏi mọi người về cuộc sống cá nhân, chia sẻ với họ những câu chuyện của chính bạn. Mọi thứ diễn ra tự nhiên nếu cả bạn và họ đều là chính mình.
- Tham gia các hội nhóm tập trung vào các chủ đề bạn yêu thích
Mạng lưới quan hệ của bạn có thể được mở rộng bên ngoài phạm vi văn phòng.
Bạn có thể tham gia những hội nhóm không liên quan đến công việc, miễn là chúng cho bạn cơ hội để kết nối và trò chuyện với nhiều người. Bạn sẽ chẳng thể đoán được mình sẽ gặp ai ở những nơi này.
- Trả ơn
Những mối quan hệ hiệu quả nhất trong công việc phải đem lại lợi ích cho hai bên. Khi muốn có người hướng dẫn, ủng hộ hay đỡ đầu mình, bạn phải nghĩ xem mình có thể đem đến cho họ điều gì.
Dù đó là một lời giới thiệu vui vẻ hay một lời khuyên nhỏ từ kinh nghiệm bản thân, bạn vẫn phải báo đáp lại cho những người giúp mình.
(Theo CNBC)-Tú Khê–Theo Trí thức trẻ