Đó là một trong số 6 NGUYÊN TẮC TIẾN BỘ mà bản thân Inamori Kazuo đúc rút, suy ngẫm và thực thi hàng chục năm. Đó cũng là cách giúp ông vượt qua sóng gió, đưa doanh nghiệp vào top 500 toàn cầu, chỉ mất 3 năm để cứu Japan Airlines khỏi bờ vực phá sản.
Inamori Kazuo được mệnh danh là “Thần kinh doanh của Nhật Bản”. Xuất phát điểm của ông giống như chúng ta, cũng chỉ là một người lao động bình thường, không bằng cấp cao, không có nguồn lực. Điểm khác biệt là ông đã sáng lập hai công ty thuộc top 500 toàn cầu, và chỉ mất ba năm để cứu Japan Airlines khỏi bờ vực phá sản.
Thành tựu của Inamori Kazuo bắt nguồn từ những suy ngẫm của ông về công việc. Trong đó, nguyên tắc làm việc “Sáu nguyên tắc tiến bộ” mà ông tổng kết ra đã được rất nhiều người coi là kim chỉ nam. Nếu bạn có thể lĩnh hội tốt phương pháp làm việc của Inamori Kazuo, thì chẳng bao lâu sẽ có thể phá vỡ bế tắc trong công việc.
01. Cố gắng không kém bất cứ ai
Đôi khi, Inamori Kazuo sẽ hỏi nhân viên: “Bạn có đang dốc hết sức làm việc không?”. Nhân viên thường sẽ trả lời: “Có, tôi đang làm việc rất chăm chỉ.”
Inamori Kazuo thường không hài lòng với câu trả lời như vậy, và sẽ tiếp tục hỏi: “Bạn có đang nỗ lực không thua kém bất kỳ ai không?”; “Phương pháp làm việc của bạn có sánh ngang với bất kỳ ai không?”
Inamori Kazuo kiên định tin rằng: ngoài việc làm việc hết mình, trên đời này không tồn tại bí quyết kinh doanh cao siêu nào khác.
Một người nếu muốn có mức lương cao, muốn trưởng thành, thì phải liều mình mà giành lấy, làm thêm một việc, tiến thêm một bước.
Năm 27 tuổi, Inamori Kazuo thành lập công ty Kyocera. Lúc đó, ông còn chưa hiểu nổi chữ “kinh” trong “kinh doanh”, việc muốn phát triển doanh nghiệp lớn mạnh là vô cùng khó khăn. Vì thế, ông làm việc ngày đêm, chỉ nghĩ đến việc cố gắng, rồi lại cố gắng hơn nữa. Cuối cùng, chính nhờ sự chăm chỉ ấy, ông đã tạo nên sự huy hoàng cho Kyocera ngày hôm nay.
Muốn được vinh quang trước mặt người đời, ắt phải chịu đựng gian khổ phía sau hậu trường. Đằng sau vẻ hào nhoáng, là sự chịu đựng cường độ làm việc không ai biết tới. Không ai có thể nằm yên mà trở thành người chiến thắng trong cuộc đời.
Muốn trở thành nhân viên kinh doanh xuất sắc hàng đầu trong ngành, phải va vấp nhiều hơn người khác, phải chịu nhiều ánh mắt lạnh lùng hơn người khác. Muốn có mức thu nhập gấp nhiều lần người ta, thì càng phải bỏ ra nhiều công sức hơn để mài giũa năng lực của bản thân.
Đúng vậy, nếu muốn đạt được thành tựu, ta không thể chỉ dừng lại ở sự cố gắng – mà phải cố gắng hơn cả người khác.
02. Khiêm tốn
Người xưa có câu: “Duy khiêm thụ phúc” – Ý nghĩa là: May mắn và hạnh phúc không dành cho những kẻ kiêu ngạo, chỉ những ai giữ được tấm lòng khiêm nhường mới có thể nhận được phúc lành.
Inamori Kazuo rất yêu thích câu nói này và luôn nhắc nhở bản thân không được kiêu ngạo. Đôi khi, khi nghĩ đến việc mình đạt được thành tựu lớn trong lĩnh vực gốm sứ kỹ thuật cao – một ngành chưa từng được khai phá – ông cũng không khỏi cảm thấy tự mãn. Khi được người khác tán dương hoặc được ngồi vào vị trí danh dự trong các buổi tiệc, ông cũng từng cảm thấy lâng lâng. Những lúc như vậy, ông liền lập tức nhắc nhở bản thân: “Không được, không được, tuyệt đối không thể để cảm giác tự mãn chiếm lấy mình.”
Năm 1977, tỷ suất lợi nhuận của Kyocera đứng đầu trong các doanh nghiệp Nhật Bản lúc bấy giờ, và ai ai cũng ca ngợi Kyocera. Trong hoàn cảnh như vậy, Inamori Kazuo đã nhanh chóng đưa ra khẩu hiệu: “Khiêm tốn, không kiêu ngạo, càng phải nỗ lực hơn nữa.” Chính trạng thái khiêm nhường ấy đã giúp Kyocera không ngừng phát triển, từng năm vươn lên tầm cao mới.
Nước ở chỗ thấp mới thành biển, người giữ mình thấp mới xứng làm vua. Luôn giữ thái độ khiêm nhường, không ngừng học hỏi, ta mới có thể hoàn thiện bản thân từng ngày.
Một khi con người trở nên kiêu ngạo, rất dễ bị hủy hoại chính trong sự kiêu ngạo đó. Ta tưởng rằng không có mình thì cả đội sẽ không vận hành được, nhưng rồi phát hiện, không có ta, đội vẫn hoạt động rất tốt. Ta nghĩ rằng kỹ thuật mình vững, năng lực mình cao, rồi bắt đầu làm việc qua loa, cuối cùng lại bị những nhân viên trẻ vượt qua.
Trong môi trường công sở, tuyệt đối đừng bao giờ đánh giá quá cao tầm quan trọng của bản thân. Dù làm việc ở đơn vị nào, đừng đặt bản thân làm trung tâm, mà hãy luôn coi công việc là điều quan trọng hàng đầu — như vậy ta mới có thể đi xa và vững chắc.
03. Suy ngẫm mỗi ngày
Inamori Kazuo thường xuyên đọc cuốn “Luật Nhân Quả” của triết gia người Anh James Allen. Trong rất nhiều bài diễn thuyết, ông thường trích dẫn một phép ẩn dụ trong cuốn sách đó:
“Nếu bạn không gieo những loài hoa cỏ xinh đẹp trong khu vườn tâm hồn mình, thì nơi đó sẽ đầy rẫy cỏ dại.” Điều này có nghĩa là: nếu bạn không biết tự suy ngẫm về bản thân, nội tâm bạn sẽ bị cỏ dại mọc đầy. Inamori Kazuo cho rằng, một người làm vườn giỏi sẽ xới đất làm cỏ trong khu vườn của mình. Tương tự, chúng ta cũng phải thông qua việc tự kiểm điểm hằng ngày để xới xáo khu vườn nội tâm.
Vì vậy, ông duy trì một thói quen tốt suốt 30 năm: mỗi sáng vừa rửa mặt vừa tự suy xét lại bản thân. Xem lại mình đã làm tốt công việc chưa. Tự hỏi mình có thiếu tôn trọng khi đối xử với nhân viên không. Nếu có lỗi, Inamori Kazuo sẽ chân thành nói: “Tôi xin lỗi.”
Không có sự tự suy ngẫm sâu sắc thì sẽ không có bước đột phá phi thường. Dù làm nghề gì, cũng đều có những khó khăn và gian khổ, nhưng những người có thể vượt trội hơn người khác phần lớn đều có một điểm chung – tự suy xét.
Người không biết phản tỉnh sẽ lặp lại lỗi sai, chỉ biết đổ lỗi và than vãn, và cuối cùng sớm muộn cũng sẽ bị loại bỏ.
Vấn đề đến từ việc tự suy ngẫm, giải pháp đến từ sự tự soi xét. Khi ta chậm lại tìm nguyên nhân từ bên trong, không ngừng phân tích công việc một cách sâu sắc, thì công việc sẽ ngày càng trở nên thuần thục và thuận lợi.
04. Biết ơn
Khi Inamori Kazuo thành lập công ty Kyocera, ông gần như mù tịt về công nghệ cốt lõi của công ty. Lúc đó, đội ngũ ban đầu chỉ có 8 người, ngoài ông ra thì ai cũng là chuyên gia kỹ thuật, trong đó có một người tên là Inoue, được coi là chuyên gia hàng đầu trong ngành. Inoue rõ ràng có thể tìm được công việc tốt hơn, nhưng lại sẵn sàng ở lại làm việc cho công ty nhỏ này, điều đó khiến Inamori Kazuo vô cùng cảm kích.
Vì vậy, ông hoàn toàn không tỏ ra là một ông chủ, thậm chí còn nhường xe và văn phòng cho Inoue sử dụng.
Ông còn chân thành nói với Inoue: “Tôi phải cảm ơn anh vì đã đồng hành cùng tôi. Tôi chỉ là người mơ một giấc mơ cho tương lai của Kyocera, còn anh mới là người thực sự xây dựng nên giấc mơ đó. Mơ thì không cần chỗ rộng, nhưng xây mộng thì cần có người.”
Inoue bị sự chân thành và cống hiến của ông làm cảm động, đã dẫn dắt cả nhóm làm việc hết mình. Dưới sự giúp đỡ của họ, Kyocera dần dần đi vào quỹ đạo ổn định.
Ông cũng từng nói: “Hãy dành ra một chút thời gian mỗi ngày để biết ơn tất cả những gì bạn đang có. Biết ơn công việc, biết ơn cấp trên, chân thành cảm kích mọi người xung quanh – điều đó sẽ khiến bạn nổi bật trong môi trường làm việc.”
Con người với nhau đều là mối quan hệ tương hỗ: bạn ghi ơn trong lòng, người khác sẽ báo đáp bằng hành động.
Suy cho cùng, những quý nhân giúp đỡ bạn là do chính bạn thu hút mà đến. Không chỉ vậy, biết ơn cũng là một trạng thái tâm lý lý tưởng trong công việc.
Khi tôi mới vào nghề, một tiền bối từng nói với tôi: Đừng oán trách cấp trên soi mói và nghiêm khắc, hãy cảm ơn họ – vì chính họ sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều hơn. Chỉ biết than phiền về công việc sẽ chỉ khiến kết quả ngày càng tồi tệ. Uống nước nhớ nguồn, lòng người sẽ dần hướng về bạn; mang lòng biết ơn và nhìn thấy điểm tốt ở người khác, bạn mới có thể tiến bộ.
05. Tích đức, lợi người
Inamori Kazuo rất thích một câu chuyện nhỏ. Có một tu sĩ trẻ hỏi vị trưởng lão: Thiên đường và địa ngục khác nhau chỗ nào?
Vị trưởng lão giải thích như sau: Địa ngục và thiên đường đều có một cái nồi đựng mì giống nhau, mỗi người đều cầm một đôi đũa dài một mét.
Điểm khác biệt là, người ở địa ngục chỉ chăm chăm ăn cho mình trước, nhưng do đũa quá dài nên không thể đưa mì vào miệng, cuối cùng ai cũng đói đến xanh xao gầy mòn. Còn người ở thiên đường, khi gắp mì, lại đưa trước vào miệng người khác, kết quả là ai cũng ăn no nê, hài lòng.
Trong công việc, kẻ ích kỷ tự cô lập mình, người biết lợi tha mới thu hút được nhiều mối quan hệ tốt. Bạn hào phóng với người khác, họ sẽ ghi nhớ trong lòng; bạn keo kiệt với người khác, họ sẽ ghi nhớ.
Câu nói “ăn một mình không thể béo” chính là như vậy. Dù là cùng đồng nghiệp hợp tác làm ăn hay với khách hàng, nghĩ cho người khác nhiều hơn, nhường nhịn thêm một chút, cuối cùng đều là giúp chính mình.
Khi xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên, các doanh nghiệp đều cắt giảm nhân sự. Công ty của Inamori Kazuo cũng bị ảnh hưởng, nhiều người khuyên ông nhanh chóng sa thải nhân viên. Ông đáp lại: “Nếu còn có thể tận dụng nhân viên, thì hãy gọi họ đến làm việc, khi họ không còn giá trị sử dụng nữa mới đuổi ra đường, vậy có phải điều chúng ta nên làm không?”
Trong thời kỳ khó khăn đó, Inamori Kazuo không sa thải một ai. Ông để 10% nhân viên tiếp tục làm việc, số còn lại hoặc học tập, hoặc dọn dẹp vệ sinh, nhưng vẫn trả lương đầy đủ. Nhân viên vô cùng cảm kích ông, cùng nhau giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chỉ có tấm lòng vì người khác mới mang lại kết quả tốt cho bản thân.
Trong công việc, chiếc ô bạn giơ lên cho người khác sẽ trở thành mái nhà che mưa cho bạn; con đường bạn để lại cho người khác sẽ trở thành đại lộ rộng mở của chính bạn.
06. Không lo âu vô cớ
Trước đây, tôi đọc một báo cáo mang tên “Báo cáo Nhận thức về Sức khỏe Tâm lý đại chúng.”
Trong khảo sát với người đi làm, có 64,16% người cảm thấy “lo lắng,” 50,89% cảm thấy công việc “vô nghĩa,” và 40% người bị tâm trạng chán nản, trầm cảm. Đây chính là thực trạng của những người lao động trong công sở: khi gặp vấn đề thì nội chiến tinh thần, có mâu thuẫn thì bất an, năng lượng tâm trí liên tục bị hao tổn. Về điều này, Inamori Kazuo đưa ra một lời khuyên: đừng để những phiền muộn cảm tính chi phối.
Năm 1998, một công ty sản xuất bộ đàm ở Kyoto đứng trước nguy cơ phá sản. Theo yêu cầu của giám đốc công ty đó, Inamori quyết định mua lại công ty. Việc làm tốt của ông lại bị một số nhân viên cũ công ty phản đối. Họ cho rằng Inamori đã giàu có như vậy, sao không chia thêm lợi ích cho họ. Họ không chỉ tổ chức đình công, phản đối mà còn đến tận nhà riêng của Inamori, phát tờ rơi, dán khẩu hiệu, dựng loa phóng thanh chửi bới ông ầm ĩ.
Nhiều đêm, vợ ông không sao ngủ được vì lo lắng. Nhưng Inamori chỉ cần đắp chăn là ngủ say, tiếng ồn bên ngoài không ảnh hưởng gì đến ông.
Sau đó, ông toàn tâm toàn ý quản lý công ty bộ đàm, khi doanh nghiệp dần hồi phục, những kẻ gây rối bị cô lập và trong sự chỉ trích của người khác, họ đành lặng lẽ rời khỏi công ty.
Công ty bộ đàm dưới sự dẫn dắt của ông đã hồi sinh, trở thành bộ phận quan trọng của tập đoàn Kyocera.
Nghiên cứu tại Đại học Cornell cho thấy: khả năng quản lý cảm xúc bản thân của một người ảnh hưởng lớn đến thành công trong tương lai của họ.
Người càng xuất sắc, càng không để cảm xúc chi phối.
Trong công việc, vấn đề khiến ta buồn bực, nhưng tâm trạng xấu không giải quyết được vấn đề. Giữ tâm thái ổn định, không quan tâm đến cảm xúc mà chỉ tập trung vào công việc, nhiều lo âu, phiền muộn sẽ dần tan biến.
Những năm gần đây, không khí căng thẳng trong môi trường công sở ngày càng nặng nề.
Nhiều người tự trào là “con trâu, cái ngựa,” đứng trước bức tường kiên cố của giai tầng xã hội, trong lòng dấy lên cảm giác bất lực và tuyệt vọng. Nhưng như Inamori Kazuo đã nói: “Số phận không phải là điều đã được định đoạt bởi ông Trời, càng không phải là việc chạy trên một đường ray đã được trải sẵn từ trước. Số phận có thể tốt lên, cũng có thể xấu đi.” Dù ở thời đại nào, của cải luôn chỉ chảy đến những người phù hợp nhất với nó.
Hãy như Inamori Kazuo, trở thành người không ngừng tiến bộ, đào sâu bản thân, tu dưỡng bản thân, tất cả những điều bạn mong muốn sẽ tự nhiên đến với bạn.
Diệu Đan–Theo TNV